Là một doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về sản xuất ống nhựa và phụ tùng ống nhựa, Nhựa Bình Minh sắp chứng kiến sự việc chưa từng có trong lịch sử từ khi thành lập.

Lãi ròng năm 2023 của Nhựa Bình Minh có thể cao nhất lịch sử

Phá đỉnh lợi nhuận 2023

Công ty CP Nhựa Bình Minh (mã chứng khoán BMP) được thành lập từ năm 1977, tiền thân là nhà máy công ty hợp doanh nhựa Bình Minh trực thuộc Tổng Công ty Công nghệ phẩm - Bộ Công nghiệp nhẹ, chuyên sản xuất các loại sản phẩm nhựa dân dụng và một số sản phẩm ống kèm phụ kiện ống nhựa.

Năm 2004, Nhựa Bình Minh cổ phần hóa và chính thức hoạt động dưới tên gọi Công ty CP Nhựa Bình Minh. Hai năm sau, công ty này niêm yết trên sàn chứng khoán với mã cổ phiếu là BMP, sàn Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Tháng 4/2018, Tập đoàn SCG cho biết Công ty TNHH Nawaplastic Industries - công ty con của SCG, đã hoàn tất nâng sở hữu vốn tại Nhựa Bình Minh lên 50,9%, chính thức hoàn tất thương vụ thâu tóm doanh nghiệp nhựa này.

Hiện Nhựa Bình Minh đang chiếm 50% thị phần sản xuất ống nhựa và phụ kiện tại khu vực miền Nam và 28% thị phần cả nước.

Năm 2022, nhà sản xuất ống nhựa và phụ tùng ống nhựa cũng lần đầu tiên xác lập kỷ lục về lợi nhuận sau thuế với 694 tỷ đồng trên nền doanh thu vượt 5.820 tỷ đồng.

Giá nguyên liệu đầu vào ảnh hưởng trực tiếp đến tỉ suất lợi nhuận của Nhựa Bình Minh

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán SSI cho rằng Nhựa Bình Minh có thể tiếp tục phá đỉnh lợi nhuận trong năm 2023 nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào giảm mạnh.

Cụ thể, trong quý 3/2023, Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu đạt hơn 926 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, công ty cắt giảm giá vốn đến hơn một nửa. Điều này giúp biên lợi nhuận gộp được nâng lên 43% - cao nhất từ khi Nhựa Bình Minh thành công ty con của Nawaplastic Industries, thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan), vào đầu năm 2018.

Kỳ này, các chi phí thường xuyên đều được tiết giảm mạnh. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế tăng 19% so với quý 3/2022, đạt gần 209 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Nhựa Bình Minh có hơn 3.700 tỷ đồng doanh thu và hơn 784 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Doanh thu giảm gần 16% nhưng lợi nhuận tăng tới 75%. Công ty vượt kế hoạch lãi cả năm 20% dù chỉ hoàn thành 58% chỉ tiêu doanh thu.

Hưởng lợi nhờ giá nhựa PVC giảm mạnh

Được biết, nguyên liệu sản xuất chính của Nhựa Bình Minh là hạt nhựa nguyên sinh, bao gồm ba loại chính: hạt nhựa PVC (chiếm 70%), hạt nhựa PP và hạt nhựa HDPE. Theo đó, giá nguyên liệu đầu vào ảnh hưởng trực tiếp đến tỉ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành này.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã hưởng lợi lớn từ việc giá hạt nhựa PVC giảm mạnh từ cuối năm 2002, nhu cầu chậm lại trong khi nguồn cung dồi dào, lạm phát cao ở nhiều nền kinh tế ảnh hưởng đến tiêu dùng, gây sức ép đến lĩnh vực sản xuất.

Trong quý 3/2023, giá PVC bình quân ở châu Á đạt khoảng 860 USD/tấn, tăng 8% so với quý trước đó nhưng giảm 17% so với cùng kỳ. Tại thời điểm tháng 12/2023, giá PVC tiếp tục giảm xuống còn 800 USD/tấn. Vì thế, SSI cho rằng Nhựa Bình Minh còn nhiều dư địa để mở rộng biên lợi nhuận.

Hơn nữa, sự hậu thuẫn cho Nhựa Bình Minh giai đoạn sắp tới còn đến từ lợi thế lớn về nguồn cung nguyên liệu khi cổ đông lớn nhất là Tập đoàn SCG sở hữu tổ hợp hóa dầu Long Sơn, dự kiến đi vào hoạt động năm 2023 sẽ cung cấp nguyên liệu PVC cho doanh nghiệp này với giá ưu đãi và sản lượng ổn định.

Nhựa Bình Minh sẽ có lần đầu tiên lãi ròng trên nghìn tỷ trong một năm?

Cho cả năm 2023, SSI dự phóng doanh thu của Nhựa Bình Minh có thể đạt 4.700 tỷ đồng, giảm 19%; lợi nhuận ở mức 1.000 tỷ đồng, tăng tới 48% so với năm 2022. Đây sẽ là mức cao kỷ lục mới trong lịch sử 47 năm hoạt động của doanh nghiệp nhựa này.

Tính đến cuối tháng 9/2023, Nhựa Bình Minh có quy mô tổng tài sản gần 3.500 tỷ đồng. Đáng chú ý, lượng lớn tài sản nhà sản xuất ống nhựa này đang nằm ở khoản mục tiền gửi ngân hàng (không kỳ hạn lẫn có kỳ hạn) chiếm hơn 2.000 tỷ đồng, tăng hơn 700 tỷ đồng so với đầu năm.

Kinh doanh thuận lợi tạo điều kiện cho Nhựa Bình Minh chia cổ tức. Công ty kiến năm nay dành ít nhất 50% lợi nhuận sau thuế để chia cổ tức.

Gần đây doanh nghiệp này bị xử phạt gần 9 tỷ đồng về thuế. Tổng cục Thuế kết luận Nhựa Bình Minh khai thuế sai trong ba năm 2020-2022 nên phải truy thu kèm phạt tiền chậm nộp.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BMP liên tục tăng mạnh trong thời gian gần đây, chính thức cán mốc 100.000 đồng/cp trong phiên 22/12.

Đóng cửa phiên 3/1, BMP cán mốc 107.00 đồng/cp, tăng gấp đôi thị giá so với thời điểm đầu năm 2023. Vốn hóa thị trường của Nhựa Bình Minh cũng theo đó tăng thêm khoảng 4.000 tỷ, lên hơn 8.400 tỷ đồng.

Chủ đề: Kết quả kinh doanh,
Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.