Người mua đất nền vùng ven đang gặp khó vì dịch bệnh kéo dài
Vỡ mộng vì Covid
Giữa năm 2020, vợ chồng anh Hoàng (ngụ TP. Thủ Đức) có số tiền tích luỹ hơn 500 triệu đồng nhưng chưa biết bỏ vào đâu. Sau khi được bạn bè tư vấn, anh Hoàng quyết định mua một nền đất có diện tích 100m2, giá 1 tỉ đồng ở khu vực huyện Đức Hoà, tỉnh Long An. Số tiền 500 triệu đồng còn lại được ngân hàng hỗ trợ cho vay với thời hạn 15 năm. Mỗi tháng anh Hoàng chỉ cần trả tiền gốc và lãi gần 7 triệu đồng.
Anh Hoàng nhẩm tính, công việc của hai vợ chồng mang lại thu nhập khoảng 30 triệu đồng mỗi tháng. Sau khi trừ mọi khoản chi phí sinh hoạt, học hành cho con cái thì còn tiết kiệm được gần 10 triệu đồng. Số tiền này dùng để trả tiền ngân hàng vẫn còn dư khoảng 3 triệu để “nuôi heo” phòng những lúc khó khăn.
Anh Hoàng tỏ ra tự tin khi đã tính toán vẹn toàn, bạn bè của anh nhiều người đã “phất” lên như diều gặp gió khi đầu tư đất nền vùng ven.
Tuy nhiên, bài toán của anh Hoàng chỉ đi đúng hướng trong những tháng đầu tiên. Các đợt dịch Covid – 19 từ cuối năm 2020 và mới đây nhất đã làm phá sản mọi tính toán của hai vợ chồng. Công việc phục vụ ở khách sạn của vợ anh đã tạm ngừng từ đầu năm 2021, thu nhập còn lại chỉ mong chờ vào đồng lương kế toán của anh. Thế nhưng, công ty anh cũng đang lên kế hoạch cắt giảm lương của nhân viên.
“Thời gian đầu cố gắng cầm cự để giữ đất nhưng không kéo dài được. Thu nhập giảm một nửa, áp lực tiền ngân hàng mỗi tháng, trong khi dịch chưa biết khi nào mới kiểm soát được nên mình bán, chấp nhận lỗ một tí để không bị lún sâu hơn”, anh Hoàng chia sẻ.
Câu chuyện của vợ chồng anh Hoàng cũng đang là nỗi niềm của nhiều người đầu tư đất nền hiện nay. Trên nhiều trang rao bán bất động sản, những thông tin bán gấp, bán “cắt lỗ” đất nền do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 đang dần xuất hiện nhiều hơn.
Anh Quân, một nhà đầu tư bất động sản cho biết, nhiều người mua đất nền tại các khu vực vùng ven TP.HCM như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai hay Long An đang đang gặp khó khăn trước áp lực cố giữ hay bán ra.
Bên cạnh những nhà đầu tư lớn đang ôm quá nhiều sản phẩm buộc phải bán bớt để giảm gánh nặng, cân đối lại danh mục đầu tư thì phần lớn những người còn lại không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Họ là những người làm công ăn lương có một số vốn tích luỹ và vay ngân hàng để mua đất rồi tìm kiếm cơ hội tăng giá bán kiếm lời.
“Đây là một hướng đi rất tốt để nhanh chóng tích luỹ tài sản nhưng phải trong điều kiện lý tưởng là họ vẫn duy trì được công việc và thu nhập. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh đang khiến nguồn thu nhập tụt giảm mạnh, công việc bấp bênh. Nguồn tiền dự trữ không còn để duy trì tiền đóng ngân hàng nên quyết định bán là khó tránh khỏi”, anh Quân nói.
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang nhận định, đợt dịch Covid – 19 lần thứ 4 đang bùng phát phức tạp đã khiến cho thị trường bất động sản gần như tê liệt. Ngoại trừ những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính tốt, hiện nay có khoảng 20% nhà đầu tư đang gặp khó, đặc biệt những ai sử dụng vốn vay đứng trước áp lực nợ đọng, lãi suất hàng tháng buộc phải bán, thậm chí bán “cắt lỗ”.
Trong báo cáo thị trường bất động sản quý 2/2021, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, những cơn sốt đất liên tục từ đầu năm cùng tình trạng đầu tư theo đám đông hiện đang đẩy nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ vào thế khó, lãnh chịu hậu quả. Việc rao bán cắt lỗ, giảm giá vì thế diễn ra khá phổ biến trên thị trường hiện nay.
