06/10/2022 8:47 AM
Đầu tư vào thị trường khách sạn tại châu Á - Thái Bình Dương đạt 10,1 tỷ USD trong vòng 8 tháng đầu năm 2022, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo nghiên cứu mới nhất của CBRE, niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường khách sạn tại châu Á - Thái Bình Dương (APAC) tiếp tục tăng lên khi biên giới mở cửa trở lại, du lịch hồi phục mạnh mẽ, nhu cầu đầu tư tăng lên và hiệu suất hoạt động của các khách sạn đang tiệm cận với mức trước đại dịch.

Sự phục hồi chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu du lịch nội khối, đặc biệt là ở các thị trường Bắc Á và Thái Bình Dương. Theo dự báo, tổng lượng khách du lịch của APAC ​​sẽ về mức trước đại dịch vào năm 2024, riêng số lượng khách quốc tế dù tiếp tục tăng nhưng vẫn ở mức thấp hơn trước đại dịch.

Những thị trường đã nhanh chóng nới lỏng các hạn chế đối với khách du lịch được tiêm vắc-xin (Úc, Singapore, Ấn Độ, Thái Lan) đang chứng kiến ​​lượng khách du lịch quay trở lại nhiều hơn đáng kể so với các thị trường còn duy trì chính sách nhập cảnh nghiêm ngặt (Hàn Quốc, Indonesia), hoặc bắt buộc thời gian cách ly khi nhập cảnh (Nhật Bản, Trung Quốc đại lục, đặc khu hành chính Hồng Kông, Đài Loan).

“Khi biên giới mở cửa trở lại, niềm tin của nhà đầu tư với lĩnh vực khách sạn ở APAC cũng được phục hồi nhờ nhu cầu du lịch tăng cao. Tuy nhiên, việc không rõ về chính sách mở cửa của Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Nhật Bản phần nào đã ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư”, chuyên gia Henry Chin của CBRE cho biết.

Giá phòng trung bình, công suất cho thuê và doanh thu trên mỗi phòng khả dụng đều đang trên đà tăng tại tất cả các thị trường thuộc APAC. Thị trường này có thể phục hồi về mức trước đại dịch vào năm 2024. Do nguồn cung phòng mới còn hạn chế ở hầu hết các nước trong khu vực, thị trường khó có thể bị bão hòa hay gây áp lực lên giá phòng và doanh thu, bất chấp chi phí vận hành tăng lên đáng kể do chi phí nhân công và vật liệu/ năng lượng tăng cao.

Tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2022, APAC đã thu hút 10,1 tỷ USD vào ngành khách sạn, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Dòng vốn xuyên biên giới đạt 932 triệu USD kể từ đầu năm 2021, phần lớn đến từ các tổ chức đầu tư. Đặc biệt, Hàn Quốc thu hút lượng vốn nhiều nhất vời 2,8 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, theo sau là Trung Quốc đại lục, Úc, Nhật Bản và Singapore.

“Sự phục hồi kinh tế, việc nới lỏng kiểm soát biên giới, nhu cầu du lịch gia tăng và dự trữ vốn mạnh mẽ của các nhà đầu tư là các động lực to lớn đối với ngành khách sạn khu vực. Các khách sạn nằm ở vị trí tốt với chất lượng cao ở những thị trường trọng điểm đang được săn đón nhiều nhất”, Steve Carroll, chuyên gia của CBRE cho biết.

Lam Vy (TDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.