Có những khu TĐC đã đem lại cuộc sống mới ổn định, sung túc cho người dân nhưng cũng có không ít khu TĐC khiến người dân sống lay lắt vì còn quá nhiều bất cập…
Năm 2009, hàng trăm hộ dân tại thị trấn Đắk Hà và xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà (Kon Tum) đã di dời lên nơi ở mới để nhường đất cho lòng hồ thủy điện Pleikrông. Để người dân ổn định cuộc sống, tỉnh Kon Tum đã quy hoạch khu TĐC tại xã Đắk Long, huyện Đắk Hà trên diện tích 690ha.
Dự án được giao cho UBND huyện Đắk Hà làm chủ đầu tư với kinh phí xây dựng lên đến 149 tỷ đồng. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 (2009-2010) với mục tiêu đón 52 hộ dân đầu tiên đến sinh sống. Tại đây, mỗi hộ sẽ được cấp bình quân gần 0,6ha đất canh tác và 400m² đất ở.
Ngoài ra, mỗi hộ dân khi về nơi ở mới còn được hỗ trợ 40 triệu đồng xây nhà. Ở giai đoạn 2 (2011-2015) sẽ có thêm 74 hộ dân khác được chính quyền bố trí định cư. Theo đó, mỗi hộ chuyển lên được cấp 400m2 đất ở và 0,5ha đất canh tác và được hỗ trợ 32 triệu đồng để xây nhà.
Dự kiến là vậy nhưng đến cuối năm 2015, dự án không hoàn thành nên UBND tỉnh Kon Tum đã cho gia hạn đến hết năm 2018. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành khi chỉ có vỏn vẹn 15 hộ dân (ở giai đoạn 2-PV) chuyển đến sinh sống. Còn lại hơn 59 hộ dân khác vẫn chưa thể đến ở.
Có mặt nơi đây, PV Báo CAND ghi nhận khu tái định cư được xây dựng nằm chênh vênh trên đỉnh đồi thuộc thôn Pa Cheng và thôn Kon Đao Yốp, xã Đắk Long. Đi vào bên trong, hàng chục căn nhà chỉ được xây dựng tạm bợ, hầu hết không có người ở. Trong đó có nhiều căn bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm và đã xuất hiện tình trạng xuống cấp, xập xệ.
Theo phản ánh của người dân, sở dĩ họ chưa muốn chuyển về đây sinh sống là vì ít đất sản xuất. Ngoài ra, tiền hỗ trợ xây nhà quá ít nên người dân không thể xây nhà hoàn chỉnh. Đặc biệt, cả khu TĐC được bố trí 34 giếng đào nhưng hầu như không có nước. Để giải quyết tình trạng này, Ban quản lý dự án đã khoan 3 giếng nước, tuy nhiên số giếng này không đủ nước cho người dân sử dụng.
Trao đổi với chúng tôi, chị Y Thoại (35 tuổi, trú tại thôn Pa Cheng) cho biết, gia đình chị chuyển đến sinh sống đã được 1 năm nay. Để có nước ăn uống, gia đình chị phải đến điểm lấy nước tập trung cách nhà 300m. Do nguồn nước có hạn nên gia đình chị cũng như nhiều gia đình trong khu TĐC thường phải tắm giặt ở sông suối.
Ngoài ra, khi chuyển lên đây gia đình chị chỉ được cấp 500 cây cà phê. Số diện tích này không đủ để gia đình chị phát triển kinh tế. “Chúng tôi nhường đất cho thủy điện rồi chuyển về khu TĐC cách làng cũ hơn 20 cây số. Lên đây, đất sản xuất thì ít, nước sinh hoạt thì thiếu khiến người dân rất khổ sở. Cũng vì thiếu nước sinh hoạt nên gia đình không muốn chuyển lên khu TĐC này”, chị Y Thoại nói.
Còn bà Y Ban (60 tuổi, trú tại thôn Pa Cheng) cho biết thêm, gia đình bà có 5 người nhưng chỉ được cấp 500 cây cà phê. Nhà sống bên cạnh giếng khoan nhưng giếng này có đến 6 gia đình dùng chung nên chỉ đủ nước ăn uống, còn việc tắm giặt thì phải xuống ruộng nước gần đó.
“Trước đây, gia đình tôi có 2ha đất. Sau khi di dời lên khu TĐC mới chỉ được cấp 500 cây cà phê và 40 triệu đồng để xây nhà. Số tiền quá ít nên nhà tôi phải bù thêm tiền để xây nhà. Ở trên này mùa mưa còn thiếu nước thế này nói gì đến mùa khô. Mong chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ để bà con ổn định cuộc sống”, bà Y Ban lo lắng.
Theo UBND xã Đắk Long, hiện tại Ban quản lý dự án đầu tư huyện Đắk Hà vẫn chưa bàn giao lại khu TĐC này cho địa phương quản lý. “Hiện huyện đang hoàn tất các thủ tục để quyết toán hồ sơ dự án. Đồng thời đối với những hộ dân đã về khu TĐC, UBND huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ các điều kiện để ổn định cuộc sống. Đối với các hộ dân chưa chuyển đến, địa phương sẽ tiếp tục vận động”, ông Ka Pa Thành, Chủ tịch UBND huyện Đắk Hà cho biết.
Cuộc sống người dân khu tái định cư Đắk Plao còn nhiều khó khăn.