Cơ hội cho những người đi săn
Trái ngược với nhóm đang tìm cách thoát hàng, một bộ phận nhà đầu tư khác vẫn hăng say tìm kiếm cơ hội mua vào bất chấp dịch bệnh.
Anh Quân chia sẻ, dịch bệnh là khó khăn của người này nhưng lại là cơ hội cho nhiều người khác. Những ai có tiềm lực tài chính mạnh đang ở “cửa trên” trong bối cảnh hiện nay.
Từ đầu năm 2021 đến nay, bằng nhiều cách khác nhau, nhóm đầu tư của anh Quân vẫn đang gia tăng danh mục đầu tư của mình. Thậm chí, số lượng nền đất chốt được còn cao hơn cả thời điểm trước dịch.
Người nhiều tiền vẫn săn đất bất chấp dịch bệnh
Nhà đầu tư này cho biết, để có thể làm như vậy là thành quả sau nhiều năm đầu tư ở các thị trường vùng ven. Bên cạnh nguồn tài chính vững vàng thì xây dựng được mạng lưới môi giới đáng tin cậy ở từng thị trường đóng vai trò then chốt. Nhờ những môi giới này, dù ngồi ở nhà do dịch bệnh, giãn cách thì anh vẫn có thể cập nhật diễn biến thị trường, giá cả lên xuống. Đặc biệt, có thể tiếp cận nhanh nhất với những sản phẩm tốt bị “ngộp” mà người bán đang gặp khó, nhất là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.
Mặc dù vậy, anh Quân cho rằng, hiện tượng “cắt lỗ” đất nền vùng ven chỉ xảy ra ở một bộ phận nhỏ là những người đầu tư gặp áp lực lãi vay, hay những người mua phải giá đỉnh lúc sốt đất chứ không đại diện chung cho cả thị trường.
Đất nền vẫn là thị trường hấp dẫn vì đây là phân khúc đầu tư ưa chuộng của số đông, là tài sản tích luỹ an toàn và biên độ lợi nhuận cao. Hiện nay, dù dịch bệnh đang phức tạp nhưng đất nền nhiều khu vực vẫn không ngừng tăng giá cho thấy nhu cầu vẫn là rất lớn.
Nhà đầu tư này cũng khuyến cáo với những ai đang có tâm lý “bắt đáy” nên cẩn trọng. Muốn mua được những sản phẩm tốt cần phải có kiến thức, phải bỏ nhiều công sức săn tìm, có mối quan hệ và nguồn tin tốt chứ không phải ai bán giá thấp cũng mua. Bên cạnh, số ít nhà đầu tư khó khăn chấp nhận giảm giá thật thì cũng có rất nhiều người đang ăn theo “trend” bán tháo, cắt lỗ để thoát hàng “có vấn đề”.
“Nếu không tỉnh táo mà chỉ thấy giá rẻ mua vào thì bạn sẽ là người cầm cục than nóng thay cho người khác”, anh Quân nói.
-
Đất nền vùng ven vật vã tìm khách trong cơn dịch
CafeLand - Cơn sốt vừa hạ nhiệt, đại dịch Covid-19 ập đến đã tác động không nhỏ lên phân khúc đất nền. Tại một số khu vực ven TP.HCM đã xuất hiện tình trạng nhà đầu tư rao bán đất nhằm thu hồi vốn. Nhưng theo một số nhà đầu tư, tìm người mua lúc này không mấy dễ dàng.
-
eMagazine: Sun Group tìm hướng đi mới trong tâm dịch
Tìm hướng đi mới, xoay chuyển tình thế từ bị động sang chủ động gắn với tinh thần “3T” là cách mà Sun Group lựa chọn để đối mặt và vượt qua những thách thức mà đại dịch Covid-19 đặt ra. Trong một buổi trò chuyện cuối năm, bà Nguyễn Ngọc Thuý Linh, Tổ...
-
Đại dịch khiến nhu cầu mua ngôi nhà thứ hai lên cao kỷ lục
Đại dịch làm khối lượng tài sản của người giàu tăng lên nhanh chóng. Theo báo cáo, số cá nhân sở hữu tài sản trị giá trên 30 triệu USD đã tăng gần 10% vào năm ngoài. Điều này kéo theo nhu cầu cao kỷ lục đối với các bất động sản cao cấp hoặc những ngô...
-
Lợi nhuận homestay đâu chỉ đong đếm bằng tiền
Từ dạo bước chân vào làm homestay dù quy mô nhỏ xíu, mọi người vẫn mặc định tôi đang kinh doanh và thường hỏi về lợi nhuận. Đã là lợi nhuận thì nhất định câu trả lời phải bằng những con số, mọi câu trả lời khác được đánh giá thuộc dạng né tránh hoặc ...