Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC (mã chứng khoán SMC) vừa công bố thông tin đính chính Báo cáo tài chính (BCTC) năm 2024. Theo đó, trên báo cáo hợp nhất, giá trị dự phòng phải thu khó đòi của SMC đã được điều chỉnh giảm từ 663 tỷ đồng xuống còn 328 tỷ đồng, tương ứng giảm 51%.
Nhờ thay đổi này, lợi nhuận sau thuế năm 2024 của SMC chuyển từ lỗ 287 tỷ đồng sang lãi hơn 48 tỷ đồng, chính thức có lãi trở lại sau 2 năm thua lỗ liên tiếp.
Ở báo cáo công ty mẹ, dự phòng phải thu khó đòi cũng được điều chỉnh giảm từ 630 tỷ đồng, xuống còn 295 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế theo đó chuyển từ âm 224 tỷ đồng thành lãi 111 tỷ đồng.
Lý do điều chỉnh được ban lãnh đạo SMC đưa ra là do điều chỉnh mức trích lập dự phòng đối với các khoản phải thu liên quan tại thời điểm 31/12/2024.
Trước khi đính chính, Báo cáo tài chính tự lập năm 2024 của SMC ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.924 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước. Công ty báo lỗ sau thuế gần 287 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp thua lỗ sau hai năm 2022 và 2023.
Kết quả kinh doanh này đã khiến cổ phiếu SMC bị đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát và đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết nếu BCTC kiểm toán năm 2024 tiếp tục ghi nhận lỗ.
Đầu tư Thương mại SMC có lãi 48 tỷ đồng trong năm 2024
Ban lãnh đạo SMC chi biết, nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh, giá thép giảm nhanh... đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng và hiệu quả của công ty. Biến động vĩ mô và ngành thép toàn cầu chưa tích cực và còn nhiều khó khăn. Thị trường tiêu thụ trong nước trầm lắng, thị trường bất động sản chưa phục hồi làm cho sản lượng tiêu thụ giảm mạnh.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng dây chuyền khi ngành bất động sản trì trệ, nhiều công ty bất động sản gặp nhiều khó khăn từ đó kéo theo công nợ của SMC kéo dài. Chính vì lý do này dẫn đến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh do trích lập dự phòng các khoản phải thu.
SMC chuyển từ lỗ sang lãi nhờ chỉnh giảm giá trị dự phòng phải thu khó đòi
Danh sách nợ xấu của SMC
Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của SMC đạt 4.511 tỷ đồng, giảm gần 27% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền và tiền gửi ngắn hạn ghi nhận 145 tỷ đồng, hàng tồn kho ở mức 631 tỷ đồng.
Đáng chú ý, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản với hơn 1.230 tỷ đồng và hầu hết là các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng. Theo đó, việc phải trích lập dự phòng đẩy bức tranh tài chính của doanh nghiệp này thêm khó khăn.
Bên kia nguồn vốn, tổng nợ phải trả của SMC tại thời điểm cuối năm 2024 ở mức 4.000 tỷ đồng, trong đó nợ đi vay là hơn 2.400 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn.
Tại thời điểm 31/12/2024, BCTC thể hiện SMC đã trích lập dự phòng 663 tỷ đồng cho khoảng gần 1.300 tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, trên BCTC năm 2024 vừa công bố, giá trị nợ xấu đã trích lập chỉ còn 331 tỷ đồng cho khoảng nợ xấu trên.
Danh sách nợ xấu nghìn tỷ của SMC. Nguồn BCTC SMC
Theo đó, danh sách nợ xấu công ty thép này xuất hiện nhiều cái tên doanh nghiệp bất động sản quen thuộc như Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận (441 tỷ đồng), Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley (169 tỷ đồng), Công ty TNHH The Forest City (131 tỷ đồng) và các đối tượng khác phải thu 485 tỷ đồng. Đây đều là các công ty con của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland).
