06/01/2023 9:14 AM
Trong khi giá thép bắt đầu phục hồi trong khoảng hai tháng trở lại đây thì giá các mặt hàng vật liệu xây dựng (VLXD) khác được dự báo sẽ không có nhiều biến động lớn trong năm 2023.

Năm 2022, vật liệu xây dựng, xăng dầu và lãi suất ngân hàng là ba yếu tố khiến công tác điều hành giá gặp nhiều khó khăn. Trong đó, giá các loại VLXD liên tục biến động khi chịu ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng. Với việc sắt thép, xi măng, sơn nước, gạch, đá… tăng giá chóng mặt đã kéo theo chi phí xây dựng các công trình nhà ở bị đội giá, khiến nhiều người bị vỡ kế hoạch xây nhà.

Bộ Xây dựng cho rằng giá các mặt hàng VLXD trong năm 2023 không có biến động lớn, cơ bản phù hợp với thị trường

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nhà ở và VLXD năm 2022 tăng 3,11% so với năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào.

Bước sang năm 2023, diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Các chuyên gia cho rằng, giá nhiên, nguyên vật liệu nhiều khả năng đã đạt đỉnh trong năm 2022 và sẽ giảm trong năm 2023.

Thép rục rịch tăng giá

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá sắt thép trên thế giới đã bước vào giai đoạn phục hồi và đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể, sau một thời gian dài liên tục lao dốc trước hàng loạt sức ép từ vĩ mô đến bài toán về nhu cầu, giá mặt hàng sắt thép đã bắt đầu tăng trở lại trong khoảng 2 tháng trở lại đây.

Cùng chung xu hướng đó, giá mặt hàng thép xây dựng trong nước cũng đang ghi nhận những biến động đáng chú ý sau gần 2 tháng đi ngang. Theo đó, đến đầu tháng 12.2022, các thương hiệu thép trong nước như Hòa Phát, Việt Ý, Pomina… đã có động thái điều chỉnh giá bán, song các đợt tăng/giảm không đồng nhất.

Giá mặt hàng sắt thép đã bắt đầu tăng trở lại trong khoảng 2 tháng trở lại đây

Cụ thể, thương hiệu thép Hòa Phát đã tăng giá mạnh sản phẩm thép cuộn CB240 thêm 200.000 đồng/tấn, lên mức 14,74 triệu đồng/tấn và thép thanh vằn D10 CB300 tăng 380.000 đồng/tấn, lên thành 15,02 triệu đồng/tấn tại khu vực miền Bắc.

Tại khu vực miền Nam, thép Hòa Phát cũng thông báo tăng 350.000 đồng/tấn và 190.000 đồng/tấn, giá hai loại thép trên. Như vậy, giá thép xây dựng mới nhất trong ngày 5.1.2023 của Hòa Phát lần lượt ở mức 14,71 triệu đồng/tấn và 14,76 triệu đồng/tấn.

Tương tự tại miền Trung, giá thép cuộn CB240 của thương hiệu này cũng tăng 350.000 đồng/tấn, lên 14,66 triệu đồng/tấn và thép D10 CB300 tăng 210.000 đồng/tấn lên 15,01 triệu đồng/tấn.

Cùng có điều chỉnh tăng giá bán trong giai đoạn này còn có các thương hiệu như Thép miền Nam, Việt Nhật, Việt Đức, Thép Thái Nguyên… với mức tăng khoảng 100.000-200.000 đồng/tấn. Hiện giá thép xây dựng trong những ngày đầu năm 2023 đang dao động trong khoảng 14,7-16 triệu đồng/tấn, tùy loại thép và thương hiệu.

Xi măng bình ổn

Tại cuộc họp cuối năm của Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho rằng, giá các mặt hàng VLXD trong năm 2023 không có biến động lớn, cơ bản phù hợp với thị trường.

Cụ thể với xi măng, sau khi ghi nhận ba đợt tăng giá trong năm 2022 với tổng mức tăng từ 220.000 - 270.000 đồng/tấn, đến nay mặt hàng này vẫn giữ nguyên giá bán so với lần tăng giá gần nhất hồi tháng 6.2022 vừa qua.

Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho rằng, giá xi măng trong nước phụ thuộc phần lớn vào giá nguyên nhiên liệu đầu vào. Tuy nhiên, có đến gần hai phần ba lượng than dùng trong sản xuất xi măng phải nhập khẩu, do đó giá thành sản xuất xi măng tại Việt Nam phụ thuộc lớn vào giá than trên thị trường quốc tế.

Hiện giá bán xi măng trong nước đang có sự chênh lệch theo khu vực khi giá xi măng ở miền Nam đang ở mức tương đối cao, ở mức 1,7 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá bán xi măng tại khu vực miền Bắc dao động trong khoảng 13,2-16 triệu đồng/tấn tùy thương hiệu và loại xi măng.

VNCA cho biết, thời gian tới, một số thương hiệu xi măng có thể đưa ra các chính sách hỗ trợ, chiết khấu thương mại để thúc đẩy quá trình bán hàng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp tiếp tục cho ra các nhãn mới giá rẻ để giảm giá bán một cách công khai.

Năm 2023 dự kiến nhiều dự án đầu tư công có quy mô lớn khởi công, hoạt động xây dựng cũng diễn ra sôi động hơn, dẫn đến nhu cầu VLXD tiêu thụ mạnh

Cát, đá xây dựng nhiều biến động

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, năm 2022, giá nhựa đường ghi nhận tăng mạnh tới 23,52% so với năm 2021. Trong khi đó, giá các loại vật liệu khai thác (đất, đá, cát) cũng có nhiều biến động do tình trạng khan hiếm nguồn cung và do giá xăng, dầu tăng tác động đến các chi phí khai thác, vận chuyển các loại vật liệu này. Cụ thể, giá đá xây dựng tăng 7,2% so với năm 2021; giá cát xây dựng có xu hướng tăng nhẹ với mức tăng bình quân 1,51% hàng tháng.

Bước sang năm 2023, Thứ trưởng Bộ Xây dựng bày tỏ lo ngại khả năng giá các loại vật liệu khác như nhựa đường, đất, cát, đá xây dựng… sẽ có nhiều biến động khi dự kiến có nhiều dự án, công trình khởi công trong thời gian tới.

Năm 2023 dự kiến nhiều dự án đầu tư công có quy mô lớn khởi công, hoạt động xây dựng cũng diễn ra sôi động hơn, dẫn đến nhu cầu về sắt thép, xi măng... tiêu thụ mạnh. Trong khi đó, các loại vật liệu khai thác như cát, đá, đất đắp vẫn tiếp tục vướng mắc về nguồn cung do nhu cầu tăng cao.

Bộ Xây dựng dự báo trong thời gian tới, thị trường VLXD vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến biến động giá vật liệu. Đặc biệt, một số loại vật liệu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến động giá nguyên liệu trên thế giới như thép, nhựa đường và các vật liệu khai thác cát, đá, đất đắp.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.