Đặt mục tiêu có lãi năm 2024
CTCP Đầu tư thương mại SMC (mã chứng khoán SMC) được thành lập từ năm 1988, tiền thân là Cửa hàng Vật liệu Xây dựng số 15 thuộc trung tâm Bán buôn bán lẻ Vật liệu Xây dựng miền Nam.
Năm 2004, đơn vị này cổ phần hóa và chính thức hoạt động dưới tên gọi CTCP Đầu tư Thương mại SMC. Hai năm sau, công ty niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) với mã chứng khoán là SMC.
Lĩnh vực hoạt động chính của SMC là thương mại, gia công Coil Center và sản xuất các sản phẩm thép. Trong đó, thương mại thép (thép xây dựng, thép tấm lá, thép hình, xà gồ) là lĩnh vực mũi nhọn, đóng góp tích cực về cả sản lượng và hiệu quả kinh doanh của công ty.
Đối với gia công Coil Center (gia công cắt, chặt, xả băng thép tấm cán nóng; gia công cắt, chặt xả băng thép lá cán nguội), SMC gia công thép và cung cấp ra thị trường.
SMC đặt mục tiêu lãi 80 tỷ đồng năm 2024
Mới đây, Hội đồng quản trị SMC đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với chỉ tiêu sản lượng tiêu thụ dự kiến ở mức 900.000 tấn thép các loại. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm tới là 80 tỷ đồng.
Kế hoạch trên được đưa ra trong bối cảnh hãng thép có trụ sở tại TP.HCM này vừa trải qua một năm kinh doanh khó khăn. Trong quý 3/2023, SMC ghi nhận doanh thu thuần giảm gần 45% so với cùng kỳ, xuống còn 3.141 tỷ đồng và lỗ sau thuế 178 tỷ đồng.
Dù đã giảm so với mức lỗ 219 tỷ đồng của quý 3/2022, nhưng gộp 9 tháng năm 2023, SMC lỗ 586 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ. Việc thua lỗ liên tục khiến khoản lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 30/9 âm 206 tỷ đồng.
Ngoài chuyện kinh doanh dưới giá vốn, việc phải trích lập dự phòng đẩy bức tranh tài chính của doanh nghiệp này thêm khó khăn.
Tại thời điểm cuối quý 3/2023, báo cáo tài chính thể hiện SMC đã trích lập dự phòng 272 tỷ đồng cho hơn 1.300 tỷ đồng nợ xấu. Thời gian tới, nếu công nợ vẫn chưa thể thu hồi được, doanh nghiệp này phải tiếp tục trích lập dự phòng thêm theo quy định.
Để duy trì hoạt động, ngày 18/10, Hội đồng quản trị SMC đã thống nhất thông qua chủ trương thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, nhân sự, tiết giảm tất cả các chi phí phát sinh.
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê, vật dụng, kiến trúc trên đất tại SMC Bình Dương ở đường số 5, KCN Đồng An, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Khu đất có diện tích 6,197 m2, giá chuyển nhượng dự kiến là 49 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của SMC. Nguồn: BCTC SMC
Giải trình về tình hình kinh doanh, ban lãnh đạo SMC cho biết quý 3 là mùa thấp điểm tiêu thụ ngành thép, đặc biệt năm nay sản lượng tiêu thụ và giá bán giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, bất động sản đóng băng, thị trường dân dụng sức mua yếu, giải ngân đầu tư công chưa thực sự tích cực trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm nên nhu cầu thép trong nước giảm sút đáng kể.
Cũng theo lãnh đạo SMC, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng do phải trích lập các khoản dự phòng… Công ty sẽ đề xuất những giải pháp tích cực để thu hồi các khoản nợ còn tồn đọng.
Dự kiến mua lại trái phiếu trước hạn
Bên cạnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024, HĐQT SMC cũng thông qua phương án mua lại trái phiếu trước hạn. Cụ thể, doanh nghiệp này dự kiến mua lại toàn bộ 200 trái phiếu, tương ứng giá trị 200 tỷ đồng.
Lô trái phiếu này là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo, được phát hành ngày 2/8/2021 và dự kiến đáo hạn ngày 2/8/2024.
Được biết, ngày dự kiến mua lại là ngày 2/2/2024, sau khi thỏa thuận được với người sở hữu trái phiếu và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của SMC đạt hơn 6.700 tỷ đồng, giảm 19% so với đầu năm. Trong đó, tiền và tiền gửi ngắn hạn ghi nhận 400 tỷ đồng, hàng tồn kho của công ty ở mức 1.256 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản với hơn 2.000 tỷ đồng và hầu hết là các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng.
Bên kia nguồn vốn, tổng nợ phải trả của SMC tại thời điểm cuối quý 3 ở mức 5.600 tỷ đồng, trong đó nợ đi vay là hơn 2.700 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch 29/12, cổ phiếu SMC đang ở mức 10.250 đồng/cp.
-
Sau khi thông qua chủ trương thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, nhân sự trong hệ thống, CTCP Đầu tư Thương mại SMC tiếp tục có động thái mới nhằm duy trì hoạt động của công ty.
-
Năm 2023, Pomina đặt kế hoạch doanh thu 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 150 tỷ đồng nhưng hãng thép có trụ sở tại Bình Dương lại tiếp tục lỗ kỷ lục sau 9 tháng đầu năm với mức lỗ lên tới 647 tỷ đồng.
-
Lỗ gần 600 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm cộng thêm khoản công nợ tồn đọng khó đòi từ các chủ đầu tư, CTCP Đầu tư Thương mại SMC buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân sự để duy trì hoạt động.
-
Lộ diện “trùm cuối” thua lỗ nặng nhất ngành thép, là hãng thép có tiếng tại Bình Dương, sở hữu 3 nhà máy công suất 2,6 triệu tấn/năm
9 tháng đầu năm 2024, Công ty CP Thép Pomina báo lỗ sau thuế hơn 791 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 647 tỷ đồng. Đây cũng là mức lỗ nặng nhất trong số các doanh nghiệp thép đã công bố báo cáo tài chính quý 3 tính đến thời điểm hiện tại....
-
Nhà sản xuất thép lớn nhất Hàn Quốc bất ngờ đóng cửa 1 nhà máy sau hơn 45 năm hoạt động
Trong một động thái bất ngờ, nhà sản xuất thép Hàn Quốc POSCO đã đóng cửa một nhà máy sản xuất thép cuộn ở thành phố Pohang, sau hơn 45 năm hoạt động.
-
Hãng thép 50 năm tuổi tại miền Nam sắp được rót thêm vốn để xây nhà máy tại Đồng Nai, quy mô dự án gấp 2,6 lần vốn chủ
Dự án nhà máy sản xuất thép cán xây dựng, bổ sung công đoạn luyện phôi thép với công suất 150.000 tấn/năm của Thép Nhà Bè được xây dựng tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 - Nhơn Phú, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai....