Trong chưa đầy 1 tháng trở lại đây, liên tiếp các vụ người Trung Quốc nhập cảnh, cư trú trái phép đã bị lực lượng chức năng Tp. Hà Nội phát hiện.
Cụ thể, ngày 20/4, 17 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép bị phát hiện tại một số căn hộ ở quận Thanh Xuân. Tới ngày 2/5, chung cư D'capitale và chung cư Florence tại quận Cầu Giấy trở thành điểm nóng khi cơ quan công an phát hiện tới 50 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép.
Đặc biệt, ngày 4/5, 12 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép đã cố thủ trong căn hộ ở chung cư Samsora, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông khi bị lực lượng chức năng phát hiện.
Đáng chú ý, điểm chung các vụ việc là đều có sự tham gia, tiếp tay của một số cá nhân người Việt Nam, từ việc đưa đón người Trung Quốc nhập cảnh trái phép cho đến khâu đứng tên thuê nhà.
Các đối tượng nhập cảnh trái phép lưu trú tại chung cư ở phường Yết Kiêu, quận Hà Đông.
Đề cập vấn đề này, đa số người dân đều bày tỏ sự bức xúc, đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm:
“Chính vì lòng tham nên họ không ý thức được sự nguy hiểm của dịch. Bởi những vụ nhập cảnh kiểu này đều là trốn nên không có đi qua cửa khẩu mà đi qua đường tiểu ngạch. Đều do người dân mình dẫn dắt, đưa vào”.
“Chắc chắn có sự tiếp tay chứ bình thường thì làm sao vào được. Những người đưa vào thì phải bắt hết, nếu không cứ như này thì mất kiểm soát”
Đồng quan điểm, một số người dân còn bày tỏ lo ngại về công tác kiểm tra, quản lý nhà cho thuê tại các chung cư hiện nay, nhất là các chung cư mới đưa vào vận hành, còn ít cư dân:
“Để người Trung Quốc vào được như vậy thì công tác quản lý rất lỏng lẻo. Người ta vào mười mấy người trong bao nhiêu ngày mà không biết”
“Nếu không phải dịch thì chưa chắc người ta đã phát hiện những người ở chung cư Thanh Xuân đấy. Kể cả ban quản lý, hay bảo vệ chung cư đấy cũng chưa hoàn thành hết trách nhiệm của mình. Để tận mười mấy người lên như thế mà không kiểm tra gì.”
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, báo cáo của Công an 39 trên 63 tỉnh thành cho thấy, đã có khoảng 200 vụ người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào nước ta với tổng số gần 1400 người.
“Người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, thứ nhất là vi phạm chủ quyền Việt Nam, thứ hai là nguy cơ dịch bệnh rất lớn. Thứ ba nữa là ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người Việt chúng ta cho nên phải ngăn chặn quyết liệt”
Trước tình trạng này, Công an Tp. Hà Nội đã có khuyến cáo tới chính quyền các quận, huyện về thủ đoạn của một số đối tượng nhập cảnh trái phép. Đồng thời chỉ đạo tổng rà soát người nhập cảnh tại các chung cư, vận động nhân dân tố cáo người nhập cảnh trái phép để ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Cơ quan chức năng kiểm tra y tế với số người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, thuê các căn hộ tại chung cư Glorence, số 28 Trần Hữu Dực - Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Người lao động
Trao đổi với VOV Giao thông, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Tổng thư ký Hội Xã hội học Việt Nam khẳng định, hành vi tiếp tay cho người nước ngoài nhập cảnh, cư trú bất hợp pháp đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới các nỗ lực phòng chống dịch của Việt Nam. Về mặt đạo đức, trách nhiệm cộng đồng là không thể chấp nhận:
“Điều này cho thấy sự nhỏ mọn, thiển cận, rất vô trách nhiệm với sự an toàn của cộng đồng chúng ta. Thực tế là đã làm gia tăng thêm hiểm họa lây nhiễm, lan truyền Covid 19”.
Dưới góc độ tâm lý, chuyên tâm lý tội phạm Nguyễn Như Chính phân tích: Diễn biến phức tạp và kéo dài của đại dịch Covid-19 đã kéo theo những hệ lụy nặng nề, đặc biệt là vấn đề an ninh trật tự. Tội phạm thường nảy sinh trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao. Điển hình là trường hợp nữ sinh viên thuê chung cư giúp người nước ngoài lẩn trốn và thu lợi số tiền 140 triệu đồng.
