TP HCM có hơn 10.000 kiến trúc sư (KTS) đang hoạt động. Đây cũng là địa phương tập trung lực lượng KTS đông nhất nước và là bức tranh phản chiếu của nền kiến trúc Việt Nam.
Vang danh quốc tế
Theo ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP, những năm qua, đội ngũ KTS đã góp phần quan trọng vào việc hình thành bộ mặt TP như tham gia vào lập quy hoạch phân khu, góp phần phủ kín quy hoạch khu vực đô thị trên địa bàn TP. Các KTS cũng tham gia quy hoạch khu Nam, khu đô thị Thủ Thiêm, khu đô thị cảng Hiệp Phước… cũng như một số thiết kế đô thị các trục đường trên địa bàn TP.
Các công trình đang mọc lên như nấm sau mưa trong khi giới kiến trúc sư lại “hụt hơi”
KTS Khương Văn Mười, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, cho biết giai đoạn 2010-2015 là thời điểm thách thức đối với lực lượng KTS vì thị trường bất động sản gặp khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận KTS đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo khẳng định mình bằng chất lượng thiết kế kiến trúc, chủ yếu phát triển theo chiều sâu chứ không theo diện rộng. “Các KTS đã mạnh dạn áp dụng nhiều giải pháp kiến trúc tiến bộ như tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu địa phương… Rất nhiều KTS đã đạt được các giải thưởng danh giá của quốc tế, khẳng định tên tuổi giới KTS Việt Nam đối với thế giới. Tôi cho rằng so với mặt bằng chung của thế giới, KTS Việt Nam không hề kém cạnh, thậm chí còn tốt hơn rất nhiều!” - KTS Mười đánh giá. Bằng chứng là thay vì thuê các công ty nước ngoài, nhiều công trình cao ốc, văn phòng, khách sạn… do các KTS trong nước thiết kế với chất lượng không hề thua kém.
Trong nước nhạt nhòa
Thế nhưng, một nghịch lý lớn đang xuất hiện là giới KTS trong nước ngày càng mờ nhạt tên tuổi, hụt hơi đối với hoạt động làm nghề. Sự mờ nhạt đó ngày càng lớn dần cùng với sự phát triển của nền kinh tế và quy mô lớn dần của các dự án thiết kế kiến trúc. KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, cho rằng mỗi KTS đều mở công ty tư vấn riêng, rồi mạnh ai nấy làm. “TP HCM hiện có hơn 300 công ty tư vấn nhưng toàn đi làm thuê cho nước ngoài. Hơn 10.000 KTS mà không làm được gì lớn cả vì sức mạnh các KTS đang bị băm nát ra. Nếu không kịp thời chấn chỉnh thì càng hội nhập quốc tế, chúng ta càng chết!” - KTS Vạn cảnh báo.
Theo KTS Mười, chuyên môn của KTS Việt không tệ nhưng họ không nhạy trong việc nắm bắt các cơ hội việc làm cũng như để chứng minh năng lực của mình. “Rào cản lớn nhất hiện nay là ngoại ngữ. Trình độ ngoại ngữ của KTS đang rất tệ. Chúng ta hội nhập và muốn nắm bắt được thông tin, xu thế của thế giới, ngoại giao và đàm phán… đều cần ngoại ngữ. Tôi nghĩ đây cũng là yếu tố mang tính chất sống còn trong hoạt động ngành nghề hiện nay” - KTS Mười nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn đã tạo ra tình trạng cạnh tranh, hạ giá tư vấn, thiết kế vô tội vạ trong giới KTS khiến người làm nghề chân chính khó khăn để giữ đúng chất lượng sản phẩm cũng như đạo đức nghề nghiệp. Hậu quả là xã hội phải sở hữu một nền kiến trúc “bèo” hóa, thiếu giá trị sâu sắc! Việc hạ giá thành cũng khiến giới KTS không thể tái đầu tư và ngày càng trượt dài trên hoạt động nghề nghiệp, mất dần tính sáng tạo.
Theo KTS Mười, giới KTS hoạt động đã lâu nhưng chưa có luật điều chỉnh nên thiếu chính sách bắt buộc cũng như động viên giới KTS hứng khởi và tự trọng đảm đương trách nhiệm với nền kiến trúc nước nhà. Cũng vì thiếu luật nên đội ngũ KTS trẻ kế thừa hiện nay không có cơ chế bắt buộc thực tập có giám hộ trước khi được hành nghề độc lập. Điều này khiến cho đội ngũ KTS trẻ không được bảo đảm chất lượng chắc chắn, thiếu uy tín cần thiết với xã hội.
Phải tìm ra bản sắc Việt Nam!
PGS-TS Nguyễn Khởi, Trường ĐH Kiến trúc TP HCM, cho rằng các công trình xây dựng đang mọc lên hằng ngày với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, sự hụt hơi của giới KTS là một vấn đề rất đáng lo ngại. Những công trình đại lộ Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, cải tạo Tân Hóa - Lò Gốm… sau khi hoàn thành đã mọc lên nhiều công trình nhà ở siêu mỏng, siêu méo đang tạo ra bức tranh đô thị lem nhem. Những điều này là do thiếu thiết kế đô thị, mà đáng ra phải được thực hiện trước khi làm dự án. “Trách nhiệm thuộc các nhà quản lý nhưng qua đó cũng cho thấy không thể thiếu bàn tay các KTS trong việc thực hiện các thiết kế đô thị. Kiến trúc Việt Nam chưa có bản sắc thật sự, ta cứ hết đi vay Tây rồi vay Tàu mà chẳng có định hướng riêng nào cho mình. Điều này khiến các KTS cứ loay hoay không biết phải đi theo con đường nào, phát huy sức mạnh ra sao. Nhưng ngược lại, nếu các KTS cứ hụt hơi thì chúng ta cũng khó mà xây dựng được bản sắc” - PGS-TS Khởi nói.
Ông Khởi cho rằng trách nhiệm để xóa nghịch lý này không ai khác chính là hội KTS. Một mặt, cần phải kiến nghị Quốc hội sớm xây dựng và thông qua luật KTS. Mặt khác cũng phải tổng kết, đúc rút trên cơ sở thực tiễn để tìm cho ra bản sắc kiến trúc của Việt Nam.