Hình minh họa
Tin vui cho hơn 59.000 căn hộ chưa được cấp sổ hồng ở TP.HCM
Ngày 5/11, UBND TP.HCM lập tổ công tác giải quyết các vấn đề liên quan đến cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) cho các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố.
Mục tiêu nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng, bảo đảm quyền và lợi ích cho người mua nhà tại các dự án.
Tổ công tác gồm 14 thành viên do ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm tổ trưởng; ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng làm tổ phó; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan và Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tham gia làm thành viên.
Nhiệm vụ của Tổ Công tác là thực hiện rà soát tổng thể và thống kê số liệu các khu nhà, các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn TP đã được cấp phép đầu tư xây dựng và được đưa vào sử dụng nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận. Xác định rõ nguyên nhân, vướng mắc dẫn đến việc chưa hoàn thành công tác cấp Giấy chứng nhận, phân nhóm, phân loại, thống kê số liệu, danh sách dự án cụ thể theo từng nhóm, đề ra và thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn theo kế hoạch, lộ trình và thời gian cụ thể.
Trình Quốc hội duyệt hai điều chỉnh quan trọng tại dự án sân bay Long Thành
Chính phủ vừa trình Quốc hội về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Cụ thể, Chính phủ đề nghị điều chỉnh tiến độ hoàn thành, đưa vào khai thác sân bay Long Thành giai đoạn 1 đến cuối năm 2026, thay vì năm 2025 như trước.
Trong tờ trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất đưa đường cất hạ - cánh số 3 từ giai đoạn 3 lên giai đoạn 1, nghĩa là sẽ xây dựng song song hai đường cất hạ cánh.
Chính phủ lý giải, tại thời điểm trình duyệt chủ trương đầu tư dự án, do việc xác định nguồn vốn để đầu tư giai đoạn 1 còn khó khăn nên Quốc hội chỉ phê duyệt đầu tư xây dựng 1 đường cất - hạ cánh ở khu vực phía Bắc của cảng. Trong khi đó, giai đoạn gồm đường băng số 2 ở phía Nam, giai đoạn gồm hai đường băng số 3 ở phía Bắc và đường băng số 4 ở phía Nam.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nhận thấy việc xây dựng ngay đường cất - hạ cánh số 3 bên cạnh và cách đường cất - hạ cánh số 1 đang đầu tư 400m, để đưa vào khai thác đồng bộ cùng giai đoạn 1 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho việc quản lý, khai thác và bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Vốn ngoại chảy mạnh vào bất động sản, lộ diện các phân khúc được các “ông lớn” săn đón
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 31/10, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã đạt gần 27,26 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành kinh doanh Bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5,23 tỷ USD, chiếm gần 19,2% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp 2,38 lần cùng kỳ.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 31/10, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã đạt gần 27,26 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành kinh doanh Bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5,23 tỷ USD, chiếm gần 19,2% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp 2,38 lần cùng kỳ.
Quốc lộ 13 tại TP.HCM sẽ được mở rộng, dự kiến khởi công vào quý I/2026
Theo Sở GTVT TP.HCM, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 sẽ bắt đầu từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương với tổng chiều dài gần 6km. Dự án này đã được HĐND TP.HCM thông qua, thuộc danh mục các công trình được nâng cấp và mở rộng theo loại hợp đồng BOT, dựa trên cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98 của Quốc hội.
Tổng vốn đầu tư cho dự án ước tính khoảng 13.851 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng chiếm tới 9.375 tỷ đồng. Đoạn đường này sẽ được mở rộng từ 53m đến 60m, đáp ứng nhu cầu giao thông gia tăng trong tương lai và cải thiện khả năng lưu thông giữa TP.HCM và các khu vực phía Bắc.
