23/11/2024 10:08 AM
Hòa Phát cho biết dự án Dung Quất 2 đã có thể sản xuất được những loại thép có chất lượng cao như loại thép mỏng nằm trong lốp ô tô, có tiêu chuẩn cao hơn thép đường ray cao tốc.

Tại một hội thảo ngành thép tổ chức ngày 21/11, nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ sự quan tâm đến tác động của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đối với Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG).

Bà Phạm Thị Kim Oanh - Giám đốc tài chính của Hòa Phát cho biết, Chủ tịch Trần Đình Long đã nhiều lần khẳng định Hòa Phát hoàn toàn đủ năng lực cung cấp thép cho dự án, đặc biệt là thép dùng để làm đường ray.

"Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi đã bắt đầu nỗ lực nghiên cứu và cho người đi tìm hiểu công nghệ liên quan đến đường sắt ở các nước đã làm loại tàu cao tốc này", lãnh đạo Hòa Phát nói.

Hòa Phát khẳng định sản xuất được loại thép khó hơn cả đường ray

Doanh nghiệp này cho biết dự án Dung Quất 2 đã có thể sản xuất được những loại thép có chất lượng cao hơn cả thép cho cao tốc, chẳng hạn như loại thép mỏng nằm trong lốp ô tô có tiêu chuẩn cao hơn thép đường ray.

Tuy nhiên, sản lượng sản xuất còn chưa nhiều nên nhà đầu tư chưa nhìn thấy được sự đóng góp của các loại thép chất lượng cao. Khi Nhà nước đưa ra quyết định đầu tư đường sắt cao tốc thì tập đoàn tự tin có sự gia tăng về sản lượng.

Hòa Phát cũng cho biết, để sản xuất thép cho đường ray tàu cao tốc cần phải có đế móng đường. Mà đế móng đường này lại cũng cần đến thép xây dựng. Các điểm chờ kết nối, nhà ga cũng cần phải sử dụng đến thép.

Vì vậy, song hành với thép đường ray, Hòa Phát cũng có thể cung cấp thêm cả thép xây dựng, tôn mạ, ống tôn, thép cuộn cán nóng HRC cho dự án.

“Đây là cơ hội lớn với doanh nghiệp Việt Nam, tập đoàn đang cố gắng nâng cao năng lực và chuẩn bị mọi tiềm lực để đáp ứng các tiêu chí lựa chọn khi tham gia thầu đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đóng góp một phần vào cao tốc là nằm trong khả năng”, lãnh đạo Hòa Phát khẳng định.

Thép đường ray là một phần trong cấu thành của dự án thép mới của Hòa Phát. Doanh nghiệp phải tính trước đến loại sản phẩm gì, công nghệ như thế nào, yêu cầu môi trường... nhưng hiện còn quá sớm để thông tin về chi phí làm dự án này.

Lãnh đạo Hòa Phát nhận định Việt Nam tự chủ được về thép sẽ có lợi hơn thay vì phụ thuộc vào nhập khẩu. Công trình cần phải bảo trì sau này nên nếu bị phụ thuộc vào việc nhập khẩu sẽ ảnh hưởng đến quá trình bảo dưỡng dự án.

Bên cạnh đó, nếu sản xuất được thì nên sử dụng trong nước để giảm áp lực lên tỷ giá ngoại hối, bởi nếu như nhập khẩu thì cần nhiều ngoại tệ hơn để mua hàng. Việc bảo trì, bảo hành, nâng cấp sửa chữa cũng cần dùng đến ngoại tệ nếu nhập khẩu.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ cần tới 6 triệu tấn thép

Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ Giao thông vận tải cho biết tuyến đường có chiều dài khoảng 1.541km, điểm đầu là ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối là ga Thủ Thiêm (TP.HCM), với 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.

Dự án dường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ cần tới 6 triệu tấn thép các loại

Tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ USD, trong đó hơn phân nửa nguồn vốn dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng, bao gồm các phần cầu hầm, nền đường...

Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, việc đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tạo ra thị trường xây dựng giá trị khoảng 33,5 tỷ USD.

Nếu tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường xây dựng 75,6 tỷ USD, trong đó sản xuất phương tiện, thiết bị 34,1 tỷ USD (đầu máy, toa xe 9,8 tỷ USD; hệ thống thông tin tín hiệu và thiết bị khác 24,3 tỷ USD).

Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long gần đây khẳng định ủng hộ chủ trương làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đặc biệt đánh giá cao yêu cầu “phải sử dụng” hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất vào các gói thầu.

Theo ước tính của các đơn vị tư vấn, dự án này sẽ cần tới 6 triệu tấn thép các loại. Đây là một khối lượng khổng lồ mà không phải quốc gia nào cũng có khả năng đáp ứng, nhất là với yêu cầu chất lượng khắt khe và tiến độ thời gian chặt chẽ.

Ông Long khẳng định Hòa Phát cam kết 4 điểm chính: đảm bảo khối lượng thép theo yêu cầu; duy trì tiêu chuẩn chất lượng quốc tế; đáp ứng đúng tiến độ giao hàng; mức giá cạnh tranh, thấp hơn so với thép nhập khẩu.

Hiện nay, công suất sản xuất của Hòa Phát là 8,5 triệu tấn thép mỗi năm. Khi dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2 hoàn thành vào năm 2025, năng lực sản xuất thép thô của doanh nghiệp này sẽ vượt mốc 14 triệu tấn/năm, trong đó có 8,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng, một trong những sản phẩm có chất lượng cao phục vụ các ngành công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao như cơ khí chế tạo và xây dựng.

Trong 3 năm qua, nhà sản xuất thép này đã đầu tư vào nghiên cứu và phát triển dòng thép ray, tập trung vào các tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ hệ thống đường sắt cao tốc.

Về mặt công nghệ, ông Long tiết lộ rằng Hòa Phát sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến từ nhóm G7 (bao gồm các quốc gia có nền công nghệ phát triển như Anh, Mỹ, Nhật Bản…) để đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn cao nhất.

Container "made in Vietnam" thu hút sự chú ý của các tập đoàn logistics lớn đến từ Mỹ, Brazil và Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Italia…

Ngoài sản phẩm thép đường ray cao tốc, những sản phẩm vỏ container “made in Vietnam” đã được Hòa Phát tung ra thị trường sau nhiều năm đầu tư sản xuất tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cụ thể, nhà máy vỏ container Hoà Phát được đặt tại khu công nghiệp Phú Mỹ II mở rộng, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có công suất 500.000 TEU/năm, tập trung các sản phẩm container phổ biến, có chiều dài 20 - 40 feet. Trong đó, giai đoạn 1 có công suất 200.000 TEU/năm đã hoàn thành và đi vào hoạt động.

Nguyên liệu chính sản xuất vỏ container rỗng là loại thép HRC, mác SPA-H đặc chủng, kháng thời tiết, sản phẩm của Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất.

Mới đây, các sản phẩm vỏ container “made in Vietnam” đã được Hòa Phát giới thiệu đến thị trường thế giới tại Triển lãm Intermodal Europe 2024, diễn ra ở Rotterdam AHOY, Hà Lan. Đây là triển lãm B2B lớn nhất trong ngành container và vận tải đa phương thức, quy tụ hơn 100 doanh nghiệp trong ngành logistics khắp nơi trên thế giới tham dự, giới thiệu sản phẩm.

Tại triển lãm này, nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới về vận tải biển, container như hãng tàu Hapag Lloyd và Công ty Leasing SeaCube, Triton, Textainer, CAI, CMA-CMG, Maersk…, các công ty thương mại đến từ Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Italia đã bày tỏ sự quan tâm tới sản phẩm container được sản xuất tại Việt Nam.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.