Rủi ro nợ xấu từ nhóm công ty bất động sản
Công ty CP Đầu tư thương mại SMC (mã chứng khoán SMC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 với doanh thu thuần đạt 3.141 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái do sản lượng tiêu thụ và giá thép giảm mạnh.
Với việc kinh doanh dưới giá vốn cộng với các chi phí quản lý tăng do phải trích lập các khoảng dự phòng khiến SMC lỗ sau thuế 178 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 220 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, SMC ghi nhận hơn 10.500 tỷ doanh thu, giảm 44% so với với cùng kỳ năm trước và bị lỗ sau thuế 586 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 94 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Việc thua lỗ liên tục khiến khoản lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 30/9 âm 206 tỷ đồng.
Được biết, SMC đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ đạt 440.000 tấn thép các loại và “phấn đấu không lỗ” trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, với việc lỗ hơn 856 tỷ đồng sau 9 tháng, doanh nghiệp này còn cách xa mục tiêu không lỗ cả năm.
Đầu tư Thương mại SMC gặp khó khăn kép từ kinh doanh và công nợ từ nhóm công ty bất động sản
Lãnh đạo SMC cho biết, bên cạnh việc kinh doanh dưới giá vốn, việc chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng cao, phải trích lập các khoản dự phòng là nguyên nhân chính dẫn tới công ty đã quay trở lại lỗ trong quý 3 vừa qua.
Tại thời điểm cuối quý 3/2023, SMC đang trích lập dự phòng 273 tỷ đồng cho khoản phải thu hơn 1.300 tỷ đồng bao gồm: Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận phải thu 441 tỷ đồng, trích lập 78 tỷ đồng; Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley phải thu 169 tỷ đồng, trích lập 25 tỷ đồng; Công ty TNHH The Forest City phải thu 132 tỷ đồng, trích lập 22 tỷ đồng và các đối tượng khác phải thu 480 tỷ đồng, trích lập 105 tỷ đồng.
Được biết, Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận, Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley và Công ty TNHH The Forest City là các công ty con của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland – mã chứng khoán NVL)
SMC công bố danh sách nợ xấu tại thời điểm 30/9/2023 (Nguồn: BCTC)
SMC bắt đầu tăng mạnh trích lập nợ phải thu khó đòi nhóm Novaland từ cuối quý 2/2023. Trước đó, trong báo cáo phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), đơn vị này cho biết SMC đang có công nợ khoảng 1.000 tỷ đồng tại Novaland.
Đầu năm 2022, SMC đã cùng Novaland hợp tác cung cấp thép xây dựng tại các dự án của doanh nghiệp địa ốc này trong giai đoạn 2022 - 2026.
Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của SMC đạt hơn 6.700 tỷ đồng, giảm 19% so với đầu năm. Trong đó, tiền và tiền gửi ngắn hạn ghi nhận 400 tỷ đồng, hàng tồn kho của công ty ở mức 1.256 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản với hơn 2.000 tỷ đồng và hầu hết là các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng.
Tổng nợ phải trả của SMC tại thời điểm cuối quý 3 ở mức 5.600 tỷ đồng, trong đó nợ đi vay là hơn 2.700 tỷ đồng.
Cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất để duy trì hoạt động
Ban lãnh đạo SMC cho biết, năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nói chung và hoạt động kinh doanh thép nói riêng.
Thị trường bất động sản đóng băng, thị trường dân dụng sức mua yếu, giải ngân đầu tư công chưa thực sự tích cực trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm nên nhu cầu thép trong nước giảm sút đáng kể.
Bên cạnh đó, giá thép liên tục giảm và duy trì ở mức thấp do ảnh hưởng tiêu cực bởi nền kinh tế Trung Quốc cũng như tiêu thụ thép toàn cầu suy yếu. Trong khi đó, lạm phát, lãi suất, tỷ giá vẫn ở mức cao làm cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép gặp nhiều khó khăn, kém hiệu quả.
Mới đây, HĐQT SMC đã thông qua chủ trương thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, nhân sự trong hệ thống công ty. Cụ thể, doanh nghiệp này quyết định thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, cắt giảm nhân sự, tiết giảm tất cả các chi phí phát sinh để đảm bảo duy trì hoạt động.
Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng số lượng nhân sự của SMC là 1399 lao động, tăng 67 nhân sự, tương ứng tăng 5% so với năm 2021. SMC giao trách nhiệm cho Tổng giám đốc chỉ đạo các phòng ban liên quan, các công ty thành viên về việc triển khai kế hoạch thu hẹp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và cắt giảm nhân sự, đảm bảo đúng theo quy định pháp luật và điều lệ công ty.
-
Nhà máy hơn 1,2 tỷ USD dừng hoạt động 2 tháng có thể khiến Lọc hóa dầu Bình Sơn mất nghìn tỷ tiền lãi
Năm 2024, nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất sẽ dừng máy để tiến hành đợt bảo dưỡng tổng thể vào tháng 3 và 4. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất và doanh thu của Lọc hóa dầu Bình Sơn trong năm sau....
-
Công ty nhựa lớn nhất miền Bắc với 3 nhà máy và gần 1.500 lao động đem phân nửa lợi nhuận năm 2023 chia cho cổ đông
9 tháng đầu năm 2023, Nhựa Tiền Phong ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.825 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ở mức 395 tỷ đồng, lần lượt giảm 7% và 4% so với cùng kỳ.
-
Doanh nghiệp xi măng “né” sản xuất giờ cao điểm, khó tăng giá bán do nhu cầu thị trường suy yếu
Về lý thuyết, mức tăng giá điện được tính vào giá thành sản phẩm, nhưng thực tế, các doanh nghiệp xi măng khó chuyển phần chi phí này cho người tiêu dùng vì nhu cầu tiêu thụ xi măng đang rất yếu....