Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) mới đây đã đưa ra cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc có thể gây cản trở đà tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2024.

Thị trường bất động sản Trung Quốc đang trải qua giai đoạn bất ổn khi đối mặt với hàng loạt vấn đề, từ cuộc khủng hoảng nợ của các công ty địa ốc tới việc niềm tin của người tiêu dùng khủng hoảng.

Do đó, các chuyên gia của ADB dự đoán rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ đối mặt với nhiều vấn đề trong năm 2024 nếu thị trường bất động sản vẫn tiếp tục lao dốc, kể cả khi tình trạng sụt giảm được giải quyết phần nào thông qua những chính sách phù hợp.

ADB cho biết trong một báo cáo: “Phân tích của chúng tôi cho thấy thị trường bất động sản tiếp tục suy yếu có thể làm chậm lại đà tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc. Các chính sách hỗ trợ có thể làm dịu đi phần nào, nhưng khó có thể xóa bỏ hoàn toàn tác động của sự lao dốc với tốc độ tăng trưởng kinh tế”.

Ngân hàng có trụ sở tại Manila cũng chia sẻ thêm rằng trong trường hợp cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc chưa thể chấm dứt, thì ảnh hưởng của việc này đối với các nền kinh tế châu Á đang phát triển khác và các khu vực khác trên thế giới sẽ “tương đối hạn chế”, ngoại trừ một số đối tác thương mại thân cận nhất của Trung Quốc, chẳng hạn như Mông Cổ.

Các chuyên gia của ADB giải thích rằng cuộc khủng hoảng bất động sản sẽ không ảnh hưởng đến tỷ lệ tăng trưởng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến của Trung Quốc là 4,9% trong năm nay, nhưng có thể có tác động vào năm sau khi GDP được dự đoán sẽ tăng 4,5%.

Phía ADB cho rằng lý do chính dẫn tới cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc hiện nay là vì các chính sách được khởi xướng vào năm 2020 nhằm giảm tầm quan trọng của ngành này trong nền kinh tế và làm giảm nhu cầu do ảnh hưởng mà đại dịch Covid-19 gây ra.

“Thị trường bất động sản ở Trung Quốc đang trải qua một giai đoạn được điều chỉnh khi khối lượng đầu tư, doanh số bán hàng và giá nhà đang giảm dần theo thời gian”, báo cáo cho biết.

Để giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản, các chuyên gia của ADB đã đề xuất một loạt biện pháp, bao gồm giảm lãi suất cho vay, thực hiện các quy định nhằm tăng cường khả năng thanh toán các khoản vay thế chấp và đưa ra các biện pháp kích thích tài chính để thúc đẩy nhu cầu về bất động sản trong nước.

Báo cáo nhấn mạnh: “Các nhà hoạch định chính sách nên đặt mục tiêu tạo ra một cuộc cải cách “nhẹ nhàng”,, tạo cơ sở cho việc điều chỉnh thị trường để tránh sự co lại đột ngột trong ngắn hạn, đồng thời tiếp tục theo đuổi mục tiêu dài hạn là thiết kế cấu trúc cân bằng hơn cho ngành bất động sản”.

Báo cáo của ADB cũng nhấn mạnh rằng ngành bất động sản chiếm khoảng 21-24% GDP của Trung Quốc. Ngoài ra, ngành này cũng đóng vai trò là tài sản tiết kiệm được nhiều hộ gia đình tại Trung Quốc ưu tiên và có mối liên hệ chặt chẽ với ngành tài chính, với 1/4 khoản vay trong ngành tài chính được phân bổ cho bất động sản.

Cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc đã có tác động tiêu cực đến những gã khổng lồ địa ốc, chẳng hạn như hai ông lớn China Evergrande và Country Garden, những công ty đã phải chịu thua lỗ đáng kể, nợ chồng chất và rơi vào tình trạng vỡ nợ trong thời gian gần đây.

Anh Nguyễn (EFE)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.