Những chiêu trò này còn được hỗ trợ bởi hàng loạt các cơ quan tài chính, chính quyền tại các địa phương, các nhà đầu tư hám lợi và nhiều người trong cuộc. Chỉ đến khi chính quyền trung ương Trung Quốc vào cuộc, nguy cơ vỡ nợ của Evergrande mới bại lộ.
Evergrade đã báo cáo hơn 300 tỷ đô la nợ phải trả, bao gồm 89 tỷ đô la vay nợ. Tập đoàn này được cho là đã che giấu các khoản nợ của mình bằng các thỏa thuận tài chính phức tạp và đã thực hiện việc mua lại cổ phần rộng rãi bất chấp mức nợ tăng cao. Việc mua lại làm tăng giá cổ phiếu của Evergrande, khiến việc đặt cược vào thị trường cổ phiếu nói chung trở nên rủi ro.
Evergrande có thể tránh vỡ nợ bằng việc bán tài sản, nhận các khoản rót vốn hoặc gói cứu trợ của chính phủ, mặc dù điều cuối cùng có vẻ khó xảy ra. Một công ty con về quản lý bất động sản của Evergrande hôm thứ Hai cho biết họ đang là mục tiêu của một thương vụ thu mua, dự kiến mang lại hàng tỷ đô la tiền mặt cho công ty mẹ giữa lúc nước sôi lửa bỏng.
Sự bao che của cơ quan chức năng
Năm 2012, Andrew Left, một chuyên gia bán khống nổi tiếng, tuyên bố rằng Evergrande đã vỡ nợ. Ông cho biết Evergrande đã sử dụng "ít nhất sáu trò kế toán tai quái" để che giấu các vấn đề tài chính. Ở thời điểm đó, Evergrande đã phủ nhận các cáo buộc.
Cơ quan quản lý thị trường chứng khoán của Hồng Kông là Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai (SFC) đã đứng ra bảo vệ Evergrande. Cơ quan này đã đệ đơn tố tụng dân sự đầu tiên chống lại một người bán khống, cáo buộc ông Left đã lan truyền thông tin sai lệch và gây hiểu lầm về Evergrande.
Ông Left đã bị cấm giao dịch ở Hồng Kông trong 5 năm và bị yêu cầu tiêu hủy 1,6 triệu đô la Hồng Kông, tương đương với 206.000 đô la, lợi nhuận mà ông kiếm được từ việc bán khống cổ phiếu niêm yết của Evergrande tại Hồng Kông. Ông Left cho biết ông cũng đã trả khoảng 2,5 triệu đô la chi phí pháp lý.
Ông Left nói rằng tình trạng hỗn loạn hiện tại của Evergrande không có gì đáng ngạc nhiên: “Khi bạn cố gắng bịt miệng những người chỉ trích mình, đây là điều sẽ xảy ra. Tôi đã luôn mong đợi sự thật này được công khai”.
SFC từ chối bình luận về các tuyên bố trước đó của mình sau phán quyết chống lại ông Left vào năm 2016. Trong đó, SFC chỉ trích ông Left “đã đưa ra những cáo buộc một cách thiếu thận trọng hoặc thiếu hiểu biết về các chuẩn mực kế toán Hồng Kông và không kiểm tra chúng với một chuyên gia kế toán hoặc tìm kiếm ý kiến từ Evergrande”.
Trước đó, công ty xếp hạng tín dụng Moody’s Investors Service đã đếm được bảy dấu hiệu đỏ về tài chính tại Evergrande trong một báo cáo năm 2011. Moody’s đã nói về sự tăng trưởng tích cực của Evergrande và dòng tiền tự do của doanh nghiệp này âm quá lớn. SFC sau đó cũng chỉ trích báo cáo của Moody’s có lỗi về toán học và dữ liệu đầu vào. Moody’s cuối cùng phải nộp phạt 11 triệu đô la Hồng Kông (1,4 triệu đô la).
Bất chấp những dấu hiệu cảnh báo đỏ, Moody’s - cũng như các công ty xếp hạng tín dụng khác là S&P Global Ratings và Fitch Ratings - chỉ bắt đầu hạ xếp hạng tín dụng của Evergrande vào mùa hè năm nay khi tình hình tài chính của Evergrande trở nên tồi tệ một cách nhanh chóng.
