16/10/2023 5:23 PM
Sau khi đạt đỉnh lợi nhuận trong quý 2/2023, kết quả kinh doanh của Nhựa Bình Minh trong quý 3 sẽ suy giảm đáng kể so với cùng kỳ do ảnh hưởng bởi mùa mưa và nhu cầu thị trường giảm mạnh khi các hoạt động xây dựng chưa phục hồi.

Công ty Chứng khoán KB Vietnam (KBSV) vừa công bố thông tin về cuộc họp giữa nhà đầu tư với Công ty Cp Nhựa Bình Minh (mã chứng khoán BMP).

Trong quý 2/2023, Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu đạt 1.336 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ. Doanh thu tài chính, chủ yếu là lãi tiền gửi, tiền cho vay gấp gần 3 lần cùng kỳ, giúp lợi nhuận sau thuế của Nhựa Bình Minh tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022, đạt 295 tỷ đồng.

Đây là kỷ lục mới về lợi nhuận hàng quý từ khi Nhựa Bình Minh trở thành công ty con của Nawaplastic Industries, thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan) vào đầu năm 2018. Kết quả này vượt qua mức lợi nhuận 281 tỷ đồng vừa thiết lập ở quý đầu năm 2023, đồng thời nối dài mạch tăng trưởng dương 6 quý liên tiếp.

Nhựa Bình Minh lãi đậm nhất từ khi về tay người Thái

Bước sang quý 3, Nhựa Bình Minh cho biết kết quả kinh doanh trong giai đoạn này sẽ suy giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2022 do nhiều yếu tố bất lợi trên thị trường.

Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng trên thị trường chung giảm từ 40-50% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, mùa mưa diễn ra trong quý 3 cũng tác động tiêu cực đến các hoạt động xây dựng, qua đó ảnh hưởng đến việc bán hàng của công ty.

Chia sẻ về diễn biến giá nguyên vật liệu đầu vào, ban lãnh đạo Nhựa Bình Minh cho biết nhiều doanh nghiệp sản xuất nhỏ đã buộc phải tạm dừng hoạt động trong bối cảnh giá PVC biến động mạnh trong quý 3/2023 vừa qua.

Với Nhựa Bình Minh, doanh nghiệp này lại đang có lợi thế lớn về nguồn cung nguyên liệu khi cổ đông lớn nhất là Tập đoàn SCG sở hữu tổ hợp hóa dầu Long Sơn, dự kiến đi vào hoạt động năm 2023 sẽ cung cấp nguyên liệu PVC với giá ưu đãi và sản lượng ổn định.

“Nhựa Bình Minh đang có lợi thế từ sự hợp nhất đang diễn ra ở ngành nhựa khi những ông lớn với lợi thế tài chính và vận hành đang chiếm ưu thế so với các doanh nghiệp nhỏ và giành thêm nhiều thị phần hơn”, KBSV nhận định.

Về triển vọng trong thời gian tới, Nhựa Bình Minh đặt kế hoạch kinh doanh năm 2024 theo hướng thận trọng với nhận định, nhu cầu tiêu thụ ống nhựa sẽ duy trì ở mức thấp như các dự báo trước đây.

Tuy nhiên, nhà sản xuất này cho biết chưa có kế hoạch giảm giá bán để cải thiện thị phần do những rủi ro liên quan tới tỷ giá. Đồng thời kỳ vọng các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản sẽ có tác động khởi sắc hơn trong 2024, từ đó giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm vật liệu xây dựng trong năm 2024.

Theo KBSV, hiện công suất sản xuất của Nhựa Bình Minh đang ở mức ổn định 70-80% công suất thiết kế. Trong đó, nhà máy Bình Minh Long An hiện đang hoạt động với công suất 28.000 tấn/năm, tương đương 70% công suất thiết kế hiện tại. Dự kiến sẽ mất từ 3 đến 5 năm nữa để khai thác 100% công suất thiết kế hiện nay.

Nhà máy này có tổng diện tích 16 ha, đang hoạt động trên 10 ha với 3 dây chuyền và 1 nhà kho. Nhựa Bình Minh dự kiến sẽ xây dựng bổ sung 6 ha còn lại (1 dây chuyền và 1 nhà kho) trong giai đoạn 2028-2029.

Về kế hoạch chia cổ tức năm 2023, Nhựa Bình Minh cho biết hiện chưa có kế hoạch cụ thể và cần đợi tới đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 để có quyết định chính thức cũng như tùy thuộc vào kế hoạch kinh doanh của năm 2024.

Nhựa Bình Minh ra đời từ năm 1977, tiền thân là nhà máy công ty hợp doanh nhựa Bình Minh trực thuộc Tổng Công ty Công nghệ phẩm - Bộ Công nghiệp nhẹ chuyên sản xuất các loại sản phẩm nhựa dân dụng và một số sản phẩm ống kèm phụ kiện ống nhựa.

Năm 2004, Nhựa Bình Minh cổ phần hóa và chính thức hoạt động dưới tên gọi Công ty CP Nhựa Bình Minh. Hai năm sau, công ty này niêm yết trên sàn chứng khoán với mã cổ phiếu là BMP, sàn Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Tháng 4/2018, Tập đoàn SCG cho biết Công ty TNHH Nawaplastic Industries - công ty con của SCG, đã hoàn tất nâng sở hữu vốn tại Nhựa Bình Minh lên 50,9%, chính thức hoàn tất thương vụ thâu tóm doanh nghiệp nhựa này.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.