30/10/2020 9:22 AM
Là đầu mối giao thông quan trọng của khu vực Đông Nam bộ, tỉnh Đồng Nai đang triển khai hơn 1.000 dự án (DA), trong đó, có nhiều DA về hạ tầng giao thông để tạo đà phát triển kinh tế - xã hội.

Thi công dự án Khu dân cư Bình Sơn, huyện Long Thành Ảnh: Văn Phong

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tỉnh ban hành khung giá đất mới, đặc biệt giá đất nông nghiệp tại nhiều khu vực tăng 3- 4 lần so với trước, khiến nhiều DA đội vốn, gặp khó trong công tác hỗ trợ, bồi thường và giải phóng mặt bằng.

Hàng loạt dự án đội vốn

DA kè đường ven sông Cái với mức đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng, là công trình trọng điểm được kỳ vọng làm thay đổi diện mạo đô thị của TP Biên Hòa và tạo sự kết nối các tuyến giao thông với các tỉnh bạn. DA triển khai giữa lúc giá đất ở những khu vực giải tỏa tăng cao, từ 20 - 30 triệu đồng/m2, nhưng giá đền bù của nhà nước chỉ bằng khoảng 70%, nên khâu đền bù giải phóng mặt bằng của DA bị chậm 2 năm.

Trước tình hình này, tỉnh Đồng Nai buộc phải điều chỉnh mức đầu tư lên 3.900 tỷ đồng. Tương tự, DA đường trục trung tâm TP Biên Hòa có mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng thì nay được điều chỉnh lên 3.100 tỷ đồng. Các DA đang thực hiện như hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thị trấn Long Thành, nâng cấp mở rộng đường Bùi Văn Hòa (TP Biên Hòa), hồ Gia Ui 2 cũng sẽ tiếp tục tăng vốn đầu tư nhưng với giá đất mới, số vốn chí ít cũng tăng vài chục tỷ đồng.

Trong vai người có nhu cầu mua đất ở, chúng tôi đến văn phòng môi giới bất động sản T.X (tọa lạc tại TP Biên Hòa) để hỏi về giá đất nền tại các DA đang được rao bán trên địa bàn và được một nhân viên đưa bảng giá DA Khu dân cư tại Trảng Bom do Công ty TNHH P.M làm chủ đầu tư. Công ty đang rao bán hơn 20 lô đất nền, mỗi lô có diện tích từ 100m2 - 200m2 với mức giá từ 12,5 triệu đồng/m2 đến 38 triệu đồng/m2 . Nhân viên cho biết thêm, giá đất nông nghiệp tại huyện Trảng Bom do nhà nước ban hành tăng từ 2,2 đến 3 lần nhưng giá thị trường có thể gấp 10 lần.

Giá đất tăng thì doanh nghiệp khi có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất, thuê đất, đóng phí, lệ phí trong sử dụng đất đều chịu mức thuế cao hơn so với trước đây rất nhiều. Công ty cũng không quá lo lắng vì giá bán nền đất sẽ bù vào khoản chi phí phát sinh, nhưng người mua sẽ cân nhắc kỹ và các nhà đầu tư sẽ dễ bỏ cuộc.

Đa số các DA được quy hoạch trên đất nông nghiệp buộc phải thu hồi đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng do từ đầu năm 2020, giá đất tăng khiến nhiều DA đội vốn, buộc các chủ đầu tư phải điều chỉnh kinh phí.

Khó thu hồi đất

Trong năm 2020, tỉnh Đồng Nai sẽ thu hồi thêm cho 145 DA mới lên tới hơn 700ha, nâng tổng diện tích cần phải thu hồi là hơn 18.000ha để triển khai 1.175 DA. Trong số này, có hơn 60% DA thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật là đường giao thông, khu dân cư, công trình thủy lợi. Phần lớn diện tích đất phải thu hồi nằm trên địa bàn TP Biên Hòa và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu. Điều đáng lo ngại là giá đất thị trường tại các khu vực giải tỏa cao hơn nhiều so với đơn giá nhà nước, nên việc thu hồi khó nhận được sự đồng thuận của người dân.

Ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, TP Biên Hòa có 215 DA với 677ha thuộc diện thu hồi trong năm 2020 tại các phường Tam Phước, Phước Tân, Trảng Dài, xã Hóa An (tiếp giáp với thị xã Dĩ An, Bình Dương). Đất thổ cư diện tích 100m2 có sổ riêng được một sàn giao dịch rao bán với giá 1,2 tỷ đồng và cao nhất là tại nhiều tuyến đường nằm trong khu vực trung tâm của TP Biên Hòa (như Phạm Văn Thuận, Đồng Khởi, Nguyễn Ái Quốc...) giá nhà đất cũng không ngừng “nhảy múa” với mức giá dao động từ 60-80 triệu đồng/m2.

Theo các chuyên gia bất động sản, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên giá đất có phần chững lại, chỉ tăng ở các khu vực đông dân, có nhu cầu thanh khoản cao ở TP Biên Hòa, huyện Long Thành, Nhơn Trạch gắn với các tuyến đường giao thông lớn như cao tốc TPHCM - Long Thành, dự án hạ tầng trọng điểm sân bay Long Thành... Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết thêm, trong năm 2020, tổng nguồn vốn đầu tư công của tỉnh gần 13.900 tỷ đồng, trong đó, hơn 6.700 tỷ đồng dành cho DA thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành.

Số tiền còn lại được tỉnh phân bổ cho hàng trăm DA, trong đó, ưu tiên các công trình trọng điểm, nếu tăng vốn đầu tư sẽ được UBND tỉnh xem xét cân đối, bổ sung. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương phải rà soát thật kỹ và tính toán đầy đủ, đồng thời dự báo nhu cầu phát triển trong 10 năm tới để tiến hành điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp; tránh quy hoạch quá nhiều DA nhưng không triển khai được sẽ dẫn đến phải hủy bỏ.

  • Đồng Nai: Cưỡng chế 8 công trình xây dựng trái phép trên đất nông lâm nghiệp

    Đồng Nai: Cưỡng chế 8 công trình xây dựng trái phép trên đất nông lâm nghiệp

    Từ ngày 27 đến ngày 28/10, lực lượng chức năng của phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành việc thực hiện cưỡng chế, bắt buộc khôi phục lại hiện trạng đối với 8 công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp tại khu phố Vườn Dừa, Tân Mai, Tân Cang, Tân Lập thuộc địa bàn của phường Phước Tân.

Hoàng Bắc (Sài Gòn Giải Phóng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.