Muốn mua một lô đất thổ cư nên anh Quang (Thanh Xuân) lên mạng tìm kiếm thông tin và thấy một tin rao có nội dung "cần tiền chữa bệnh bán lô đất...". Thấy vậy, khách hàng này kỳ vọng bên bán đang cần tiền nên có thể mức giá bán sẽ mềm và giao dịch sẽ nhanh hơn. Tuy nhiên, khi anh gọi điện đến số điện thoại trên mẩu tin để hỏi về lô đất thì được biết người đăng tin chỉ là một nhân viên môi giới của sàn giao dịch bất động sản.
"Nghe đến đó, tôi hỏi tiếp để xác thực thông tin về lô đất thì anh ta chỉ nói sơ sơ. Về việc bán đất chữa bệnh, nhân viên này cũng cho biết không có, đó chỉ là tin rao để câu khách", anh Quang kể lại.
Tiếp tục tìm kiếm thông tin trên mạng thì khách hàng này còn thấy rất nhiều mẩu tin rao bán cùng một lô đất đó nhưng được nhân viên này đăng tải với các nội dung khác nhau. "Anh ta thường dẫn các lý do bán nhà rất sốc như sắp vỡ nợ, nợ nần chồng chất, sắp xuất ngoại... Không chỉ riêng trường hợp này, trên mạng cũng có rất nhiều tin rao kiểu như vậy", anh Quang cho hay.
Tin rao bán nhà đất với các nội dung như cần tiền chữa bệnh, sắp vỡ nợ... xuất hiện nhiều. Ảnh chụp màn hình.
Gần đây, anh Chí (Hoàng Mai) cũng gặp một câu chuyện tương tự khi tìm mua một lô đất ở ngoại thành để làm trang trại. "Rất nhiều tin rao vỡ nợ hoặc cần tiền chữa bệnh nên cần bán đất. Tôi tưởng đó là chính chủ đăng tải nên liên hệ thì được biết hầu hết là môi giới. Khi họ dẫn đi xem và được gặp chủ nhà thì tôi mới được biết là họ chẳng có bệnh tật hay nợ nần gì cả", khách hàng này cho hay.
Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc sàn Bất động sản Gia Long, Hà Đông cho biết, thực tế, thông tin rao bán nhà đất trên mạng chỉ có khoảng 10% là chính chủ đăng tải, còn lại hầu hết là môi giới. Do đó, để sản phẩm của mình rao bán gây được sự chú ý thì môi giới đôi khi nghĩ ra những quảng cáo sốc.
Tuy nhiên, theo vị giám đốc sàn, cách này thường chỉ được những môi giới nhỏ lẻ áp dụng để rao bán bất động sản ở khu vực ven đô, thanh khoản kém, ít giao dịch, thậm chí đăng tin cả năm vẫn không bán được.
"Tin rao cho thấy người bán đang rất cần tiền sẽ khiến người mua cảm giác giá rẻ, dễ giao dịch hơn", ông Trường cho hay.
Về hiệu quả của những cách rao bán nhà đất kiểu này, theo vị giám đốc sàn cũng có đôi phần tác dụng vì gây được chú ý giữa rất nhiều tin đăng tải hằng ngày. "Tuy nhiên, khách hàng gọi điện để tìm hiểu thông tin về sản phẩm tăng không có nghĩa là sẽ giao dịch được nhanh hơn. Yếu tố quan trọng vẫn là vị trí, giá cả và nhu cầu của người mua ra sao. Với những khu vực thanh khoản quá kém thì đôi khi cách này vẫn không mấy khi phát huy tác dụng vì không tìm được khách có nhu cầu giao dịch", ông Trường nói.
-
Giám đốc phân lô bán hàng nghìn nền đất “ma" ở Phú Quốc
Công an Phú Quốc đã bắt giữ nhóm người phân lô, bán nền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai ở Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
-
Bỏ 17 tỉ đồng mua nhà, nhưng khi nhận bàn giao chỉ biết “chết lặng”
Cách đây 2 năm, một người phụ nữ tên Zhang tại Trung Quốc đã chi 5 triệu nhân dân tệ (hơn 17 tỉ đồng) để mua một căn nhà ở Định Kiều, Hàng Châu. Tuy nhiên, cô đã “chết lặng” khi căn nhà quá khác xa quảng cáo....
-
Bất động sản và những cú lừa ngoạn mục
Thị trường bất động sản (BĐS) được xem là “mỏ vàng” cho các nhà đầu tư. Nhưng mặt trái của thị trường này là sự phức tạp, tính rủi ro cao và là miếng mồi béo bở cho những kẻ đầu cơ, trục lợi. Nhiều người chạy theo cơn sốt của thị trường BĐS, nhưng do...