Theo dữ liệu mới được công bố, Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm giải quyết vô số thách thức kinh tế.

Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc lần đầu tiên rơi xuống mức “đỏ” kể từ năm 1998, cho thấy nước này đã thất bại trong việc ngăn chặn dòng vốn chảy ra bên ngoài.

Theo dữ liệu do Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE) công bố cuối tuần trước, nợ đầu tư trực tiếp, thước đo của FDI, đứng ở mức âm 11,8 tỷ USD trong quý III, đảo ngược hoàn toàn so với mức 14,1 tỷ USD cùng kỳ năm trước.

Đây là lần đầu thước đo này chuyển sang mức âm trong 25 năm qua, theo dữ liệu do Refinitiv Eikon tổng hợp. Điều này cho thấy các công ty nước ngoài có thể đang rút tiền ra khỏi Trung Quốc thay vì tái đầu tư vào hoạt động của họ.

Trong khi đó, số liệu chính thức về FDI của Trung Quốc do Bộ Thương mại công bố cho thấy tổng FDI trong 9 tháng đầu năm nay giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

Căng thẳng địa chính trị gia tăng cùng những biến động trên thị trường bất động sản, lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn của nền kinh tế Trung Quốc, đang khiến các nhà đầu tư nước ngoài cảnh giác hơn ở thị trường tỷ dân.

Vanguard đã trở thành công ty mới nhất rút khỏi Trung Quốc. Công ty quản lý tài sản lớn thứ hai thế giới sau BlackRock chia sẻ trên kênh CNN rằng họ dự kiến đóng cửa văn phòng ở Thượng Hải sau tháng 12/2023.

Công ty này cho biết họ đã bán cổ phần trong liên doanh của mình cho đối tác địa phương Ant Group vào tháng trước, như một phần của việc thoái vốn. Phía Vanguard cũng xác nhận với CNN rằng họ đã ký thỏa thuận thôi việc với khoảng 10 nhân sự của công ty tại Trung Quốc.

Công ty cho biết trong một tuyên bố: “Trong tương lai, Vanguard sẽ ưu tiên hoạt động kinh doanh toàn cầu của mình ở các khu vực mà chúng tôi cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đầu tư của riêng mình”.

Nỗ lực ngăn chặn dòng vốn chảy ra bên ngoài

Chính phủ Trung Quốc đang tìm cách đảo ngược dòng vốn chảy ra ngoài trước những thách thức kinh tế ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, những nỗ lực như vậy dường như đã không thể trấn an được các nhà đầu tư.

Hội chợ Triển lãm Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE), một sự kiện thường niên do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động vào năm 2018 nhằm miêu tả Trung Quốc là một thị trường mở và cải thiện quan hệ thương mại, đã khai mạc vào ngày 5/11,

Tuy nhiên, Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc đã chỉ trích sự kiện này là một “buổi trình diễn”. “CIIE ban đầu được coi là nơi trưng bày chương trình cải cách và mở cửa của Trung Quốc, nhưng cho đến nay sự kiện này dường như chỉ giống như một “buổi trình diễn”, Carlo D’Andrea, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc, chia sẻ

Những nỗ lực khác của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vẫn chưa cho thấy sự hiệu quả. Cuối tháng trước, cơ quan lập pháp Trung Quốc đã phê duyệt 1.000 tỷ nhân dân tệ (137 tỷ USD) trái phiếu chính phủ để hỗ trợ nền kinh tế. Trái phiếu sẽ được sử dụng chủ yếu để tài trợ cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng.

Vào tháng 9, chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng kiểm soát vốn ở hai thành phố lớn nhất đất nước – Bắc Kinh và Thượng Hải – để cho phép người nước ngoài tự do chuyển tiền vào và ra khỏi đất nước.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cũng đã gặp một số công ty hàng đầu của phương Tây trong tháng đó, bao gồm JP Morgan, Tesla và HSBC, cam kết sẽ mở cửa hơn nữa ngành tài chính và “tối ưu hóa” môi trường hoạt động cho các công ty nước ngoài.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, các nhà đầu tư toàn cầu vẫn cảnh giác trước sự giám sát ngày càng tăng của Trung Quốc đối với các công ty phương Tây và sự suy thoái cơ cấu.

Một cuộc khảo sát vào tháng 9 của Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải cho thấy chỉ 52% số người được hỏi lạc quan về triển vọng kinh doanh trong 5 năm tới của họ tại Trung Quốc, mức thấp nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu được thực hiện vào năm 1999.

Anh Nguyễn (CNN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.