Đầu năm 2022, SMC đã cùng Novaland hợp tác cung cấp thép xây dựng tại các dự án của doanh nghiệp địa ốc này trong giai đoạn 2022-2026.
Doanh nghiệp này bắt đầu tăng mạnh trích lập nợ phải thu khó đòi nhóm Novaland từ cuối quý 2/2023. Thời gian tới, nếu công nợ vẫn chưa thể thu hồi được, SMC phải tiếp tục trích lập dự phòng thêm theo quy định.
Tuy nhiên, với việc giảm trích lập dự phòng trong báo cáo tài chính mới công bố cho thấy khả năng SMC đã thu hồi được một phần công nợ, hoặc có thêm thông tin tích cực liên quan đến các khoản phải thu.
Dù có lãi trong năm 2024, SMC vẫn ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 201 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 441 tỷ đồng và tại thời điểm 31/3/2024, doanh nghiệp này ghi nhận lỗ luỹ kế 103 tỷ đồng, bằng 14% vốn điều lệ.
Năm 2025, SMC đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh với chỉ tiêu sản lượng tiêu thụ là 620.000 tấn thép các loại. Hãng thép này kỳ vọng mức lãi ròng năm 2025 là 30 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, Đầu tư Thương mại SMC được thành lập từ năm 1988, tiền thân là Cửa hàng Vật Liệu Xây Dựng số 15 thuộc trung tâm Bán buôn bán lẻ Vật liệu Xây dựng Miền Nam. Năm 2004, đơn vị này cổ phần hóa và chính thức hoạt động dưới tên gọi CTCP Đầu tư Thương mại SMC. Hai năm sau, công ty niêm yết tại HoSE với mã chứng khoán là SMC.
Lĩnh vực hoạt động chính của SMC là thương mại, gia công Coil Center và sản xuất các sản phẩm thép. Trong đó, thương mại thép (Thép xây dựng, thép tấm lá, thép hình, xà gồ) là lĩnh vực mũi nhọn, đóng góp tích cực về cả sản lượng và hiệu quả kinh doanh của công ty.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên ngày 28/4, cổ phiếu SMC đang giao dịch ở mức 9.090 đồng/cổ phiếu.
-
Thép SMC hiện đang kinh doanh ra sao?
CTCP Đầu tư Thương mại SMC - một hãng thép 37 tuổi tại TP.HCM, đang đối mặt với nhiều thách thức lớn khi cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo và khoản công nợ hơn nghìn tỷ từ các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa được thu hồi.
-
Hãng thép tại TP.HCM lên tiếng về việc cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo
Công ty CP Đầu tư thương mại SMC cho biết sẽ tiếp tục tích cực thực hiện các giải pháp về kinh doanh, thu hồi nợ đọng và xem xét tái cấu trúc doanh nghiệp trong thời gian tới để đem lại hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2025.
-
Năm 2024, doanh nghiệp này đã thông qua chuyển nhượng tòa nhà văn phòng tại địa chỉ 681 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Khu đất này có diện tích 329,5 m2, giá chuyển nhượng 170 tỷ đồng.








-
Một doanh nghiệp tôn mạ sắp chi hàng trăm tỷ trả cổ tức 10% tiền mặt
Tôn Đông Á sẽ chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 1.000 đồng.
-
Thép SMC hiện đang kinh doanh ra sao?
CTCP Đầu tư Thương mại SMC - một hãng thép 37 tuổi tại TP.HCM, đang đối mặt với nhiều thách thức lớn khi cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo và khoản công nợ hơn nghìn tỷ từ các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa được thu hồi....
-
Hãng thép tại TP.HCM lên tiếng về việc cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo
Công ty CP Đầu tư thương mại SMC cho biết sẽ tiếp tục tích cực thực hiện các giải pháp về kinh doanh, thu hồi nợ đọng và xem xét tái cấu trúc doanh nghiệp trong thời gian tới để đem lại hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2025....