CafeLand - Khách hàng tiềm năng hạn chế đầu tư khiến các nhà phát triển Trung Quốc càng chật vật trong bối cảnh doanh số bán nhà lao dốc và Bắc Kinh tăng cường kiểm soát vay nợ.

Các nhà phát triển Trung Quốc đang tìm cách huy động lượng tiền mặt cần thiết để trả nợ bằng cách bán bớt các bất động sản. Tuy vậy, họ khó thực hiện các giao dịch kỳ vọng do khách hàng tăng cường tích trữ tiền mặt thay vì đầu tư.

Không có người mua tài sản

Tập đoàn Evergrande của Trung Quốc vào tháng trước đã không thể chuyển nhượng lượng cổ phần kiểm soát mảng kinh doanh quản lý bất động sản để huy động 2,6 tỷ đô la Mỹ. Trong khi đó, Modern Land China Co đã vỡ nợ trái phiếu trị giá 250 triệu USD vào tuần trước do không thể bán bớt tài sản để thanh toán. Nhà phát triển Oceanwide Holdings cũng đang tìm cách chuyển nhượng khu phức hợp văn phòng chính của mình ở Bắc Kinh sau khi một công ty con của tập đoàn này vỡ nợ.

Việc không bán được cổ phiếu đang nắm giữ càng khiến các đại gia bất động sản Trung Quốc khát tiền mặt. Nhiều công ty phải rút khỏi thị trường tài chính do chi phí đi vay tăng cao và chính sách "ba lằn ranh đỏ" của Bắc Kinh hạn chế cho vay trong ngành bất động sản. Lợi tức trái phiếu rác bằng đô la Mỹ của Trung Quốc đã tăng lên hơn 20%, cao nhất trong khoảng một thập kỷ trở lại đây.

Matthew Chow, giám đốc của S&P Global Ratings, cho biết: “Phần lớn những người mua tiềm năng đối với các bất động sản đang được thanh lý cũng là các nhà phát triển. Tuy vậy, do quy định 'ba lằn ranh đỏ', nhiều người trong số này đã phải kiềm chế mua những dự án lớn. Khi thị trường đang trong chu kỳ giảm, ngay cả những nhà phát triển có thanh khoản dồi dào cũng có xu hướng tích trữ tiền mặt”.

Trong nhiều năm, các nhà phát triển từ Dalian Wanda Group đến Seazen Group đã có thể vượt qua căng thẳng về tài chính bằng cách bán bớt các lô đất, các dự án đang xây dựng hoặc các loại tài sản khác. Các doanh nghiệp bất động sản lớn của Trung Quốc, bao gồm Evergrande, Sunac China Holdings Ltd và China Vanke Co, thường là những sẵn sàng thu mua.

Giờ đây điều này không còn xảy ra nữa. Cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande đã nhấn chìm các hoạt động, trong khi Bắc Kinh tiếp tục cản trở các khoản vay mới trong ngành. Trong số 30 công ty bất động sản hàng đầu của Trung Quốc tính theo doanh số, 2/3 đã vi phạm ít nhất một trong ba lằn ranh đỏ, Bloomberg cho biết.

Chuanyi Zhou, nhà phân tích tín dụng tại Lucror Analytics, cho biết: “Các dự án bất động sản thường đi kèm với nợ. Hiện tại, có rất ít nhà phát triển trên thị trường sẵn sàng thu mua các dự án để nhận thêm gánh nặng nợ nần”.

Niềm tin xói mòn tác động đến toàn ngành

Cuộc khủng hoảng tiền mặt của Evergrande đã làm xói mòn niềm tin vào lĩnh vực bất động sản, vốn chiếm gần một phần tư tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc. Mối lo ngại về các ảnh hưởng lây lan trong lĩnh vực tài chính, với ít nhất 4 nhà phát triển vỡ nợ trái phiếu đô la vào tháng trước, đã lan rộng ra toàn ngành. Các doanh nghiệp đi vay của Trung Quốc đã vỡ nợ hơn 9 tỷ đô la Mỹ trái phiếu ra nước ngoài trong năm nay, các công ty bất động sản chiếm một phần ba trong số đó.

Cổ phiếu của các nhà phát triển lớn của Trung Quốc dao động quanh mức thấp nhất trong 5 năm vào thứ Tư, ngay cả khi một số công ty đang mua lại trái phiếu đô la để chứng tỏ rằng mình vẫn ổn. Cổ phiếu của nhà phát triển Vanke, dù không vi phạm bất kỳ ranh giới đỏ nào, đã giảm 17% trong 7 phiên giao dịch gần đây nhất tại Thâm Quyến. Đây là dấu hiệu cho thấy tâm lý thị trường đã trở nên tồi tệ như thế nào.

Sự thèm muốn của nhà đầu tư đối với trái phiếu đô la châu Á cũng đang giảm dần. Nhu cầu đầu tư từ châu Á, ngoại trừ Nhật Bản, chỉ gấp 3,6 lần quy mô phát hành vào tháng trước, thấp nhất kể từ tháng 8 năm 2019, theo Bloomberg.

Giá nhà giảm và việc bán đất đi xuống càng làm phức tạp thêm tình hình. Giá nhà ở đã giảm lần đầu tiên trong hơn 6 năm vào tháng 9, trong khi tỷ lệ đất nền chưa bán tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2018. Doanh số bán nhà mới theo khu vực của 100 nhà phát triển hàng đầu Trung Quốc đã giảm 32% trong tháng 10 so với một năm trước đó. Doanh số bán hàng có thể tiếp tục chậm lại trong phần còn lại của năm.

Tình trạng sụt giảm doanh số nhà ở có nguy cơ làm giảm giá trị tiềm năng của các dự án bất động sản được chào bán bởi các công ty như Evergrande. Công ty này cũng đang tìm cách bán thêm cổ phần trong mảng kinh doanh xe điện để trả khoản nợ hơn 300 tỷ USD. Evergrande cũng có thể bán thêm mảng kinh doanh Internet HengTen, hoặc nền tảng bán hàng trực tuyến FCB Group.

"Khi mùa đông đến, mọi người đều cảm thấy lạnh", Chủ tịch Vanke, Yu Liang, trả lời khi được hỏi về các giao dịch tiềm năng với Evergrande. "Trước khi cho người khác vay tiền để giúp đỡ họ, chúng ta nên đảm bảo an toàn cho chính mình”.

Lam Vy (Bloomberg)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.