Ảnh minh hoạ
Dòng tiền sẽ đi đâu?
Được biết, gần đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm loạt lãi suất điều hành áp dụng từ ngày 25.5.
Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.
Sau động thái này của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã bắt đầu điều chỉnh giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,3 - 0,8%.
Lãi suất cho vay theo đó cũng giảm theo. Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số nhà đầu tư đang sử dụng đòn bầy tài chính, mức giảm chỉ dao động từ 0,3-0,5%. Đây là mức giảm rất thấp, không giúp họ giảm nhẹ áp lực lãi vay trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.
Anh Trần Trung Chính, một nhà đầu tư đất nền tại Hà Đông, Hà Nội cho biết, nhiều người kỳ vọng lãi suất giảm, dòng tiền sẽ quay lại với chung cư, đất nền và một số phân khúc khác. Nhưng với đà giảm như hiện nay, điều này là rất khó. “Áp lực lãi vay cao, trong khi thị trường chưa có dấu hiệu rõ ràng, trừ những người tài chính mạnh, xác định đầu tư dài hạn, còn lại nhiều người sẽ không dám vay để mua bán bất động sản, kể cả là mua ở thực”, anh Chính cho hay.
Dự báo về đường đi của dòng tiền từ nay đến cuối năm 2023, ông Phạm Anh Khôi, Kinh tế trưởng kiêm Viện trưởng Bất động sản Dat Xanh Services (FERI) cho rằng, cuối năm 2023, một lượng lớn tiền gửi ngân hàng sẽ đáo hạn. Đây sẽ là thời điểm mấu chốt quyết định dòng tiền có quay trở lại thị trường bất động sản hay không. Tuy nhiên, việc này phụ thuộc vào niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường đã được phục hồi hay chưa. Nếu lãi suất huy động giảm xuống ở mức 6-7%, nguồn tiền có khả năng quay lại bất động sản. Còn nếu kinh tế khó khăn, lãi suất huy động giảm không đáng kể và thị trường chưa có dấu hiệu hồi phục tích cực, khả năng cao dòng tiền vẫn nằm lại ngân hàng.
Cũng theo ông Khôi, chỉ khi nào mặt bằng lãi suất trung bình giảm xuống dưới 10% thì khi đó, các nhà đầu tư mới quay trở lại, thị trường bất động sản mới thực sự phục hồi. “Lãi suất ở mức 10% là con số mà các nhà đầu tư có khả năng chịu đựng được khi đi vay ngân hàng để đầu tư bất động sản”, ông Khôi nói.
Tình trạng khó khăn còn kéo dài đến hết 2023
Trong quý 1.2023, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng tiếp tục khó khăn, diễn biến phức tạp. GDP ước tính chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, với việc nền kinh tế tăng trưởng chậm làm ảnh hưởng đến sự phục hồi của nhiều ngành nghề sản xuất, trong đó có bất động sản.
Từ đầu tháng 3, sau khi Chính phủ có hàng loạt động thái rõ ràng nhằm tháo gỡ khó khăn thì thị trường bắt đầu ghi nhận thêm những tín hiệu quan tâm từ nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Đặc biệt, trước tình trạng khó khăn về nguồn vốn của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, Nghị định số 08/2023 được ban hành đã bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản. Cùng với đó, Nghị quyết 33/2023 tạo tiền đề cho nhiều chính sách hỗ trợ khác, giảm áp lực đáo hạn trái phiếu lên chủ đầu tư trong ngắn hạn...
Mặc dù vây, giới chuyên gia cho rằng, trong quý 2.2023 thị trường bất động sản sẽ chưa thể khởi sắc, dự báo tình trạng này sẽ còn kéo dài đến hết năm 2023.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VnREA) cho biết, những khó khăn trên thị trường bất động sản đã thể hiện rõ trên kết quả hoạt động của nhiều doanh nghiệp và môi giới trong ngành. Các doanh nghiệp lần lượt báo lỗ ở giai đoạn quý 1.2023 với những con số tiêu cực, ước lượng số môi giới hiện nay chưa đến 40% so với giai đoạn năm 2022, ghi nhận kém nhất kể từ 2017 đến nay (theo dữ liệu của VARS).
Lý giải về những biến động trong bối cảnh hiện nay, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản tại Hà Nội cho biết, rất nhiều khoản chi phí cần chi trong khi nguồn thu không đủ sức duy trì, việc cắt giảm nhân sự, thu hẹp quy mô đầu tư hay thậm chí tạm dừng hoạt động là vấn đề buộc phải làm.
Lãnh đạo VnREA cho rằng, nhìn vào diễn biến hiện tại trong quý 1.2023, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng tiếp tục gặp khó. Nếu không thực sự quyết liệt, không có giải pháp xử lý đồng bộ, kịp thời, có thể sẽ trượt vào suy thoái, sẽ là một thách thức cực lớn cho toàn thể doanh nghiệp và cá nhân môi giới. Do đó, chủ động ứng phó linh hoạt trong cách điều hành, giải quyết tốt các vấn đề của thị trường bất động sản đồng nghĩa sẽ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Theo ông Đính, sự trầm lắng vừa qua càng cho thấy sự khắt khe của thị trường bất động sản trong quá trình sàng lọc. Bởi đây là giai đoạn đầy thách thức cho các cá nhân và cả doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản. Ở thời điểm này, những đơn vị doanh nghiệp, cá nhân môi giới có đủ thực lực, kinh nghiệm và sự chuyên nghiệp sẽ chiếm ưu thế. Là nhân tố quyết định sự tồn tại của họ trong nghề nhằm hướng đến mục tiêu tạo ra giá trị cho cộng đồng, thị trường và xã hội.
Vai trò của thị trường bất động sản tương đương với những ngành nghề then chốt khác. Việc giữ cho thị trường này phát triển ổn định, lành mạnh sẽ tác động tích cực tới nền kinh tế đất nước.
“Khi bất động sản phát triển ổn định, kinh tế tăng trưởng cũng sẽ kéo theo sự bùng nổ về nhu cầu bất động sản tăng cao. Song, nếu thị trường bất động sản trầm lắng, thiếu ổn định sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy, kinh tế suy giảm là điều khó tránh khỏi. Do đó, ổn định và phát triển thị trường bất động sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác điều hành chính sách năm 2023”, ông Đính nhấn mạnh.
-
Dòng tiền từ người mua nhà Trung Quốc giúp thúc đẩy thị trường bất động sản châu Á
Những người mua nhà Trung Quốc đã bắt đầu quay trở lại các thị trường trong khu vực châu Á sau thời gian dài phải “kìm nén” nhu cầu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
-
Việt Nam - Nga thúc đẩy hợp tác công nghệ hạt nhân
Chiều ngày 13/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Alexey Likhachev, Tổng Giám đốc Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (Rosatom), trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh q...
-
Phần Lan muốn hợp tác với Việt Nam để xây dựng thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo
Chiều ngày 13/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Arto Olavi Satonen, Bộ trưởng phụ trách việc làm thuộc Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan, cùng đoàn công tác trong chuyến thăm Việt Nam.
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính sắp công du châu Âu
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân Lê Thị Bích Trân sẽ thực hiện chuyến công du châu Âu từ ngày 15-23/1, thăm chính thức Ba Lan, Cộng hòa Czech và công tác tại Thụy Sĩ. Đây là chuyến đi quan trọng theo lời mời của Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, Thủ...