Song song với việc chấp thuận chủ trương đầu tư nhiều dự án mới, nhiều địa phương tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã và đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản.

Đà Nẵng vừa chấp thuận nhiều dự án bất động sản mới. Ảnh: Lưu Bang

Nhiều dự án lớn tìm được chủ đầu tư

Mới đây, tại hội nghị công bố quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Đà Nẵng đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho nhiều dự án đầu tư.

Trong đó có các dự án bất động sản như: Khu phức hợp chung cư Ánh Dương của Công ty CP Mỹ Phúc có tổng vốn đầu tư hơn 944 tỷ đồng; Dự án Chung cư Hồ Xuân Hương (The Poet Residence) của Công ty CP Địa ốc Phúc Thành An có tổng vốn đầu tư hơn 792 tỷ đồng; Dự án Chung cư Tháp Đại dương (Aqua Tower) của Công ty TNHH Aqua Tower có tổng vốn đầu tư hơn 653 tỷ đồng; Dự án Căn hộ Mia Plaza của Công ty CP đầu tư Mia có tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng.

Tính đến ngày 21/11, tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 9 dự án đầu tư bất động sản với tổng vốn đầu tư 8.580 tỷ đồng để tổ chức thực hiện đấu thầu, đấu giá theo quy định. Song song với đó, địa phương này cũng chấp thuận nhà đầu tư cho 8 dự án với tổng vốn đầu tư 6.750 tỷ đồng.

Ngày 24/11 vừa qua, tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt kết quả đánh giá sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái Coastal Quảng Ngãi đối với Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh BĐS NHSLAND.

Dự án Khu đô thị sinh thái Coastal Quảng Ngãi có sơ bộ tổng chi phí thực hiện 6.911 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 195 tỷ đồng. Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đang hướng dẫn Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh BĐS NHSLAND nộp hồ sơ trình chấp thuận nhà đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan.

Thống kê từ UBND tỉnh Bình Định cho biết, tính đến tháng 11/2023, nhiều dự án bất động sản đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó, có hai dự án nhà ở xã hội, hai dự án chung cư thương mại và hai dự án khu đô thị, khu dân cư.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã chấp thuận nhà đầu tư cho loạt dự án lớn như, khu nhà ở Vinpearl Phú Quý quy mô 7.452,6 tỷ đồng; khu đô thị ven vịnh Cam Ranh quy mô 85.293,9 tỷ đồng; khu nhà ở xã hội phường Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh quy mô 3.756,6 tỷ đồng.

Cùng với đó, Khánh Hòa đã điều chỉnh tăng vốn cho hàng loạt dự án, như dự án khu du lịch Bãi Cát Thấm tăng thêm 21.300 tỷ đồng; dự án khu du lịch sinh thái Thanh Vân tăng thêm 880 tỷ đồng; dự án Champarama Resort & Spa tăng 8.200 tỷ đồng;…

Tại khu vực Tây Nguyên, Lâm Đồng đang là vùng đất được nhiều doanh nghiệp tìm đến đầu tư nhiều dự án bất động sản.

Thời gian gần đây, tỉnh này liên tục chấp thuận nhà đầu tư nhiều dự án bất động sản có quy mô lớn như: dự án Khu dân cư nông thôn kiểu mẫu Đambri quy mô 1.570 tỷ đồng do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển Kỷ Nguyên làm chủ đầu tư; dự án Khu dân cư phía Đông, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà quy mô 820 tỷ đồng do Liên danh Công ty cổ phần bất động sản HANO - VID và Công ty cổ phần AAC Việt Nam làm chủ đầu tư; dự án Khu đô thị Nam sông Đa Nhim hơn 11.800 tỷ đồng do Liên danh Công ty cổ phần Thương mại, quảng cáo, xây dựng, địa ốc Việt Hân, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản An Phúc và Công ty cổ phần Bất động sản Hano – Vid làm chủ đầu tư.

Các địa phương đang quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản

Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án

Bên cạnh việc chấp thuận chủ trương đầu tư nhiều dự án mới, nhiều địa phương tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên cũng đã và đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản.

UBND tỉnh Bình Thuận vừa tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo chuyên đề về tồn tại, vướng mắc đối với các dự án khu đô thị, khu dân cư, nhà ở thương mại đã được chấp thuận đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 35 dự án khu dân cư, khu đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội còn hiệu lực hoạt động.

Trong đó, có 15 dự án đã xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động kinh doanh; 10 dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 hoặc các hạng mục công trình chính, đang bổ sung hoàn thiện các công trình phụ trợ để nghiệm thu hoàn thành; 10 dự án chưa triển khai xây dựng do vướng mắc, khó khăn.

Tại cuộc họp, ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến đại biểu dự họp để bổ sung hoàn chỉnh báo cáo. Trong đó, thể hiện rõ từng dự án cụ thể, những khó khăn, vướng mắc.

Đối với 10 dự án cơ bản đã hoàn thành giai đoạn 1 hoặc các hạng mục công trình chính cần rà soát, tháo gỡ khó khăn, chỗ nào khó, vướng thì phải tập trung giải quyết để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Đối với 10 dự án chưa triển khai xây dựng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát từng dự án để đề xuất hướng xử lý cụ thể từng trường hợp. Trường hợp có tổ chức đấu thầu lại thì phải đảm bảo chặt chẽ theo đúng quy định pháp luật.

Tại Bình Định, tính đến thời điểm tháng 11/2023, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 42 dự án chậm triển khai, chưa triển khai. Trong đó có 8 dự án nhà ở xã hội và 34 dự án khu dân cư, khu đô thị.

Thời gian qua, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp, làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền.

Tính đến thời điểm tháng 11/2023, Bình Định đã triển khai một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 26 dự án bất động sản. Trong đó có nhiều dự án lớn của Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Phát Đạt.

Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã và đang triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản. Đơn cử, gia hạn tiến độ triển khai nhiều dự án; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng;…

Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Đơn cử như vấn đề về tín dụng; công tác giải phóng mặt bằng; thủ tục gia hạn tiến độ thực hiện dự án; vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục pháp lý; khó khăn về nguồn vật liệu thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là đất san lấp.

Thời gian qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu đẩy nhanh việc lập, phê duyệt các quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị làm cơ sở để triển khai các dự án bất động sản đồng bộ, hiện đại. Trong đó lưu ý bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu thực hiện công bố công khai danh mục dự án bất động sản phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu để các doanh nghiệp có đầy đủ thông tin, chủ động nghiên cứu, đăng ký tham gia đầu tư một cách công khai, minh bạch.

Các sở, ban, ngành, địa phương chịu trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục đầu tư, xây dựng, giao đất, xác định giá đất, bồi thường giải tỏa, sớm triển khai thực hiện các dự án bất động sản.

Trong đó, ưu tiên đẩy nhanh tiến độ các dự án bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết các thủ tục hành chính làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án bất động sản.

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.