18/03/2021 8:28 AM
CafeLand - Lâu nay, Đồng bằng sông Cửu Long, còn gọi là miền Tây, là vùng đất phù sa với nông nghiệp là ngành chính. Quỹ đất lớn, cộng với lợi thế thiên nhiên sông nước đang thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp bất động sản.

Sức nóng gia tăng

Không chỉ có Long An, khu vực giáp ranh với TP.HCM, thị trường bất động sản miền Tây Nam Bộ bắt đầu nóng lên khi nhiều ông lớn rót vốn vào. Điển hình như Vingroup, tập đoàn đã đầu tư 17.000 tỉ đồng với dự án Vinpearl Phú Quốc 304 ha tại Kiên Giang từ năm 2014.

Làn sóng đầu tư nhanh chóng lan sang các tỉnh thành lân cận như Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long và cả Trà Vinh. Loại hình sản phẩm khá đa dạng, từ các dự án phục vụ an cư đến nghỉ dưỡng.

Chẳng hạn tại Cần Thơ, ông lớn trong ngành địa ốc Novaland đã phối hợp với Azerai khai trương Resort Azerai Cần Thơ tại Cồn Ấu vào năm 2018. Đây là dòng khách sạn mang thương hiệu Azerai đầu tiên tại Việt Nam, với 30 bungalow với 60 phòng nghỉ và 45 căn biệt thự cao cấp timeshare.

Cũng ở Cần Thơ, KITA Group đầu tư dự án Stella Mega City. Dự án có quy mô hơn 150 hécta, vốn đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng với nhiều phân khu chức năng như nhà ở, thương mại, giải trí.

Một dự án bất động sản đang được xây dựng tại Long An. Ảnh: Hoàng Sang

Sau khi đã phát triển một số dự án khu đô thị tại thị trường Long An, Tập đoàn địa ốc Cát Tường triển khai khu đô thị Cát Tường Western Pearl có quy mô gần 80 hécta và vốn đầu tư khoảng 85 triệu USD tại Hậu Giang.

Một chuyên gia bất động sản đánh giá, chiến lược “đánh bắt xa bờ” của các doanh nghiệp có thể đến từ hai lý do. Một phần là để nuôi quân, một phần là để tìm kiếm cơ hội đầu tư mới ở những vùng đất đón cú huých từ hạ tầng và tiềm năng phát triển còn lớn.

Khu vực miền Tây Nam Bộ là một vùng đất hưởng lợi khi nhiều dự án hạ tầng đã, đang và sắp được triển khai.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, nhận định khi quỹ đất tại TP.HCM không còn nhiều và các tỉnh Đông Nam Bộ đã dày đặc các dự án đầu tư, thì việc các nhà đầu tư có tổ chức quan tâm vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là một điều dễ hiểu. Đây là nơi vẫn còn nhiều quỹ đất để mở rộng và tiềm năng về kinh tế, xã hội và nhân lực của khu vực tốt.

Theo ông Khương, hiện nay khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang đón nhận dòng đầu tư từ hai nhóm khác nhau. Một là nhà đầu tư cá nhân và hai là nhà đầu tư có tổ chức.

Nhóm nhà đầu tư cá nhân thì đa phần chỉ mua đất làm vườn để phục vụ mục đích nghỉ dưỡng cuối tuần, còn về mục đích sinh lợi thì vẫn chưa rõ ràng và rất ít.

Nhóm thứ hai là nhóm nhà đầu tư doanh nghiệp. Nhóm này hiện nay khá quan tâm đến Đồng bằng sông Cửu Long và đang có tầm nhìn rộng ra ngoài TP.HCM khi quỹ đất dần eo hẹp.

“Nút thắt” của miền Tây

Mặc dù vậy, theo báo cáo của Viện Chính sách & Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD), Đồng bằng sông Cửu Long hiện còn phải đối mặt với nhiều thách thức như biển đổi khí hậu làm sạt lở gây hủy hoại mùa màng, trình độ của người lao động chưa cao khi tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo nằm ở mức 90,8%, làm ảnh hưởng đến năng suất của cả vùng và độ tuổi trung bình của người lao động ngày càng tăng khi nhiều người trẻ rời nông thôn lên thành thị.

Chính vì vậy, để có thể gia tăng sự thu hút với nhà đầu tư và thuyết phục người dân ở lại địa phương còn nhiều vấn cần được giải quyết.

Ông Khương của Savills bình luận, hiện nay Đồng bằng sông Cửu Long đang ngày càng phát triển, nhưng với thu nhập bình quân chỉ ở mức xấp xỉ 60 triệu đồng/năm như hiện nay thì tư liệu sản xuất có nhưng chưa tương xứng với thu nhập.

Vì vậy cần phải có những giải pháp cụ thể để thu hút di dân tốt hơn. Ngoài ra tính liên kết vùng của Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn rất hạn chế khi các cơ sở nằm rải rác, khiến khả năng thu hút vốn đầu tư vào bất động sản khó hơn, dẫn tới việc khó hình thành khu dân cư lớn.

“Nếu Đồng bằng sông Cửu Long muốn vươn lên một tầm mới, thì cần phải cải thiện thu nhập bình quân đầu người, phát triển thêm về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cơ sở hạ tầng xã hội và chú trọng vào kinh tế đô thị”, ông Khương cho biết.

Hiện nay, khu vực này đang có một số điểm sáng để thu hút nhà đầu tư như cơ sở hạ tầng xã hội đang được chú trọng phát triển, dòng di dân đang được cải thiện và dân số lên tới gần 20 triệu dân. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài đang gặp các hạn chế về tiếp cận quỹ đất, nên mức độ đầu tư từ nhóm này chưa đạt như kỳ vọng.

Do vậy, việc thị trường bất động sản nơi đây có thu hút và khởi sắc hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc khu vực này có cung cấp được các nhu cầu và đảm bảo được công việc cho người dân sinh sống hay không.

Việc giá bất động sản rẻ, những tiện ích như công viên, hồ bơi tiêu chuẩn 5-sao và những ưu đãi khi mua chưa đủ để khiến thị trường bất động sản khu vực này khởi sắc.

Tuy nhiên, các thị trường bất động sản nông nghiệp, du lịch và nhà ở được dự đoán sẽ là những điểm sáng tại Đồng bằng sông Cửu Long khi nền kinh tế của khu vực tiếp tục tăng trưởng tốt và mạng lưới giao thông ngày càng cải thiện.

Còn bất động sản thương mại và văn phòng phải cần thêm một thời gian nữa mới đủ hấp dẫn nhà đầu tư.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.