Ông Nguyễn Như Chính đề xuất các lực lượng chức năng địa phương tăng cường bám địa bàn và liên kết chặt chẽ với đại diện các khu dân cư.
“Công an Hà Nội thì các phường đã có hình thức sử dụng các nhóm mạng xã hội để người dân thông báo cho cán bộ chiến sĩ. Một số phường còn chủ động lắp camera để quan sát ở những địa bàn thường xuyên xảy ra vấn đề về an ninh trật tự. Chúng ta cần phát huy cái này và tăng cường sử dụng công nghệ để giám sát trong giai đoạn tới”
Trong khi đó, luật sư Đặng Văn Cường, trưởng văn phòng Luật Chính Pháp cho biết, hiện nay, những trường hợp nhập cảnh, tổ chức môi giới cho người khác nhập cảnh cư trú bất hợp pháp tại Việt Nam sẽ được xử lý theo Luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi năm 2019, Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, Nghị định số 67 năm 2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự và đặc biệt là các quy định về phòng chống dịch COVID-19.
Tùy vào tính chất, mức độ thì những hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù tới 15 năm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các quy định về quản lý dân cư tại các khu chung cư có tính chất tự quản, các khu công nghiệp cao có vốn đầu tư nước ngoài còn có không ít kẽ hở, dẫn tới việc các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi môi giới, tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh cư trú bất hợp pháp.
“Luật cư trú hiện nay đang có những khoảng trống quy định cụ thể để phân công trách nhiệm cũng như tăng cường lực lượng, sự quản lý của cơ quan chức năng đối với khu vực này. Thứ hai nữa là những khu chung cư thì rất nhiều người đầu tư để cho thuê, đặc biệt là có những khu vực tòa nhà chủ yếu cho người nước ngoài thuê. Cho nên những người cho thuê thì thiếu hiểu biết pháp luật cũng như là vì lợi ích mà có thể bất chấp cho cả những đối tượng không có đủ giấy tờ, điều kiện hợp lệ”
Theo luật sư Cường, để giải quyết vấn đề này thì cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là tăng cường trách nhiệm kiểm tra, giám sát, phối hợp của cơ quan chức năng trong việc quản lý cư trú.
“Cần phải tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức trách nhiệm của những chủ căn hộ, những đơn vị cho thuê để tránh trường hợp người cho thuê không tuân thủ quy định về việc cho thuê nhà với người nước ngoài và thiếu sự quản lý dẫn đến việc các đối tượng có thể lợi dụng để thực hiện việc thuê nhà cư trú bất hợp pháp. Cần tăng cường kiểm soát đường mòn lối mở, những khu vực hiểm yếu, những khu vực mà các đối tượng có thể lợi dụng để để nhập cảnh trái phép. Những hành vi vi phạm cần phải xử lý nghiêm minh bằng các chế tài của pháp luật.”
Cần tăng cường trách nhiệm kiểm tra, giám sát, phối hợp của cơ quan chức năng trong việc quản lý cư trú.
Góc nhìn của VOVGT qua bài bình luận nhan đề: "Dân chung cư và nỗi lo sống chết mặc bay”.
Cách đây không lâu, VOV Giao thông từng cảnh báo lỗ hổng an ninh tại các khu chung cư trên địa bàn Hà Nội. Do sự quản lý cư trú lỏng lẻo, tính chủ quan, thiếu xác minh trong giao kết hợp đồng cho thuê căn hộ, nhiều hoạt động tội phạm như trốn truy nã, nhập cảnh lậu, buôn ma túy… đã diễn ra trót lọt bên trong các khu dân cư khép kín này.
Chung cư có một đặc điểm thu hút giới tội phạm là tính chất kín đáo, thuận tiện trong việc ẩn náu. Ở một số nơi, chỉ chủ sở hữu hoặc người thuê nhà có thẻ từ mới được phép ra vào, hạn chế khách vãng lai. Lộ trình từ căn hộ ra thang máy xuống thẳng hầm và lên xe hơi cho phép tội phạm hạn chế tối đa việc tiếp xúc, lộ diện trước người khác. Bên cạnh đó, văn hóa tôn trọng sự riêng tư, “nhà nào biết nhà nấy” ở chung cư cũng giúp chúng tránh được những cặp mắt hiếu kỳ.