Sở GTVT TP.HCM đã được UBND TP.HCM giao làm cơ quan chuẩn bị đầu tư, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Căn cứ vào Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060, Sở GTVT TP.HCM sẽ hoàn thiện hồ sơ, dự kiến trình cấp có thẩm quyền thẩm định và quyết định chủ trương đầu tư vào kỳ họp cuối năm 2024. Dự kiến khởi công vào quý I/2026 và hoàn thành vào năm 2028.
Ngoài việc mở rộng mặt đường, Sở GTVT TP.HCM còn xem xét thêm phương án xây dựng đường trên cao dọc theo Quốc lộ 13 nhằm giảm tải cho giao thông mặt đất và tăng cường khả năng lưu thông. Phương án này đang được các đơn vị tư vấn nghiên cứu và đã được Sở GTVT TP.HCM cập nhật vào Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM và quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.
TP.HCM: Không kiểm tra hiện trạng nhà ở khi giải quyết thủ tục đất đai
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa có văn bản số 11663 gửi đến văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM, các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai chấn chỉnh việc kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng khi giải quyết thủ tục đăng ký biến động về đất đai.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, Luật đất đai hiện hành quy định: Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính về đất đai chịu trách nhiệm thực hiện đúng thẩm quyền và thời gian theo quy định của pháp luật. Không chịu trách nhiệm về những nội dung trong các văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ đã được cơ quan người có thẩm quyền khác chấp thuận, thẩm định, phê duyệt hoặc giải quyết trước đó.
Người dân, doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc thực hiện giao dịch nếu tài sản đã có thay đổi so với sổ đỏ đã cấp. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cơ quan giải quyết thủ tục chỉ không tiếp nhận hồ sơ hoặc dừng giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất và trả hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp khi có yêu cầu dừng của cơ quan chức năng.
Nghị định số 101/2024 cũng không quy định việc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thực hiện kiểm tra hiện trạng khi giải quyết thủ tục đăng ký biến động.
Ngoài ra, theo Quyết định số 17/2024 của UBND TP.HCM về quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM đã xác định trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng, UBND cấp huyện, UBND cấp xã.
Điều kiện nào để làm chủ đầu tư cao tốc 19.600 tỉ TP.HCM – Mộc Bài?
UBND TP.HCM có thông báo đến các nhà đầu tư quan tâm đến dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài. Đây là tuyến cao tốc dài 51km, kết nối TP.HCM với Tây Ninh có tổng vốn đầu tư hơn 19.600 tỉ đồng.
Dự án được chia làm 4 dự án thành phần. Trong đó, thành phần một là xây cao tốc theo phương thức PPP, hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), tổng vốn hơn 10.400 tỉ đồng, do UBND TP HCM là cơ quan có thẩm quyền. Dự án thành phần hai là xây đường gom dân sinh, cầu vượt, vốn đầu tư 2.422 tỉ. Hai thành phần còn lại là giải phóng mặt bằng đoạn qua TP HCM và Tây Ninh.
Trong tổng kinh phí làm tuyến cao tốc, nhà đầu tư chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 9.943 tỉ đồng (gần 51%). Để được tham gia dự án, nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được yêu cầu tối thiểu 1.491 tỉ đồng, chiếm khoảng 15% tổng nguồn vốn cần thu xếp.
Ngoài năng lực tài chính, doanh nghiệp muốn tham gia dự án cũng cần có kinh nghiệm triển khai các công trình khác có tính chất tương tự, như dự án PPP trong lĩnh vực giao thông...
-
TP.HCM chính thức áp bảng giá đất mới, những tuyến đường có giá “đắt đỏ” nhất; Các khu vực cấm phân lô bán nền tại Bình Dương, người mua bất động sản nên biết; Bộ Xây dựng tiếp tục đề xuất giải pháp hạn chế “lướt sóng” trên thị trường bất động sản; Hà Nội thu hơn 11.000 tỷ từ đấu giá đất, sắp đấu giá nhiều lô đất khác, liệu còn tình trạng “thổi giá”... là những thông tin nóng trong tuần qua.