Nhiều giải pháp đã được các chuyên gia đưa ra để "giải vây" cho thị trường bất động sản.
Khó khăn bủa vây
Tại Diễn đàn “Phát triển bền vững thị trường bất động sản” sáng 15.12, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã chỉ ra những dấu hiệu không ổn định của thị trường bất động sản.
Về nguồn cung, nhiều dự án đầu tư vướng thủ tục pháp lý chưa triển khai thực hiện hoặc dừng thi công khiến nguồn cung giảm mạnh.
Đến hết quý 3-2022, cả nước có 104 dự án đang triển khai, chỉ bằng 51% cùng kỳ so với cùng kỳ năm trước.
Cơ cấu sản phẩm bất động sản cũng đang ở tình trạng mất cân đối, chưa phù hợp nhu cầu thị trường. Nhà ở thương mại cao cấp nhiều trong khi dự án nhà ở giá trung bình phù hợp với khả năng tài chính của đại đa số người dân lại rất hạn chế, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Giá nhà ở vì thế neo ở mức cao, người dân khó tiếp cận, tác động đến tính thanh khoản, lượng giao dịch giảm, nhất là trong quý 4-2022.
Các doanh nghiệp bất động sản cũng gặp phải không ít khó khăn, nhất là trong tiếp cận vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, khiến cho hàng loạt dự án bất động sản bị đình trệ vì thiếu vốn.
Ngoài ra, lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá nguyên vật liệu tăng đã làm tăng khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư bất động sản, khiến một số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giảm lao động, các nhà thầu thi công phải dừng thi công…
Cùng với đó là những khó khăn do tâm lý khách hàng. Một số dự án không đảm bảo pháp lý khiến các nhà đầu tư, người dân mất lòng tin vào doanh nghiệp, vào thị trường.
Cần những lệnh điều chỉnh kịp thời
Nhiều giải pháp đã được đưa ra để gỡ khó cho thị trường, trong đó có Công điện 1164 của Chính phủ ngày 14.12 vừa qua.
Công điện nêu rõ trách nhiệm các bộ, ngành, trong đó có Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn liên quan trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có một loạt giải pháp liên quan tín dụng bất động sản, giảm lãi suất, giãn các khoản nợ… sẽ góp phần thúc đẩy nguồn cung và cơ cấu sản phẩm trên thị trường.
Nói thêm về các giải pháp lâu dài, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng cần tập trung sửa đổi các văn bản pháp luật còn chồng chéo mâu thuẫn, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, các địa phương cần tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nắm bắt tình hình doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường bất động sản.
Theo chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, thị trường bất động sản năm nay phát triển khá bất thường và có sự khác biệt so với thế giới và khu vực. Nguyên nhân chính là do thị trường đã và đang điều chỉnh rất mạnh sau 3 năm tăng nóng; cả doanh nghiệp và nhà đầu tư đã dùng đòn bẩy tài chính tương đối nhiều; đầu cơ và cuối cùng là tâm lý đám đông vẫn còn nặng nề.
Do đó, vị này khuyến nghị các doanh nghiệp bất động sản cần tiến hành tái cấu trúc, phấn đấu trả hết các khoản nợ đến hạn phải trả; không trả được phải đàm phán khất; đồng thời chấp nhận cắt lỗ, bán đi một số tài sản, dự án để có tiền trả nợ.
Các chuyên gia bất động sản cũng đánh giá, những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Thị trường đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái nếu Nhà nước không sớm ban hành các giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả.
Hiện nay, Chính phủ và các địa phương đang tích cực nhận diện những “điểm nghẽn” của thị trường bất động sản để có giải pháp trước mắt và căn cơ để tháo gỡ, thúc đẩy thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng Chính phủ đã rất quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đơn cử như việc thành lập Tổ Công tác.
Nhưng theo ông Hà, tổ công tác cần hoạt động có hiệu quả hơn, trực diện hơn với những khó khăn của doanh nghiệp và cùng địa phương giải quyết khó khăn của doanh nghiệp.
Trước mắt, cần tập hợp danh mục dự án khó khăn của địa phương, phân loại khó khăn mà dự án đang đối mặt như: dự án vướng giải phóng mặt bằng, dự án vướng do định giá đất, dự án đang triển khai nhưng “tắc vốn”… để từ đó có giải pháp cụ thể.
Hay như vấn đề định giá đất, mỗi địa phương làm một cách, có địa phương theo thị trường, sát thị trường.
Theo ông Hà, đây là thời điểm nhìn nhận lại vấn đề định giá theo mức giá chung từng địa phương để việc định giá đất dễ dàng hơn. Hiện nay, 70-80% doanh nghiệp vướng liên quan đến định giá đất chậm, nhiều dự án không nộp tiền sử dụng đất nên không triển khai được.
-
Gói giải cứu bất động sản của Trung Quốc sẽ thất bại?
Câu trả lời vô cùng không chắc chắn, bởi vì vấn đề cốt lõi là Trung Quốc phải giải quyết được tình trạng dư thừa bất động sản và nhà phát triển, phần lớn trong đó đang mắc nợ xấu.
-
Thủ tục hành chính đất đai sẽ được thực hiện như thế nào khi thu hồi sổ hộ khẩu?
Theo quy định của Luật Cư trú năm 2020, kể từ ngày 1.1.2023 sẽ không còn sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú. Việc thực hiện các thủ tục hành chính đất đai sau khi thu hồi sổ hộ khẩu là vấn đề được nhiều người quan tâm....
-
Bất động sản châu Á có thể là điểm sáng trên toàn cầu trong năm 2023
Theo công ty dữ liệu bất động sản Knight Frank, dù vẫn đối mặt với một số thách thức, song khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể vẫn là một trong những “điểm sáng” của nền kinh tế thế giới trong năm 2023....
-
Những chính sách mới tác động lớn đến thị trường bất động sản 2023
Trong năm 2023, những chính sách mới liên quan đến khung giá đất, pháp lý dự án… được cho là sẽ có nhiều tác động đối với thị trường bất động sản.