Trong bối cảnh chung cư bùng nổ ở các đô thị, mỗi tòa nhà mọc lên, công tác quản lý nhân khẩu ở xã, phường tại địa bàn đó phải “gánh” thêm hàng nghìn người. Kéo theo đó là hoạt động và giao tiếp xã hội phức tạp, nảy sinh các vấn đề an ninh trật tự. Công tác quản lý nhân khẩu, xác định ai đang cư trú tại một trong hàng vạn căn hộ trên địa bàn cấp xã chắc chắn sẽ có độ trễ, nhanh thì vài tuần, chậm thì phải vài tháng.
Chừng đó thời gian là đủ để các đối tượng thay đổi căn thuê liên tục để tránh bị kiểm tra, phát hiện.
Với địa bàn có tính chất tự quản như chung cư, vai trò của ban quan trị, ban quản lý tòa nhà càng cần phải phát huy. Thế nhưng, thế khó của không ít cư dân chung cư hiện nay lại nằm ở cơ cấu tổ chức hết sức phập phù, sự liên kết và tính trách nhiệm rất thấp giữa các đơn vị này.
Ở một số chung cư, ban quản trị do cư dân bầu ra nhưng quyền quản lý vận hành lại thuộc đơn vị do chủ đầu tư thuê. Có nơi có tới hai đơn vị quản lý vận hành bởi tranh chấp diện tích sở hữu chung. Có nơi chủ đầu tư chây ì bàn giao quỹ bảo trì khiến ban quản trị trở nên hữu danh vô thực. Thậm chí, chủ đầu tư trì hoãn tổ chức hội nghị chung cư dẫn tới cư dân chưa thể bầu ban quản trị đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của mình, còn chính quyền địa phương chưa thể thành lập chi bộ đảng cơ sở và tổ dân phố theo đúng quy định.
Những vấn đề này càng nhức nhối, an ninh trật tự tại khu chung cư càng bị xem nhẹ và diễn biến phức tạp. Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh kéo dài, tỉ lệ tội phạm gia tăng như hiện nay.
Chính quyền thì ở xa, các cơ chế bảo vệ dân tại chỗ thì lỏng lẻo, có thể nói, chưa khi nào, cư dân chung cư đang lại sống trong nơm nớp lo sợ như hiện nay. Khi họ không dám chắc khách thuê mới cùng tầng, cùng tòa nhà của mình có mang theo virus gây bệnh hay không.
Nhìn theo hướng tiêu cực, SarsCoV2 đã phơi bày toàn bộ “yếu huyệt” về an ninh trong chung cư.
Nhìn nhận theo hướng tích cực, liệu con virus nhỏ bé này có trở thành lý do để thúc đẩy các bên thực hiện đúng chức năng, vai trò mà pháp luật quy định. Để cư dân chung cư không còn nguy cơ rơi vào cảnh “sống chết mặc bay”.
-
Nhìn từ vụ sập trần chung cư Meco Complex: Lộ lỗ hổng quản lý
Thông thường, nói đến sự cố sập trần hay sập nhà, người ta nghĩ ngay đến khu tập thể xập xệ, cơi nới quá mức hay công trình xây dựng đang thi công nhưng không bảo đảm yếu tố an toàn. Thế nên, sự cố sập trần ở chung cư hiện đại, mới đưa vào vận hành được khoảng 7 năm - Meco Complex (ngõ 102 Trường Chinh, phường Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội) khiến nhiều người bất ngờ.
-
Những điều cần biết trước khi mua chung cư
Chung cư đang dần trở thành lựa chọn được nhiều người có nhu cầu định cư tại các thành phố lớn ưa chuộng, phần lớn vì mức giá phù hợp hơn so với việc mua nhà mặt đất. Do đó, số lượng dự án chung cư mọc lên ngày càng nhiều, và điều này cũng khiến nhiề...
-
Chung cư Hà Nội “neo giá”, người mua nhà mua không được thuê cũng chẳng xong
Bất chấp những ảnh hưởng của lãi suất cao và thắt chặt tín dụng, giá bán các căn hộ chung cư mới ở Hà Nội vẫn neo ở mức tương đối cao, khiến người mua dù có sẵn tiền vẫn khó chọn được căn hộ ưng ý....
-
Sử dụng nhà chung cư không đúng mục đích bị xử phạt thế nào?
Xin hỏi, trường hợp sử dụng sai mục đích nhà chung cư, khi bị phát hiện người vi phạm có bị xử lý hay không? Nếu phạt hành chính thì mức phạt ra sao?