16/03/2024 8:10 AM
Tỉnh Đồng Nai vừa phê duyệt nhiệm vụ khảo sát, thiết kế và dự toán chi phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để xây dựng cầu thay phà Cát Lái kết nối với TP.HCM. Cây cầu không chỉ có ý nghĩa về giao thông mà còn tác động rất lớn đến thị trường bất động sản Nhơn Trạch.

Chọn phương án nào?

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai vừa ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ khảo sát, thiết kế và dự toán chi phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để xây dựng cầu thay phà Cát Lái, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Theo đó, việc xây cầu thay phà Cát Lái sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT.

Cần sớm xây cầu thay thế phà Cát Lái kết nối TP.HCM với Nhơn Trạch

Cầu Cát Lái là dự án nhóm A, thuộc công trình cấp đặc biệt. Vì vậy, việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án phải phù hợp với quy hoạch phát triển của ngành giao thông cũng như nhu cầu sử dụng đất, phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng…

Theo quy hoạch bổ sung của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2017, cầu Cát Lái có điểm đầu tại phường Cát Lái - Thạnh Mỹ Lợi (quận 2 nay là TP.Thủ Đức, TP.HCM) và điểm cuối cách bến phà hiện hữu khoảng 1km, thuộc xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch.

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái.

Theo tính toán, tổng vốn đầu tư cầu này khoảng 7.000 tỉ đồng. Cầu Cát Lái được tách thành 3 dự án thành phần. Phần đường dẫn phía TP HCM đến cầu dài hơn 620m vốn đầu tư 755 tỷ đồng, sẽ do TPHCM thực hiện theo hình thức BT.

Tỉnh Đồng Nai thực hiện xây dựng phần đường dẫn phía Đồng Nai dài hơn 230m (đầu tư theo hình thức BT) và cầu dài khoảng 4km (đầu tư theo hình thức BOT). Cầu Cát Lái có kết cấu dây văng hai trụ tháp, 6 làn xe. Thời gian thực hiện trong năm 2019 – 2024.

Tuy nhiên, đến nay cầu Cát Lái vẫn chưa được triển khai xây dựng. Mới đây, TP.HCM và Đồng Nai đã thống nhất phương án xây dựng cầu kết nối TP.HCM với Nhơn Trạch (Đồng Nai) để thay thế phà Cát Lái. Tuy nhiên, thời gian xây dựng và hướng tuyến cụ thể vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Cụ thể, phía tỉnh Đồng Nai từng kiến nghị xây dựng cầu Cát Lái trước năm 2025. Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, hiện nay cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến hoàn thành vào năm 2026 và đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã quá tải. Việc triển khai dự án này sớm sẽ góp phần giảm áp lực giao thông gắn kết nối vùng.

Tuy nhiên, phía TP.HCM lại đề xuất xây dựng cầu Cát Lái sau giai đoạn 2030. UBND TP.HCM cho rằng, khu vực này đang xây cầu Nhơn Trạch trên Vành đai 3 với quy mô 4 làn ôtô sẽ hoàn thành năm 2026 và dự kiến tiếp tục mở thêm 4 làn cho xe thô sơ, đáp ứng nhu cầu đi lại giữa hai địa phương.

Ngoài ra, tại khu vực cảng Cát Lái đang được nghiên cứu làm tuyến liên cảng nối đường Nguyễn Thị Định đến nút giao Vành đai 3 gần cảng Phú Hữu. Tuyến này dài 6km, rộng 60m, 12 làn xe, dự kiến hoàn thành giai đoạn 2026-2030.

Mặc dù vậy, TP.HCM cho rằng, trong giai đoạn 2026 – 2030 nên ưu tiên đầu tư xây dựng thêm hai cầu kết nối giữa hai khu vực gồm cầu Đồng Nai 2 và cầu Phú Mỹ 2.

Cụ thể, cầu Đồng Nai 2 kết nối TP. Thủ Đức đến xã Tam An, huyện Long Thành (Đồng Nai). TP.HCM đề xuất hướng tuyến bắt đầu từ đường Vành đai 3 TPHCM tại vị trí nút giao Gò Công (giao với đường nhánh nối từ Vành đai 3 ra Xa lộ Hà nội), kết nối với ĐT.777B theo quy hoạch sử dụng đất huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai

Dự án cầu Phú Mỹ 2 kết nối khu Nam TP.HCM với huyện Nhơn Trạch được đề xuất hướng tuyến bắt đầu từ đường Nguyễn Hữu Thọ đi dọc đường Hoàng Quốc Việt (Quận 7), kết nối Khu dân cư Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai).

Thị trường bất động sản mòn mỏi chờ cầu

Huyện Nhơn Trạch nằm phía Tây Nam của tỉnh Đồng Nai, với 3 mặt giáp sông, địa phương này như dấu gạch nối giữa 3 trung tâm kinh tế lớn khu vực phía Nam gồm TP.HCM – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu.

Từ năm 2009, Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết xây dựng thành phố Nhơn Trạch đạt các tiêu chí của một đô thị loại II vào năm 2020. Tuy nhiên, hơn 10 năm, giấc mơ trên vẫn chưa thành sự thật.

Có nhiều nguyên nhân khiến Nhơn Trạch chưa phát triển xứng tầm, nguyên nhân chính đến từ việc “trật nhịp” của các dự án hạ tầng giao thông kết nối với TP.HCM. Trong đó, cầu Cát Lái là công trình được mong đợi hơn cả nhưng suốt thời gian dài vẫn chỉ nằm trên giấy.

Một dự án đô thị đã hình thành ở Nhơn Trạch

Hiện nay, rất nhiều khu đô thị quy mô lớn đã hoàn thành ở Nhơn Trạch nhưng luôn trong tình trạng vắng người về ở. Mặc dù vậy, sức hấp dẫn của thị trường này vẫn không giảm khi vẫn đang có hàng loạt nhà đầu tư tiếp tục đổ về đây để phát triển thêm dự án.

Anh Hùng, một nhà đầu tư lâu năm ở Nhơn Trạch cho biết, bên cạnh nguồn lực có sẵn về vị trí, phát triển công nghiệp, Nhơn Trạch trong vài năm tới sẽ hưởng lợi lớn khi gắn kết với hàng loạt hạ tầng lớn đang đầu tư như vành đai 3, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, sân bay Long Thành…

Đặc biệt, cầu Nhơn Trạch nằm trên tuyến Vành đai 3 kết nối với khu vực quận 9 cũ (TP. Thủ Đức) dự kiến sẽ hoàn thành tháng 4/2025.

Cây cầu này đã được khởi công từ tháng 9/2022 với chiều dài hơn 2km, rộng 19,75m và phần đường dẫn 2 đầu cầu dài 560m. Tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỉ đồng.

“Trong thời gian tới, nếu TP.HCM và Đồng Nai sớm thống nhất được phương án xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái. Đồng thời triển khai xây dựng kịp thời thì đây sẽ là cú hích cực kỳ lớn cho toàn thị trường bất động sản Nhơn Trạch”, nhà đầu tư này nói.

  • Vì sao TP.HCM muốn xây cầu Cát Lái sau năm 2030?

    Vì sao TP.HCM muốn xây cầu Cát Lái sau năm 2030?

    Tỉnh Đồng Nai đề nghị xây dựng cầu Cát Lái nối với TP.HCM trước năm 2025 để đảm bảo kết nối hai địa phương. Tuy nhiên, TP.HCM lại cho rằng, nên xây dựng cầu Cát Lái sau năm 2030, để ưu tiên các dự án khác phù hợp hơn.

Phong Vân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.