Đây là một trong những bức xúc được đề cập tại buổi làm việc giữa Sở Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) với ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND TPHCM ngày 22-10.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết Nghị quyết 02 về giải quyết nợ xấu, xử lý hàng tồn kho đã có từ cuối năm ngoái, nhưng mãi đến giữa năm 2013 Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng mới ra các thông tư hướng dẫn triển khai gói 30.000 tỉ đồng.
Một số dự án xin chuyển từ nhà thương mại sang làm nhà ở xã hội, xin chẻ nhỏ căn hộ, đã nộp hồ sơ mấy tháng qua nhưng vẫn chưa được xét duyệt, để có thể tiếp cận được nguồn vốn nói trên.
Chẳng hạn như Công ty địa ốc Sài Gòn – Gia Định với dự án 360 căn hộ Thới An tại quận 12. Mặc dù Bộ Xây dựng đã đồng ý về chủ trương, Sở Xây dựng đã trình lên ba lần nhưng lãnh đạo thành phố vẫn chưa duyệt.
Ông Nguyễn Phụng Thiều, Tổng giám đốc công ty, cho biết dự án của ông xin chuyển sang làm nhà ở xã hội đáp ứng tiêu chí quy định, không tăng mật độ dân số, không phá vỡ quy hoạch, không tăng diện tích, không phải điều chỉnh thiết kế mà chỉ đổi tên “nhưng không hiểu sao thành phố lại ngâm hồ sơ lâu như vậy”.
Ở một dự án khác, Công ty Quốc Cường Gia Lai đang xin chuyển một dự án tại huyện Nhà Bè sang làm nhà ở xã hội bán giá 12 triệu đồng/mét vuông, nhưng đã ba tháng nay đi lại trình hồ sơ nhưng vẫn chưa được duyệt.
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Quốc Cường Gia Lai, cho biết mỗi ngày công ty phải trả lãi 200 triệu đồng, nên buộc lòng công ty phải bán lỗ để tháo vốn, bởi chậm ngày nào ngân hàng ăn hết vốn ngày đó.
Một trong những dự án nữa là Công ty Hoàng Quân, đơn vị đã được Ngân hàng Nhà nước cho duyệt chủ trương vay hơn 500 tỉ đồng từ gói 30.000 tỉ đồng để xây dựng dự án, và một ngân hàng cam kết dành 1.000 tỉ đồng cho khách hàng vay mua nhà tại dự án. Thế nhưng đến nay thành phố vẫn chưa duyệt cho chuyển nên số tiền trên vẫn “treo” ở ngân hàng.
Ông Châu cho rằng thị trường bất động sản khó khăn là cơ hội cho thành phố có được nhiều nhà ở xã hội, khi nhiều doanh nghiệp ngập trong nợ nần nên tự nguyện tham gia nhà ở xã hội.
“Nếu mai này thị trường tốt hơn chưa chắc doanh nghiệp sẽ tham gia, bởi họ bỏ ra tiền tỉ nhưng bán nhà ở xã hội chỉ thu về bạc cắc, bán lỗ”, ông Châu nhận định, và đề nghị thành phố nên đẩy nhanh tiến độ xét duyệt dự án.
Địa phương phải xác nhận thực trạng nhà ở cho người mua nhà ở xã hội Ngày 22-10, UBND TPHCM đã chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn phải xác nhận hộ khẩu và thực trạng nhà ở theo đúng quy định của Bộ Xây dựng cho người tham gia vay vốn từ gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỉ đồng để mua nhà ở xã hội. Khi xác nhận thực trạng nhà ở, chính quyền địa phương cần ghi rõ số thành viên trong gia đình và diện tích nhà ở tại địa chỉ mà người xin xác nhận có đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú và thực tế đang sinh sống tại đó. Người đứng đơn xin xác nhận phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu khai báo không trung thực. Trước đó, việc vay vốn từ gói 30.000 tỉ gặp trở ngại vì nhiều nơi chính quyền địa phương không dám xác nhận thực trạng nhà ở cho người dân do không quản lý được vấn đề này. |