21/04/2022 2:21 PM
Ít nhất 10 công ty bất động sản lớn tại Trung Quốc đã trễ hạn công bố báo cáo tài chính năm 2021. Ngoài ra, 2 trong số 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới là EY và PwC đã hủy hợp đồng với một số nhà phát triển, khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng.

Nhiều tập đoàn bất động sản lớn tại Trung Quốc đã trì hoãn công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2021. Điều này khiến các nhà đầu tư lo lắng rằng những tập đoàn này đang gặp những vấn đề tiềm ẩn và phải vật lộn để trả nợ.

Mặt khác, việc trì hoãn có thể giúp các nhà đầu tư có cái nhìn rõ ràng hơn về việc nhà phát triển nào có khả năng vượt qua khủng hoảng.

Thời hạn công bố cho năm tài chính 2021 đáng lẽ ra phải diễn ra trước ngày 31/3, song có ít nhất 10 tập đoàn lớn đã trễ hạn và sàn chứng khoán Hong Kong đã phản ứng bằng cách tạm dừng giao dịch của họ.

Tác động từ đại dịch Covid-19

Các tập đoàn lớn bao gồm China Evergrande Group, Kaisa, Ronshine China, Shimao Group và Guangzhou R&F Properties, đã đổ lỗi cho sự bùng phát dịch bệnh Omicron trên khắp các thành phố lớn ở Trung Quốc dẫn đến sự chậm trễ này.

Ví dụ, Thượng Hải đang trải qua một đợt phong tỏa trên toàn thành phố, trong khi Thâm Quyến vừa mới thoát khỏi một đợt phong tỏa diện rộng.

Tuy nhiên, đây có thể không phải là lý do duy nhất, hoặc thậm chí không phải lý do chính. Trước ngày 31/1, EY và PwC, 2 trong số những công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, đã hủy hợp đồng kiểm toán với một số nhà phát triển lớn của Trung Quốc. Một số tập đoàn khác đã thay thế đơn vị kiểm toán giữa chừng bằng các đơn vị bé và kém uy tín hơn.

Xu Tianchen, chuyên gia kinh tế tại Economist Intelligence Unit (EIU) cho biết: “Tranh chấp với kiểm toán viên về tài khoản và thời gian kéo dài thêm trong việc thay thế kiểm toán viên là những lý do chính dẫn đến việc trễ hạn công bố báo cáo tài chính”.

PwC đã từ chối bình luận về các vấn đề của khách hàng.

“Một yếu tố quan trọng hơn dẫn đến sự chậm trễ có thể là sự thiếu minh bạch đối với các tập đoàn đó, đặc biệt là liên quan đến các khoản nợ của họ, điều này sẽ làm phức tạp quá trình hạch toán”, Kristy Hung, nhà phân tích cấp cao về bất động sản Trung Quốc tại Bloomberg Intelligence cho biết.

Rủi ro từ việc thay đổi kiểm toán viên

“Đối với các nhà đầu tư, việc trễ hạn công bố báo cáo tài chính không phải là một dấu hiệu tốt, đặc biệt nếu nó là do các kiểm toán viên đã hủy hợp đồng”, Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao tại Natixis CIB cho biết.

“Kết quả kiểm toán bị trì hoãn phản ánh xu hướng phân cực tín dụng đang diễn ra, nghĩa là điều tốt nhất đang tốt hơn và điều tồi tệ nhất đang tệ hơn. Mặc dù các cơ quan quản lý đã nới lỏng một số chính sách đối với bất động sản, nhưng nhiều tập đoàn lớn sử dụng đòn bẩy tài chính cao sẽ giảm khả năng thanh toán, đó là cốt lõi của vấn đề hiện tại. Các nhà đầu tư có thể có cái nhìn bi quan hơn về quản trị công ty, tính minh bạch và điều kiện thanh khoản đối với các công ty không thể công bố báo cáo tài chính của mình đúng hạn”, ông nói thêm.

Theo dữ liệu của EIU, các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc sắp phải trả khoản nợ hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ (157 tỷ USD) trong năm nay, bao gồm trái phiếu USD, trái phiếu trong nước và các khoản nợ khác.

