CafeLand - Thị trường đầu tư khách sạn Hồng Kông đang quay cuồng do tác động của Covid-19 lên ngành du lịch. Các chủ đất liên tục đệ đơn kiện các khách sạn vì nợ hàng triệu tiền thuê mặt bằng.

Tính đến thời điểm hiện tại của năm 2020, thị trường khách sạn Hồng Kông chỉ ghi nhận một giao dịch chuyển nhượng thành công với mức giá giảm mạnh. Theo Colliers International năm 2019, tổng vốn giao dịch đạt 9,9 tỷ đô la Hồng Kông (tương đương với 1,28 tỷ đô la Mỹ) với 10 giao dịch.

Ngành du lịch của Hồng Kông đã bị tàn phá nặng nề bởi hạn chế đi lại trên toàn cầu, đặc biệt là những quy định cấm nhập cảnh đối với du khách từ Trung Quốc đại lục. Ngành này cũng gặp khó khăn lớn vào năm ngoái khi các cuộc biểu tình chống chính phủ khiến lượng du khách giảm đáng kể.

“Du khách không đến Hồng Kông do tình trạng bất ổn, khiến các khách sạn cũng không thể làm ăn được. Tỷ lệ lấp đầy toàn thị trường hiện chỉ ở mức 10% đến 20%. Nhiều khách sạn thậm chí không đủ tiền để trả lương cho người lao động. Ngay cả những khách sạn lớn cũng ở trong tình trạng thua lỗ. Đây không phải là một hiện tượng cá biệt mà là tình hình chung của thị trường.”, Francis Li, Giám đốc quốc tế và người đứng đầu thị trường vốn tại Trung Quốc đại lục của Cushman & Wakefield cho biết.

Thị trường khách sạn Hồng Kông giảm mạnh vì dịch bệnh và các cuộc biểu tình 1

Li cho biết thêm, các chủ đầu tư khách sạn rất khó tìm được người mua vào lúc này, mặc dù nếu giá được chiết khấu nhiều thì một số người mua có thể muốn đặt cược vào khả năng phục hồi của thị trường khi đại dịch được kiểm soát trong vòng một năm tới.

“Tại sao khách hàng nên mua lại các khách sạn? Họ không thể cho thuê phòng nên mỗi ngày đều mất nhiều tiền hơn. Mua lại khách sạn ở thời điểm này đồng nghĩa với chấp nhận rủi ro, bởi không thể thu về khoản lợi nhuận hợp lý ngay sau khi mua.”, ông nói.

Vào cuối tháng Tám, ITC Properties Group đã bán khách sạn Le Petit Rosedale gồm 94 phòng nằm bên Vịnh Causeway với giá 460 triệu đô la Hồng Kông cho Wang Dingben, Giám đốc không điều hành của Quỹ China New Economy niêm yết tại Hồng Kông. Khách sạn này và ITC đã chịu khoản lỗ 49,24 triệu đô la Hồng Kông cho năm tài chính kết thúc vào tháng 03/2020.

Các đại lý môi giới cho biết, giá giao dịch này đã giảm 34,3% so với giá chào bán ban đầu là 700 triệu đô la Hồng Kông. Theo đó, giá mỗi phòng khách sạn chỉ ở mức 4,89 triệu đô la Hồng Kông, thấp hơn 13% so với mức giá mà Tang Shing-bor - ông trùm của các đế chế kinh doanh hàng đầu Hồng Kông - đã trả để mua lại nơi hiện đang là khách sạn Ease Causeway Bay vào tháng 09/2017.

Thị trường khách sạn Hồng Kông giảm mạnh vì dịch bệnh và các cuộc biểu tình 2

Shaman Chellaram, Giám đốc cấp cao về thị trường vốn và dịch vụ đầu tư tại Hồng Kông của Colliers International cho biết: “Sự phục hồi của thị trường sẽ còn chậm cho đến khi các hoạt động với Trung Quốc về cơ bản được thiết lập trở lại. Do các cuộc biểu tình năm ngoái cùng tình trạng thiếu khách quốc tế hiện nay, một số bất động sản khách sạn cũng đang được định giá lại”.

Trong bối cảnh này, Grand Fortune Overseas Holdings đã hủy bỏ thỏa thuận trị giá 310 triệu đô la Hồng Kông để mua lại khách sạn Queen nằm ở khu vực Sai Wan chưa đầy một tháng sau khi ký kết, bất chấp việc phải mất khoản đặt cọc lên tới 10% giá trị hợp đồng. Chủ sở hữu khách sạn Queen từng chào bán bất động sản này với giá 450 triệu đô la Hồng Kông.

Trong khi đó, khách sạn Hong Kong Reese ở khu vực Aberdeen đã bị chủ đất là Central Well Limited khởi kiện vào ngày 25/08 vì không trả khoản tiền thuê mặt bằng và lãi suất tương ứng kể từ tháng Ba tới tháng Tám lên tới 16,92 triệu đô la Hồng Kông.

Trước đó, khách sạn này đã bị khởi kiện hai lần do không trả khoản tiền thuê từ tháng Bảy năm ngoái tới tháng Hai năm nay. Chủ đất đã thắng kiện và khách sạn được yêu cầu phải trả 13,78 triệu đô la Hồng Kông cho tiền thuê từ tháng Bảy đến tháng Mười Một năm ngoái.

Một khách sạn khác là Vela Boutique ở Vịnh Causeway cũng bị chủ đất khởi kiện vào tháng Sáu vì không trả khoản tiền thuê mặt bằng lên tới 20,72 triệu đô la Hồng Kông.

Chellaram nói thêm: “Tôi cho rằng chủ đất, chủ đầu tư khách sạn và các nhà điều hành khách sạn phải hợp tác với nhau để giải quyết khó khăn trong thời điểm hiện tại, khi mà thị trường trở nên đầy thách thức cho tất cả các bên”.

  • Bùng nổ không gian co-living tại Hồng Kông và Singapore

    Bùng nổ không gian co-living tại Hồng Kông và Singapore

    CafeLand - Hồng Kông và Singapore, hai trung tâm tài chính luôn cạnh tranh gay gắt ở châu Á, dù có thị trường nhà ở rất khác nhau, nhưng có một điểm chung là rất nhiều lựa chọn về co-living (nhà ở chia sẻ không gian tiện ích dùng chung).

Lam Vy (SMCP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.