Cũng theo ông Thành, nguyên nhân khiến người dân chưa chuyển đến khu TĐC là do diện tích đất sản xuất chưa đảm bảo; một phần do việc thiếu nước sinh hoạt. “Hiện nay, huyện đang cho các phòng, ban chuyên môn rà soát quỹ đất để hỗ trợ sản xuất cho người dân TĐC. Huyện cũng đã chỉ đạo cho xã khoan thêm giếng nước để cung cấp nước cho các hộ dân.
Về việc người dân phản ánh tiền hỗ trợ ít không đủ xây nhà, chúng tôi sẽ rà soát lại việc đền bù, chi trả của ban quản lý dự án xem có bảo đảm không. Sau đó mới có biện pháp xử lý, nếu ai làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm. Nếu như đã cấp đủ rồi nhưng người dân vẫn thiếu cơ sở, lúc đó mình sẽ có cách hỗ trợ khác”, ông Thành nói.
Ở một khu TĐC khác khiến hơn 500 hộ dân cũng đang phải lâm vào tình cảnh tương tự, đó là khu TĐC xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Hơn 10 năm trước, hơn 500 hộ dân này đã phải di dời để nhường đất cho dự án xây dựng Nhà máy thuỷ điện Đồng Nai 3. Và hơn 10 năm qua, cuộc sống của họ không khá lên mà đang lâm vào cảnh đói nghèo, canh cánh nỗi lo về cái ăn, cái mặc.
Cách đây 10 năm, ông Klong cùng với hơn 500 hộ dân khác đã đến Khu TĐC xã Đắk Plao để sinh sống. Thế nhưng, bấy nhiêu năm qua, gia đình ông vẫn thuộc diện hộ nghèo. Ngoài căn nhà cấp 4 được xây dựng theo diện hỗ trợ TĐC thì gia đình ông cũng chỉ làm thêm được căn bếp nhỏ và khu vực nuôi gia cầm.
“Ra tới đây, gia đình tôi được cấp 4 sào đất rẫy, rồi khai hoang và mua thêm được 6 sào nữa. Thế nhưng, đất ở vùng này dốc, cằn, lại thiếu nước tưới nên cả năm vừa rồi gia đình chỉ thu được một tấn cà phê. Với số tiền được đền bù còn dư một ít thì cả nhà 5 người chỉ tiêu được vài năm là hết sạch”, ông KLong phân trần.
Dẫn chúng tôi đi một vòng, anh KBảy, Thôn trưởng thôn 1 chỉ tay vào mấy căn nhà nằm sát đường có khá nhiều phụ nữ và trẻ em ngồi chơi trước hiên nói: “Chú thấy đó, đất sản xuất không có, bà con ra nơi ở mới không biết làm gì chỉ ngồi chơi vậy suốt ngày”.
Ghé vào nhà chị HJông hỏi thăm cũng là lúc anh Nguyễn Thành Đạt (chồng chị HJông) đem mấy bịch măng từ rừng về. Hỏi chuyện sao không tranh thủ những ngày nắng hiếm hoi của mùa mưa vào dọn rẫy, chị HJông chỉ biết thở dài: “Ra TĐC ở hơn 10 năm rồi mà nhà mình có được cấp sào đất sản xuất nào đâu. Lúc trước, ở bon cũ, còn có 3 sào đất lúa, 7 sào cà phê để canh tác nhưng giờ thủy điện thu hồi hết rồi. Không còn đất sản xuất nên hàng ngày gia đình phải vào rừng kiếm gì ăn thôi”.
Trao đổi với PV, ông Trần Nam Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết, đã hơn 10 năm, qua rà soát toàn bộ thì khu vực Đắk Plao đang còn thiếu hơn 200ha đất sản xuất của người dân. Việc bố trí đất sản xuất là một trong những vấn đề trăn trở nhất ở địa phương những năm qua.
“Đến nay, huyện đã rà soát, thu hồi diện tích đất trong quy hoạch của dự án để sớm cấp cho các hộ dân còn thiếu đất canh tác. Tuy nhiên, để cấp đủ đất cho người dân, mỗi người 1ha theo tiêu chuẩn là rất khó”, ông Thuần nói.
Còn theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Đắk Plao, hiện có 841 hộ dân nhưng số hộ nghèo và cận nghèo toàn xã lên tới 437 hộ nghèo, cận nghèo, chiếm tỷ 58,57%. Cái khó nhất của địa phương là tìm giải pháp để thoát nghèo.
Thực tế, cả xã còn nhiều hộ dân chưa được cấp tái định canh, nên đời sống rất khó khăn. Ngay cả những hộ được cấp đất sản xuất thì cũng chỉ mới cấp được 4-5 sào, bằng khoảng một nửa so với quy định.
-
Thi công đường tránh TP. Kon Tum ảnh hưởng dân, né trách nhiệm?
Người dân thôn Kon Tu 2, xã Đăk Blà bất bình trước tình trạng thi công đường tránh TP. Kon Tum cẩu thả làm đảo lộn cuộc sống của họ
-
Sắp có làn sóng đầu tư đổ bộ vào tỉnh Kon Tum?
UBND tỉnh Kon Tum vừa chỉ đạo triển khai thực hiện Thông báo số 1142-TB/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết luận làm việc với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác quy hoạch và thu hút đầu tư trên địa bàn các vùng kinh tế động lực của tỉnh...
-
Quy định mới về diện tích tách thửa đất ở tại Kon Tum từ 09/11/2024
Ngày 30/10/2024, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định 59/2024/QĐ-UBND quy định điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum....
-
Kon Tum lập quy hoạch mới vùng huyện Kon Plông quy mô 137.125 ha
UBND tỉnh Kon Tum vừa phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đến năm 2045.