Moody’s nói rằng họ đã thay đổi triển vọng xếp hạng của Evergrande thành tiêu cực hơn một năm trước “để báo hiệu cho thị trường về tình hình tài chính và thanh khoản của Evergrande sẽ xấu đi”. Moody’s cho biết họ đã hạ cấp Evergrande khi điều kiện tài chính của tập đoàn này trở nên tồi tệ. Fitch thì nói rằng họ đã đánh giá tình trạng đầu cơ cao của Evergrande trước khi hạ xếp hạng.
Theo báo cáo năm 2016 của Nigel Stevenson đến từ GMT Research, một công ty nghiên cứu kế toán tập trung vào thị trường châu Á, Evergrande đã sử dụng các phương pháp kế toán bất thường để có thể phóng đại giá trị tài sản của mình. Tập đoàn này đã báo cáo khoảng 400.000 điểm đỗ xe không sử dụng trong sổ sách kế toán nhưng lại xếp chúng vào mục đầu tư, khiến định giá chúng tăng lên ở mức 20.000 USD mỗi điểm.
Ông lập luận rằng các điểm đỗ xe nên được coi là hàng tồn kho. Ông ước tính rằng các tài sản này có thể chỉ có giá bằng một nửa trong sổ sách, giúp Evergrande có thể vay nợ thêm hàng tỷ đô la.
“Evergrande là nhà phát triển lớn duy nhất áp dụng phương pháp này”, ông cho biết.
Ông Stevenson nói rằng không có gì thay đổi về cơ bản với bức tranh tài chính vừa được công khai gần đây của Evergrande. Ông nói: “Nhiều vấn đề đã trở nên lớn hơn kể từ khi chúng tôi viết báo cáo ban đầu”.
“Con cưng” của chính quyền địa phương
Evergrande cũng có các đồng minh mạnh mẽ trong các chính quyền địa phương ở Trung Quốc, vốn phụ thuộc vào việc bán đất để tạo ra doanh thu. Theo China Index Academy, một nhà cung cấp dữ liệu bất động sản, Evergrande đã chi số tiền tương đương hơn 13 tỷ USD để mua đất vào năm 2020, khiến tập đoàn này trở thành một trong những doanh nghiệp thu mua nhiều đất nhất trong năm đó.
Evergrande đã khởi động hàng trăm dự án tại các thành phố trên khắp Trung Quốc, thường là một phần của các thỏa thuận với chính quyền địa phương, vốn mong muốn tạo ra doanh thu và việc làm cho người dân. Theo cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện tại thành phố Zigong thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Evergrande đã bán những căn hộ được chính phủ trợ giá theo hình thức bán nhà ở hình thành trong tương lai. Phương tiện truyền thông địa phương đưa tin, nhà máy xe điện ở thành phố Lu'an và công viên nước ở tỉnh Sơn Đông là lời hứa hẹn về cách Evergrande sẽ đóng góp nguồn thu thuế hàng năm cho chính quyền địa phương.
Các nhà đầu hám lợi trở thành thiêu thân lao vào lửa
Một số nhà đầu tư biết rủi ro nhưng đánh giá cao Evergrande vì mức lãi suất hào phóng mà công ty này trả cho các khoản nợ bằng đô la, dao động từ 7,5% đến gần 14% trong vài năm qua. Một nhà đầu tư ở Hồng Kông đã giao dịch trái phiếu Evergrande trong thập kỷ qua cho biết mỗi lần giao dịch trị giá từ 20 đến 80 triệu USD.
“Tôi biết về những dấu hiệu đỏ, đây là một trong những công ty sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính nhất. Nhưng đây là một trong những trái phiếu có lợi suất cao nhất trên thị trường”, anh nói.
Cho đến rất gần đây, đặt cược vào cổ phiếu của Evergrande mới trở nên vô cùng rủi ro. Người sáng lập kiêm Chủ tịch của Evergrande, Hui Ka Yan và vợ ông kiểm soát ba phần tư số cổ phiếu đang lưu hành của công ty. Nhờ đó, họ sẽ dễ “thổi giá” cổ phiếu của Evergrande do có khá ít cổ phiếu của tập đoàn được giao dịch trên thị trường.
Trong một tháng năm ngoái, Evergrande đã chi 100 triệu đô la để mua lại cổ phiếu, giúp đẩy giá cổ phiếu tăng hơn 20% và giá trị thị trường của Evergrande tăng thêm 5 tỷ đô la.
