CafeLand - Đại dịch đã thay đổi rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống của con người. Tất nhiên, nó cũng gây ra tác động lớn đến các nhà đầu tư.

Những thiệt hại mà đại dịch Covid-19 gây ra cho nền kinh tế đã khiến nhiều nhà đầu tư phải thay đổi chiến lược. Giờ đây, nhiều người tỏ ra lo ngại trước nhiều rủi ro, qua đó dẫn đến việc họ tìm đến những giải pháp an toàn và có tính bền vững cao hơn. Điều này đặc biệt đúng trong phân khúc bất động sản thương mại.

Văn phòng cho thuê

Đối với các nhà đầu tư đã bỏ những khoản tiền lớn vào các dự án văn phòng, đại dịch là một hồi chuông cảnh tỉnh. Các công ty và nhân viên của họ giờ đây đã quen với hình thức làm việc tại nhà. Rất nhiều người nhận ra rằng làm việc từ xa thông qua các ứng dụng như Zoom là một giải pháp thay thế thông minh và hoàn toàn có thể áp dụng ngay cả khi đại dịch được kiểm soát.

Trên thực tế, nhiều công ty đã cho phép nhân viên có thể làm việc tại nhà mãi mãi. Các chuyên gia dự đoán rằng điều này sẽ có tác động tiêu cực đến lĩnh vực văn phòng cho thuê khi tỷ lệ lấp đầy đang ngày càng giảm xuống, kéo theo đó là các tiện ích khác như các quán coffee, quán ăn,... buộc phải đóng cửa vì không có khách. Tuy nhiên, đây có lẽ chưa phải là viễn cảnh cuối cùng mà lĩnh vực cho thuê văn phòng phải đối mặt.

Mặt tích cực đối với những người đầu tư vào lĩnh vực này là vẫn còn những công ty nhận ra giá trị thực sự của văn phòng làm việc. Đối với nhiều người, văn phòng là nơi giúp mọi người có thể kết nối với nhau và duy trì văn hóa làm việc công sở. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể mong đợi rằng văn phòng sẽ vẫn đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Bán lẻ

Lĩnh vực bán lẻ đã có sự suy giảm đáng kể sau khi đại dịch bùng phát. Hàng loạt chủ cửa hàng buộc phải đóng cửa và chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh do không có khách hàng trong mùa dịch. Các chuyên gia ước tính rằng có khoảng 40% - 75% các chủ cửa hàng sẽ đóng cửa vĩnh viễn, kể cả khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát. Vì vậy, người tiêu dùng đang tìm kiếm những trải nghiệm mới và tốt hơn. Đó là lý do chính cho sự phổ biến của hình thức mua bán trực tuyến hiện nay.

Tuy nhiên, nhu cầu đối với các cửa hàng bán lẻ truyền thống chưa phải đã chấm hết. Có khá nhiều lý do để giải thích cho điều này, bao gồm việc nhiều người muốn xem hàng hóa trực tiếp hay một số khách hàng yêu thích sự trải nghiệm khi đi mua hàng. Do đó, các nhà đầu tư cũng có thể đánh giá kỹ về phân khúc này.

Ngoài ra, các trung tâm mua sắm có thể nắm bắt cơ hội này để cho thay đổi nhóm khách hàng, ví dụ thay vì cho các chủ cửa hàng bán lẻ thuê mặt bằng kinh doanh, họ có thể cho những phòng khám tư hoặc các trung tâm dạy học thuê mặt bằng.

Nhà ở

Trước đại dịch, thị trường nhà ở được coi là khoản đầu tư hàng đầu. Nhu cầu lớn đi kèm với nguồn cung hạn chế đã đẩy giá nhà ở lên rất cao.

Bất chấp đại dịch, nhu cầu thuê nhà vẫn tăng mạnh. Các yếu tố chính thúc đẩy cho nhu cầu này vẫn được giữ nguyên vẹn. Ví dụ, nhiều người tin rằng việc thuê nhà sẽ giúp họ tiết kiệm được những khoản tiền khổng lồ, đặc biệt là không phải trả các khoản lãi vay thế chấp. Bên cạnh đó, việc những người trẻ hiện đại thích sống tự lập cũng khiến nhu cầu thuê nhà tăng cao.

Xu hướng thiết kế mới cho nhà ở hiện nay là hướng đến các không gian trong lành, tươi mát và thoáng đãng. Các thiết bị tiết kiệm năng lượng và điều hòa không khí được rất nhiều người chú trọng khi mua hoặc thiết kế nhà ở. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư hiện quan tâm tới việc mua nhà cũ và thực hiện cải tạo, qua đó giúp tiết kiệm chi phí và tăng giá thuê.

Đại dịch đã buộc các nhà đầu tư phải thay đổi chiến lược đầu tư do những thay đổi về nhiều mặt. Nhiều người đang chuyển hướng từ phân khúc bất động sản thương mại sang các phân khúc an toàn hơn như thị trường nhà ở và cho thuê.

Mặc dù vẫn tồn tại nhu cầu ở hầu hết các phân khúc của lĩnh vực bất động sản, tuy nhiên các chuyên gia của Forbes vẫn tin rằng thị trường nhà ở sẽ là phân khúc có tính ổn định cao nhất trong năm 2021.

Anh Nguyễn (Forbes)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.