Khu vực Vịnh Causeway ở Hồng Kông được mệnh danh là khu mua sắm đắt đỏ nhất thế giới. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế ngày càng sâu sắc của Hồng Kông, nơi này có thể phải chịu đựng tình trạng ảm đạm trong nửa năm tới, khi các chủ cửa hàng phải vật lộn tìm người mới để thay thế các khách thuê cao cấp hiện có.
Các thương hiệu toàn cầu từ Prada đến Rolex và Victoria's Secret trong năm qua đã bỏ trống mặt bằng mà họ thuê ở gần hoặc dọc phố Russell tại Vịnh Causeway- nơi có giá thuê vượt qua cả New York, London hoặc Paris vào thời kỳ cao điểm - do nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi biến động về chính trị cũng như cuộc khủng hoảng về y tế trên toàn cầu.
“Thị trường vẫn chưa chạm đáy. Tôi cho rằng kịch bản tồi tệ nhất sẽ diễn ra vào cuối năm”, Edwin Lee, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Bridgeway Prime Shop Fund Management, công ty sở hữu 18 cửa hàng tại Hồng Kông, cho biết. “Nếu vắc-xin sẵn sàng vào đầu hoặc giữa năm 2021, thì niềm tin của thị trường mới có thể phục hồi”.
Những cửa hàng bỏ trống tại phố Russell có thể bị thay thế bởi các cửa hàng thời trang hoặc chuỗi siêu thị phục vụ thị trường đại chúng hơn, dẫn tới khả năng tiền thuê mặt bằng sẽ giảm. Đại dịch và lượng du khách ngày càng giảm đã tạo ra một cú sốc lớn với thị trường và chỉ người tiêu dùng tại Hồng Kông thì không đủ để duy trì hoạt động của các thương hiệu lớn.
Nền kinh tế Hồng Kông đã suy thoái liên tục trong bốn quý vừa qua, đánh dấu cuộc suy thoái tồi tệ nhất từng được ghi nhận. Đại dịch Covid-19 diễn ra từ tháng Một cùng những bất ổn xã hội vào năm 2019 đã khiến ngành du lịch khó khăn và làm suy yếu nỗ lực của chính phủ trong việc khôi phục lại các hoạt động.
Do không có nguồn thu từ du lịch, doanh số bán lẻ tại Hồng Kông đã sụt giảm mạnh trong 18 tháng liên tiếp. Doanh số trong bảy tháng đầu năm nay chỉ đạt 187 tỷ đô la Hồng Kông (24 tỷ đô la Mỹ), tức là khoảng 26,7 tỷ đô la Hồng Kông một tháng, so với mức trung bình 36 tỷ đô la Hồng Kông một tháng vào năm 2019.
Ông Tony Lo, Giám đốc các cửa hàng của Midland IC&I, cho biết: “Giờ đây khi các thương hiệu lớn đã rời khỏi thị trường, rất khó để tìm khách thuê mới. Đại dịch chưa chấm dứt nên các cửa hàng có thể không cho thuê được trong năm nay. Tôi không lạc quan lắm với tình hình này, nhất là khi nhiều cửa hàng ở Vịnh Causeway phục vụ khách du lịch cá nhân, chủ yếu đến từ Trung Quốc đại lục”.
Emperor International, một trong những chủ sở hữu mặt bằng lớn hơn trên phố Russell, cho biết một số không gian của họ “hiện đang được cho thuê”, và công ty cũng đã phải “liên hệ với những khách thuê khác nhau”.
Tỷ lệ trống của các cửa hàng ở Vịnh Causeway đã tăng lên 11,6% trong tháng Tám, theo dữ liệu do Centaline Commercial tổng hợp, tăng hơn gấp ba lần mức ghi nhận trong tháng Một. Tỷ lệ này đã tăng lên 20,4% từ 8,1% ở khu vực trung tâm, và tăng lên 16,5% từ 10,5% ở Tsim Sha Tsui so với cùng kỳ năm ngoái.
