Khó khăn khi phát triển dự án tại TP. Hồ Chí Minh đã khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc bỏ ra tỉnh ngoài.
Trong khi đó, thị trường vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sẽ được khơi thông trong năm 2020.
Thị trường tắc đủ bề
Tại Hội nghị tổng kết tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch triển khai năm 2020 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời điểm cuối năm 2019, Thành phố còn 124 dự án bất động sản chưa thu được thuế hoặc chậm thu thuế, chủ yếu do phải chờ kết luận của cơ quan thanh tra.
Đây được cho là nguyên nhân chính dẫn tới các dự án bất động sản không được cấp phép, dù doanh nghiệp đã chuẩn bị cho việc phát triển dự án, chỉ đợi giấp phép. Đơn cử, năm 2018, Tập đoàn Hà Đô nộp hồ sơ phát triển dự án chung cư lên tới hơn 1.000 căn tại quận 8. Dự án đã được doanh nghiệp làm nhà mẫu, chuẩn bị vật liệu cũng như nhà thầu xây dựng, nhưng tới nay vẫn chưa được cấp phép. Cũng chính vì vậy, từ năm 2017 tới nay, doanh nghiệp này không có dự án mới mở bán.
Hay như Tập đoàn Đất Xanh, năm 2018 tiến hành san lấp mặt bằng, xin phép phát triển dự án 12 block chung cư tại quận 2, nhưng tới nay dự án này vẫn chưa thể tiến hành xây dựng và mở bán vì đang phải kiểm tra việc chuyển nhượng quỹ đất giữa Đất Xanh và chủ đất trước đó.
Ông Nguyễn Nam Hiền, Phó tổng giám đốc Hung Thinh Corp cho biết, trong những năm 2014 - 2017, doanh nghiệp này mỗi năm đưa ra thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh ít nhất 6 dự án chung cư, thế nhưng năm 2018, doanh nghiệp này chỉ đưa ra thị trường 1 dự án và năm 2019 cũng vậy.
“Thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh trong 2 năm qua gặp vô vàn khó khăn do ách tắc thủ tục hành chính. Việc cơ quan chức năng tăng cường rà soát, ngưng hoặc trì hoãn cấp phép, phê duyệt các bước thủ tục hồ sơ, pháp lý dự án đã khiến nguồn cung sản phẩm đủ điều kiện kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng. Nếu năm 2020, thị trường không được khơi thông thì sẽ có nhiều doanh nghiệp bất động sản đứng trước bờ vực phá sản”, ông Hiền nói.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), so với nhiều địa phương khác thì các dự án nhà ở tại TP. Hồ Chí Minh bị vướng pháp lý rất nhiều. Các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp (xen cài đất do Nhà nước quản lý) như nhau, nhưng có một số dự án được phê duyệt đầu tư xây dựng, trong khi nhiều dự án khác lại chưa được phê duyệt, là chưa đảm bảo tính công bằng.
Cụ thể, từ ngày 10/12/2015 (ngày Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2014, có hiệu lực) đến tháng 8/2018, đã có 126 dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc các thủ tục đầu tư, dù đã có quyết định chủ trương đầu tư của UBND Thành phố, nhưng không làm được thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 để làm các thủ tục đầu tư xây dựng tiếp theo.
Bên cạnh đó, từ đầu tháng 3/2017, đã có 158 dự án nhà ở liên quan đến sử dụng quỹ đất công bị tạm dừng để rà soát các thủ tục đầu tư, đến nay nhiều dự án vẫn chưa hoạt động bình thường trở lại.
Doanh nghiệp địa ốc bỏ ra tỉnh ngoài
Ảnh hưởng đầu tiên của việc thị trường bất động sản chậm lại đối với TP. Hồ Chí Minh là thu thuế. Theo ông Nguyễn Thành Phong, nguồn thu thuế từ lĩnh vực bất động sản năm 2019 chưa đạt yêu cầu so với tiềm năng bởi sự chững lại của thị trường (chỉ tăng 1% so với 7,9% của năm 2018).
Ảnh hưởng thứ hai là nguồn cung giảm mạnh đã đẩy giá nhà lên cao, lệch pha cung cầu, lệch pha giữa phân khúc nhà tầm trung và cao cấp.
Khó khăn khi phát triển dự án tại TP. Hồ Chí Minh đã khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc bỏ ra tỉnh ngoài. Đơn cử, Tập đoàn Novaland gần như không triển khai dự án nào đáng kể tại TP. Hồ Chí Minh trong năm 2019, thay vào đó, đẩy mạnh sang các thị trường địa phương như Bình Thuận với Dự án NovaWorld Phan Thiết, Bà Rịa - Vũng Tàu với NovaWorld Bình Châu. Đặc biệt, tại Đồng Nai, Novaland đang triển khai Dự án AQua City Biên Hòa với quy mô 1.800ha.
Tương tự, Tập đoàn Nam Long vừa chính thức khởi động Dự án Waterpoint (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) có quy mô 255ha. Hay Dự án The Pearl Riverside do Công ty Seaholdings làm chủ đầu tư với quy mô gồm 250 nhà phố liền kề, thiết kế và xây dựng theo tiêu chuẩn Singapore.
Ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc An Gia cho biết, trong bối cảnh quỹ đất tại TP. Hồ Chí Minh ngày càng khan hiếm, An Gia sẽ đẩy mạnh tìm kiếm các quỹ đất ở các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Phan Thiết…
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, nếu thị trường được khơi thông, chắc chắn nguồn tiền của các doanh nghiệp lớn sẽ tiếp tục đổ về TP. Hồ Chí Minh để phát triển dự án, còn nếu cứ bị “bó cơ chế” như hiện nay, thì thị trường bất động sản tiếp tục gặp khó.
“HoREA đã đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có). Đồng thời, cho phép chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân”, ông Châu nói.
-
Năm khó khăn của địa ốc TP HCM vì rủi ro pháp lý
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa công bố báo cáo tổng kết thị trường năm 2019 kèm cảnh báo về sự sụt giảm có hệ thống từ nguồn cung sản phẩm đến nguồn thu ngân sách.