Đầu tư Thương mại SMC thu hơn 300 tỷ đồng từ thương vụ bán cổ phiếu NKG, qua đó chấm dứt “mối lương duyên” 7 năm giữa hai hãng thép này.

Thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE), CTCP Đầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) đã đã bán toàn bộ hơn 13,1 triệu cổ phiếu NKG của CTCP Thép Nam Kim. Qua đó, giảm sở hữu tại NKG từ 4,98%, về 0% vốn điều lệ và chính thức không còn sở hữu cổ phiếu NKG.

Giao dịch thực hiện từ ngày 5/2 đến ngày 4/3. Trước đó, công ty thép có trụ sở tại TP.HCM này đăng ký thoái toàn bộ vốn tại Nam Kim để tái cơ cấu đầu tư tài chính.

Tạm tính theo giá giao dịch kết phiên 4/3 là 24.450 đồng/cp, ước tính SMC có thể thu về khoảng 320 tỷ đồng sau khi thoái toàn bộ vốn khỏi Nam Kim và lãi khá lớn sau giai đoạn dài nắm giữ.

Được biết, hãng thương mại thép lần đầu mua cổ phiếu NKG thông qua đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược vào tháng 9/2017. Tại thời điểm đó, SMC cho biết động thái này “nhằm tạo quan hệ” với Nam Kim.

Sau đó, khi ông Võ Hoàng Vũ rời SMC để sang Nam Kim trong năm 2019, doanh nghiệp này quyết định tăng tỷ trọng nắm giữ. Ngoài ra, Phó Chủ tịch SMC Nguyễn Ngọc Ý Nhi cũng đang là Thành viên HĐQT Nam Kim.

SMC thoái sạch vốn tại Nam Kim

Theo giới thiệu tại website, Đầu tư Thương mại SMC được thành lập từ năm 1988, tiền thân là Cửa hàng Vật liệu Xây dựng số 15 thuộc trung tâm Bán buôn bán lẻ Vật liệu Xây dựng Miền Nam.

Năm 2004, đơn vị này cổ phần hóa và chính thức hoạt động dưới tên gọi CTCP Đầu tư Thương mại SMC. Hai năm sau, công ty niêm yết tại HoSE với mã chứng khoán là SMC.

Lĩnh vực hoạt động chính của SMC là thương mại, gia công Coil Center và sản xuất các sản phẩm thép. Trong đó, thương mại thép (thép xây dựng, thép tấm lá, thép hình, xà gồ) là lĩnh vực mũi nhọn, đóng góp tích cực về cả sản lượng và hiệu quả kinh doanh của công ty.

Khác với các công ty cùng ngành, khi vừa tiêu thụ thị trường nội địa, vừa xuất khẩu, SMC chủ yếu tập trung vào thương mại trong nước, khách hàng là các công ty xây dựng, chủ đầu tư lớn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh áp lực lãi suất cao, dòng tiền bị thắt chặt, hàng loạt chủ đầu tư gặp khó về dòng tiền ngắn hạn để thực hiện nghĩa vụ trả lãi/gốc trái phiếu đáo hạn, trả tiền cho nhà thầu xây dựng, SMC đang đứng trước những khó khăn chưa từng có trong suốt lịch sử hơn 35 năm hoạt động.

Năm 2023 vừa qua, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu đạt 13.786 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế lỗ 919 tỷ đồng. Việc thua lỗ liên tục khiến khoản lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 31/12 âm 163 tỷ đồng.

Để duy trì hoạt động, tháng 10/2023, HĐQT SMC đã thống nhất thông qua chủ trương thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, nhân sự, tiết giảm tất cả các chi phí phát sinh.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê, vật dụng, kiến trúc trên đất tại SMC Bình Dương ở đường số 5, Khu công nghiệp Đồng An, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Khu đất có diện tích 6,197 m2, giá chuyển nhượng là 49 tỷ đồng.

Tới ngày 15/1/2024, doanh nghiệp này tiếp tiếp thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê và tài sản trên đất tại SMC Tân Tạo 2. Khu đất này ở Lô số 62 - 64 đường số 3, Khu công nghiệp Tân Tạo, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM với diện tích 9.096 m2.

Mức giá chuyển nhượng cho toàn bộ tài sản này là 126 tỷ đồng, đã bao gồm thuế VAT phần tài sản gắn liền với đất và máy móc thiết bị theo quy định của pháp luật.

Năm 2024, SMC lên kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu sản lượng tiêu thụ dự kiến ở mức 900.000 tấn thép các loại. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm tới là 80 tỷ đồng

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.