09/04/2024 4:44 PM
Sau khi cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát vì kinh doanh thua lỗ 2 năm liên tiếp, Công ty CP Đầu tư thương mại SMC (mã chứng khoán SMC) lên kế hoạch chuyển nhượng, thanh lý tài sản, các khoản đầu tư tài chính… để có nguồn thu, duy trì hoạt động.

Quý 1/2024 dự kiến có lãi nhờ bán tài sản

Mới đây, Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC đã có công văn giải trình và đưa ra biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo và kiểm soát.

Trước đó, vào ngày 8/4, SMC nhận được quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) về việc đưa cổ phiếu SMC vào diện bị cảnh báo và kiểm soát từ ngày 10/4. Lý do, doanh nghiệp này ghi nhận lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 và đã lỗ ròng 2 năm liên tiếp.

Đầu tư Thương mại SMC dự kiến có lãi quý 1/2024 nhờ bán tài sản

Lý giải nguyên nhân thua lỗ, lãnh đạo SMC cho rằng giai đoạn 2022-2023 chứng kiến nền kinh tế suy yếu, lạm phát và lãi suất tăng cao, giá cả nguyên vật liệu diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đóng băng và các ngành công nghiệp sử dụng thép hạ nhiệt, làm sụt giảm mạnh về nhu cầu tiêu thụ thép. Các doanh nghiệp thép phải thu hẹp sản xuất, chật vật tìm đầu ra; giá bán liên tục đi xuống trong khi chi phí đầu vào, chi phí tài chính và tỷ giá biến động mạnh.

“Những yếu tố trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, làm cho hiệu quả kinh doanh sụt giảm”, SMC cho biết.

Ngoài ra, việc trích lập dự phòng các khoản phải thu chậm luân chuyển của khách hàng lớn là các công ty xây lắp, bất động sản cũng là nguyên nhân khiến SMC thua lỗ liên tục trong 2 năm vừa qua.

Năm 2024, Hiệp hội Thép Việt Nam đánh giá ngành thép nội địa có khả năng phục hồi yếu do các khó khăn của thị trường bất động sản vẫn còn hiện hữu.

Thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi chính sách phòng vệ thương mại, trong khi thị trường nội địa chịu áp lực lớn hơn từ thép nhập khẩu của Trung Quốc và ASEAN.

Để khắc phục tình trạng lỗ lũy kế và kinh doanh thua lỗ 2 năm liên tiếp, SMC cho biết đã tăng cường áp dụng các giải pháp kinh doanh để có hiệu quả cao.

“Thực hiện chuyển nhượng, thanh lý các tài sản, các khoản đầu tư tài chính để mang lại hiệu quả cho hoạt động chung”, SMC nói về lộ trình khắc phục.

Cụ thể, doanh nghiệp này sẽ tối ưu hóa sản xuất để chống lãng phí tất cả các chi phí hoạt động, quản trị hàng tồn kho theo diễn biến thị trường, tăng cường kiểm soát các khoản phải thu và rủi ro công nợ.

Lãnh đạo SMC dự kiến kết quả kinh doanh quý 1/2024 sẽ có lãi trở lại, chủ yếu đến từ việc thanh lý các khoản đầu tư tài chính và thanh lý tài sản.

Kế hoạch quý 2 tiếp tục bám sát tình hình thực tế để có những giải pháp điều hành và vận hành hiệu quả.

“Với kết quả dự kiến như trên, Công ty phấn đấu trong 6 tháng đầu năm 2024 sẽ khắc phục tình trạng cổ phiếu bị cảnh báo, kiểm soát”, SMC nhấn mạnh.

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2024 mới công bố gần đây, SMC đặt mục tiêu doanh thu 13.500 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 80 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lỗ 925 tỷ đồng.

Chỉ tiêu tổng sản lượng thép tiêu thụ năm nay là 900.000 tấn, giảm nhẹ 1% so với năm ngoái. Trong đó, thép dài là 350.000 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ; thép dẹt là 550.000 tấn, giảm 7%.

Tại Đại hội đồng cổ đông tới đây, SMC dự kiến trình phương án phát hành riêng lẻ 73 triệu cổ phiếu cho tối đa 20 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tương đương 99% số cổ phần đang lưu hành và tăng vốn điều lệ lên 1.467 tỷ đồng.

Giá phát hành là 10.000 đồng/cp, tương ứng với thu về khoảng 730 tỷ đồng. Nguồn tiền này dự kiến dùng để thanh toán các khoản nợ vay của công ty, thanh toán các khoản nợ nhà cung cấp và bổ sung vốn lưu động.

Thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân sự để duy trì hoạt động

Theo giới thiệu tại website, Đầu tư Thương mại SMC được thành lập từ năm 1988, tiền thân là Cửa hàng Vật liệu Xây dựng số 15 thuộc trung tâm Bán buôn bán lẻ Vật liệu Xây dựng Miền Nam.

Năm 2004, đơn vị này cổ phần hóa và chính thức hoạt động dưới tên gọi Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC. Hai năm sau, công ty niêm yết tại HOSE với mã chứng khoán là SMC.

Lĩnh vực hoạt động chính của doanh nghiệp này là thương mại, gia công Coil Center và sản xuất các sản phẩm thép.

Cổ phiếu SMC bị đưa vào diện kiểm soát vì kinh doanh thua lỗ 2 năm liên tiếp

Năm 2023 vừa qua, SMC ghi nhận doanh thu đạt 13.786 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế lỗ 925 tỷ đồng. Việc thua lỗ liên tục khiến khoản lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 31/12 âm 163 tỷ đồng.

Để duy trì hoạt động, tháng 10/2023, HĐQT SMC đã thống nhất thông qua chủ trương thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, nhân sự, tiết giảm tất cả các chi phí phát sinh.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê, vật dụng, kiến trúc trên đất tại SMC Bình Dương ở đường số 5, Khu công nghiệp Đồng An, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Khu đất có diện tích 6.197 m2, giá chuyển nhượng là 49 tỷ đồng.

Tới ngày 15/1/2024, SMC tiếp tiếp thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê và tài sản trên đất tại SMC Tân Tạo 2. Khu đất này ở Lô số 62 - 64 đường số 3, Khu công nghiệp Tân Tạo, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM với diện tích 9.096 m2.

Mức giá chuyển nhượng cho toàn bộ tài sản này là 126 tỷ đồng, đã bao gồm thuế VAT phần tài sản gắn liền với đất và máy móc thiết bị theo quy định của pháp luật.

Vừa qua, doanh nghiệp này đã bán toàn bộ hơn 13,1 triệu cổ phiếu NKG của Công ty CP Thép Nam Kim. Ước tính, SMC có thể thu về khoảng 320 tỷ đồng sau khi thoái toàn bộ vốn khỏi doanh nghiệp tôn mạ này.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.