Tăng trưởng đầu tư chậm lại

Third Bridge, một công ty nghiên cứu đầu tư, dự đoán tăng trưởng đầu tư bất động sản sẽ tiếp tục giảm ở Trung Quốc cho đến cuối năm 2022 hoặc thậm chí là tới nửa đầu năm 2023. Doanh số bán bất động sản đang giảm trên khắp Trung Quốc.

“Các chuyên gia của chúng tôi cho rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp bất động sản vỡ nợ, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2022”, Li Hemin, chuyên gia tại Third Bridge nói.

Các cơ quan xếp hạng bao gồm Moody's và Fitch Ratings cho biết việc chậm nộp kết quả kiểm toán là tín hiệu tiêu cực đối với các nhà phát triển này, vì nó làm tăng lo ngại về quản trị công ty và tính minh bạch tài chính, đặc biệt nếu có liên quan đến việc một công ty kiểm toán hủy hợp đồng gần thời hạn công bố báo cáo.

“Việc không công bố kết quả kiểm toán sẽ tiếp tục khiến các nhà đầu tư chìm trong bóng tối. Việc xác định hai tài khoản quan trọng - số tiền mặt và nợ mà các nhà phát triển có trong năm - là rất quan trọng để đánh giá tính thanh khoản và khả năng thanh toán của họ”, Kristy Hung, nhà phân tích cấp cao về bất động sản Trung Quốc tại Bloomberg Intelligence cho biết.

Bloomberg dự đoán mức sụt giảm doanh thu theo hợp đồng rơi vào khoảng 40% -50% đối với 100 nhà phát triển hàng đầu của Trung Quốc có thể kéo dài đến giữa năm nay.

Các quy định vẫn là chìa khóa giải quyết vấn đề

Từ quý IV/2021, chính quyền Bắc Kinh đã nới lỏng một số quy định đối với lĩnh vực bất động sản, chẳng hạn như nới lỏng dòng vốn tín dụng cho các nhà phát triển đang gặp khủng hoảng nợ. Một số thành phố của Trung Quốc gần đây cũng đã cố gắng thúc đẩy nhu cầu bằng cách nới lỏng các hạn chế mua và cho vay đối với người mua nhà.

“Các tác động cơ bản có thể trở nên thuận lợi hơn trong nửa cuối năm. Đến lúc đó, tác động của các biện pháp nới lỏng đang bắt đầu được thực hiện sẽ được cảm nhận rõ ràng hơn. Tóm lại, có nhiều khả năng lĩnh vực bất động sản sẽ trở nên tích cực hơn trong nửa cuối năm mặc dù triển vọng ngắn hạn vẫn còn mờ mịt”, Shern-Ling Koh, giám đốc danh mục đầu tư tại Principal Real Estate Investors choa biết

“Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên vì áp lực mà lĩnh vực này đang phải chịu đã có từ năm ngoái. Các nhà đầu tư nên theo dõi cách một số tập đoàn cơ cấu lại hoặc sàn giao dịch nợ sẽ được cấu trúc như thế nào, đặc biệt là sự khác biệt giữa cơ cấu lại nợ trong nước và nước ngoài vì điều này có thể tạo ra phần bù rủi ro xung quanh khả năng của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang khai thác thị trường trái phiếu nước ngoài”, ông nói thêm.

Ngày 6/4, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã công bố dự thảo luật về ổn định tài chính nhằm thiết lập một quỹ bình ổn giá và một hệ thống hợp tác giữa các cơ quan quản lý tài chính và chính quyền địa phương để quản lý rủi ro tài chính của đất nước.

Thị trường cũng sẽ theo dõi chặt chẽ vai trò của các doanh nghiệp nhà nước, công ty quản lý tài sản và công ty bảo hiểm để xem liệu họ có đóng vai trò tích cực hơn trong việc mua bất động sản và hỗ trợ tái cơ cấu một số nhà phát triển đang gặp khó khăn này hay không.

Các nhà chức trách cũng có thể công bố những biện pháp mới để cải thiện nguồn tài chính cho một số nhà phát triển nhất định, chẳng hạn như cho vay ngân hàng hoặc thậm chí mở cửa bán trái phiếu trở lại.

Anh Nguyễn (Asian Investor)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.