Cuối năm 2016, Evergrande cũng đã khởi động một trong những kế hoạch huy động vốn đầy tham vọng và mạo hiểm nhất của mình. Theo một kế hoạch sáp nhập ngược phức tạp, Evergrande đã tìm cách niêm yết một công ty con chủ chốt tại thị trường chứng khoán ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc. Nhờ tham gia vào quá trình tái tổ chức công ty này, Evergrande đã tiếp tục huy động được khoảng 20 tỷ đô la thông qua các đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Tuy nhiên, nếu Evergrande không hoàn thành thương vụ sáp nhập ngược vào đầu năm nay, các nhà đầu tư đã có thể lấy lại tiền của họ.
Trong nhiều năm, các nhà chức trách Trung Quốc đã từ chối thông qua thương vụ này. Vào cuối năm 2020, những nghi ngại về việc các nhà đầu tư nói trên buộc Evergrande phải trả lại tiền đã làm cổ phiếu và trái phiếu của tập đoàn này giảm giá.
Evergrande đã tìm cách ngăn chặn tình huống xấu nhất bằng cách đạt được thỏa thuận với hầu hết các nhà đầu tư lớn để không bị yêu cầu trả nợ. Nhưng điều này cũng cho thấy các khoản nợ phải trả của Evergrande đang lớn hơn rất nhiều so với các khoản nợ bằng trái phiếu và các khoản vay ngân hàng trên bảng cân đối kế toán.
Vào cuối năm 2018, Evergrande đã tìm cách huy động thêm 1,8 tỷ USD từ trái phiếu. Nhưng các nhà đầu tư đã tỏ ra thận trọng trước nguy cơ vỡ nợ ngày càng tăng tập đoàn. Để lôi kéo họ, Evergrande cam kết trả lãi suất từ 11% đến 13,75%.
Một lý do khác khiến thương vụ sáp nhập ngược thành công là ông Hui đã mua hơn 1 tỷ đô la từ đợt chào bán trái phiếu. Chủ tịch của công ty đã làm như vậy để thể hiện “sự ủng hộ và niềm tin của ông ấy đối với thương vụ”, Evergrande cho biết vào thời điểm đó.
Các nhà đầu tư từ lâu vẫn nghĩ rằng Evergrande sẽ an toàn vì Bắc Kinh sẽ giải cứu tập đoàn này để tránh làm chao đảo thị trường nhà đất và gây thiệt hại cho người mua nhà. Đó là lý do tại sao các nhà đầu tư sẵn sàng gắn bó với Evergrande bất chấp những lời cảnh báo.
Năm ngoái, chính quyền trung ương tuyên bố rằng Evergrande đã vay nợ quá nhiều. Tuyên bố này được đưa ra khi Bắc Kinh lo ngại về mức nợ cao và tin rằng họ có thể quản lý tình trạng suy thoái của thị trường nhà ở. Chính điều này đã chấm dứt sự tự do của Evergrande trong mối quan hệ với các nhà đầu tư.
Theo báo cáo, ông Hui đã mất hàng tỷ USD trong đợt bán tháo cổ phiếu Evergrande. Nhưng ông ta đã chuẩn bị từ trước cho tình huống này. Kể từ tháng 10/2018, ông Hui đã thu về hơn 5,3 tỷ USD cổ tức từ Evergrande.
-
Evergrande đã được cảnh báo về sự sụp đổ cách đây một thập kỷ
Các quỹ phòng hộ từng cảnh báo về nguy cơ sụp đổ của Evergrande cách đây hơn một thập kỷ do sự phát triển quá nóng và sử dụng quá nhiều đòn bẩy của tập đoàn này.
-
Tòa án Hồng Kông ra lệnh giải thể tập đoàn bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới China Evergrande
Một tòa án ở Hồng Kông ngày thứ Hai 29/1 đã ra lệnh thanh lý tập đoàn bất động sản khổng lồ China Evergrande Group, một động thái có thể gây ra những làn sóng tác động đến thị trường tài chính đang xuống dốc của Trung Quốc khi các nhà hoạch định chín...
-
Từ Country Garden tới China Evergrande, cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc đang diễn ra như thế nào?
Việc hàng loạt công ty bất động sản, bao gồm cả những ông lớn như China Evergrande hay Country Garden, rơi vào cảnh nợ nần đang khiến ngành bất động sản Trung Quốc, lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn của nền kinh tế nước này, đối mặt nhiều khó khăn....
-
Các công ty bất động sản tư nhân của Trung Quốc đứng trên núi nợ 390 tỷ USD
Theo một ước tính từ Gavekal Research, các hóa đơn chưa thanh toán từ các nhà phát triển tư nhân Trung Quốc có tổng trị giá 390 tỷ USD, một mối đe dọa lớn đang rình rập nền kinh tế.