“Vịnh Causeway hầu như không có khách du lịch và mọi người đang giảm các hoạt động vui chơi bên ngoài”, Raiky Wong, Giám đốc các cửa hàng của Centaline Commercial cho biết. “Những ngày này, đường phố dường như trở nên vắng vẻ hơn”.
Hồng Kông không phải nơi duy nhất phải gánh chịu hậu quả của đại dịch Covid-19. Knight Frank cho biết 22 thành phố tại Châu Á - Thái Bình Dương mà họ khảo sát đều cho thấy sự sụt giảm về giá thuê mặt bằng cũng như triển vọng của bất động sản bán lẻ ở phân khúc cao cấp trong nửa đầu năm nay.
Ông Lee, người thường xuyên thực hiện các giao dịch mua bán mặt bằng bán lẻ tại Hồng Kông, cho biết triển vọng ảm đạm của thị trường báo trước sự sụt giảm giá thuê trong những tháng tới.
Ông nói thêm, giá thuê dọc theo phố Russell đã giảm 2/3 từ khoảng 3.000 đô la Hồng Kông (387 đô la Mỹ)/feet vuông vào năm 2013 xuống còn 1.000 đô la Hồng Kông ở thời điểm hiện tại. Giá thuê có thể chạm đáy ở mức 500 đô la Hồng Kông/ feet vuông vào cuối năm nay, trước khi có những dấu hiệu phục hồi nhờ hoạt động mua sắm vào dịp Tết Nguyên Đán”.
Trong khi đó, ông Lo cho biết, các chủ mặt bằng có thể phải chấp nhận giá thuê thấp hơn để có nguồn thu. Một số người chủ đã phải cho thuê cửa hàng theo hợp đồng ngắn hạn trong năm 2020, do nhiều doanh nghiệp đánh giá thấp triển vọng phục hồi của thị trường.
Ông Lee phân tích, những khách thuê mới tiếp quản các không gian trống sẽ phải dựa vào chi tiêu của các khu vực lân cận để tồn tại. Họ có thể là các nhà bán lẻ thời trang với thị trường đại chúng hoặc các siêu thị cao cấp bán thực phẩm nhập khẩu như thịt bò Wagyu của Nhật Bản.
Đối với các thương hiệu lớn tại phố Russell, các nhà bán lẻ không thể tiếp tục kinh doanh nếu không có khách du lịch. “Họ chắc chắn không thể duy trì nếu chỉ dựa vào tiêu dùng của người dân Hồng Kông”, ông Lee nói.
-
Thị trường khách sạn Hồng Kông giảm mạnh vì dịch bệnh và các cuộc biểu tình
CafeLand - Thị trường đầu tư khách sạn Hồng Kông đang quay cuồng do tác động của Covid-19 lên ngành du lịch. Các chủ đất liên tục đệ đơn kiện các khách sạn vì nợ hàng triệu tiền thuê mặt bằng.
-
Kết thúc kỷ nguyên vàng về đầu tư nhà đất tại Hồng Kông
Việc chính phủ kiểm soát chặt chẽ thị trường nhà ở đắt đỏ nhất thế giới này và thúc đẩy xây dựng thêm nguồn cung mới đã khiến lợi nhuận của các nhà phát triển đi xuống.
-
Làn sóng di cư ra nước ngoài kỷ lục khiến thị trường nhà ở đắt đỏ nhất thế giới giảm mạnh nhất trong vòng 18 năm
CafeLand - Chính phủ Anh cho biết họ dự kiến sẽ có hơn 300.000 người Hồng Kông chuyển đến Anh trong 5 năm tới dưới chương trình thị thực mới.
-
Sở hữu nhà riêng là giấc mơ xa vời với nhiều người trẻ ở Hồng Kông
CafeLand - Theo cuộc khảo sát Khả năng chi trả Nhà ở Quốc tế của Demographia thực hiện cho năm 2021, Hồng Kông vẫn là thị trường nhà ở có giá đắt nhất thế giới trong năm thứ 11 liên tiếp. Điều này gây áp lực lên quyền sở hữu nhà ở của giới trẻ tại th...