Những quy hoạch quan trọng
Nhiều địa phương đang đẩy mạnh triển khai lập, trình thẩm định, phê duyệt nhiều quy hoạch quan trọng, nhất là quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
UBND tỉnh Khánh Hòa mới đây đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện Khánh Sơn với tổng diện tích khoảng 33.853 ha và vùng huyện Khánh Vĩnh với tổng diện tích hơn 116.642 ha.
Tương tự, triển khai đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vừa qua UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt nhiều nhiệm vụ lập quy hoạch phân khu trong Khu kinh tế.
Trong đó có quy hoạch phân khu xây dựng, tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị, du lịch Vĩnh Yên - Mũi Đá Son (phân khu 04), có tổng diện tích khoảng 3.566 ha thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh. Trong đó, khu vực đất liền khoảng 1.723 ha và vùng mặt nước biển khoảng 1.843 ha.
Hay quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2.000) khu đô thị và công nghiệp Bắc Hòn Hèo (phân khu 17), có tổng diện tích khoảng 3.679 ha, thuộc các phường Ninh Đa, Ninh Thủy, Ninh Diêm và các xã Ninh An, Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, các quy hoạch được duyệt đã tạo sự quan tâm, thu hút các tập đoàn lớn đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Đơn cử như FPT, Capital House, Trung Nam, Sungroup,…
Tương tự Khánh Hòa, tỉnh Quảng Ngãi cũng đang khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Dung Quất vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa tổ chức cuộc họp để nghe và cho ý kiến đối với Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Bình Thanh.
Theo báo cáo của đơn vị tư vấn, phạm vi lập quy hoạch khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Bình Thanh có diện tích khoảng 3.396 ha. Dự án thuộc địa bàn các xã Bình Thanh, Bình Hiệp, Bình Long, Bình Phước, Bình Hòa, Bình Tân Phú- huyện Bình Sơn.
Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Bình Thanh có tính chất là khu vực phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ Khu kinh tế Dung Quất, phát triển công nghiệp đa ngành, công nghiệp công nghệ cao thân thiện môi trường, gắn với khu đô thị - dịch vụ hỗ trợ.
Tại cuộc họp nói trên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh thống nhất chọn phương án 1 theo đề xuất của tư vấn và các thành viên UBND tỉnh. Theo đó, phương án 1 được định hướng để lựa chọn có tổng vốn đầu tư khoảng 41.182 tỷ đồng, bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 4.514 tỷ đồng và chi phí xây dựng khoảng 37.028 tỷ đồng.
Song song với việc triển khai lập quy hoạch nói trên, tỉnh Quảng Ngãi cũng đang triển khai lập nhiều quy hoạch khác, như: Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Dung Quất II có diện tích 1.496ha; Khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Tịnh Phong có diện tích khoảng 2.481ha; Khu dịch vụ hỗn hợp Đông Dung Quất có diện tích 521ha; Khu công nghiệp Bình Hòa – Bình Phước có diện tích 2.335ha; Khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Tây Bắc Dung Quất có diện tích khoảng 2.793ha;…
Mở đường lớn, cơ hội lớn
Song song với việc triển khai nhiều quy hoạch quan trọng thì việc triển khai các dự án cao tốc quy mô lớn cũng đã và đang mở ra nhiều vùng đất phát triển mới trên cả nước.
Ngày 15/9, Bộ Giao thông Vận tải phát đi Công văn số 10353/BGTVT-KHĐT hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát việc kết nối các tuyến đường bộ cao tốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc. Đến nay, cả nước đã có khoảng 1.822km đường bộ cao tốc và đang tiếp tục tích cực triển khai xây dựng các dự án khác bảo đảm đến năm 2025 phấn đấu có khoảng 3.000km và đến năm 2030 có khoảng 5.000km.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng, địa phương, việc đầu tư, hoàn thiện các tuyến kết nối giữa tuyến đường bộ cao tốc và hệ thống đường bộ trên địa bàn các địa phương là rất cần thiết.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các địa phương nghiên cứu, rà soát quy hoạch tỉnh/thành phố đã và đang được triển khai về định hướng phát triển các khu vực đô thị, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu du lịch, khu đô thị mới, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế,… Qua đó, tổng hợp, thống kê nhu cầu kết nối với hệ thống đường bộ cao tốc trên địa bàn (bao gồm các tuyến đường bộ đang khai thác, đang đầu tư và theo quy hoạch).
Bộ Giao thông Vận tải lưu ý, khi quy hoạch xây dựng đầu tư các tuyến đường của địa phương kết nối với các tuyến đường bộ cao tốc phải bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả cao nhất có thể.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá hiện trạng và đề xuất đầu tư các tuyến kết nối hoặc bổ sung/hoàn thiện nút giao khác mức liên thông.
Các đề xuất đầu tư phải phù hợp với hiện trạng, quy hoạch của tuyến kết nối/nút giao khác mức liên thông, tiến trình đầu tư công trình, dự án có liên quan để bảo đảm kết nối hiệu quả, đồng bộ, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư.
Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông sẽ rà soát, đánh giá sự phù hợp các kiến nghị của địa phương theo các quy định pháp hiện hành liên quan đến việc kết nối đường bộ cao tốc.
-
Sắp có làn sóng đầu tư mới đổ bộ vào các khu công nghiệp tại Đà Nẵng?
UBND thành phố Đà Nẵng vừa phê duyệt Đề án nghiên cứu kêu gọi, xúc tiến các nhà đầu tư lớn vào các khu công nghiệp mới của thành phố gồm: Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn và Hòa Ninh.
-
Điểm mặt loạt dự án có vốn đầu tư “khủng” kêu gọi đầu tư từ đầu năm tới nay
Từ đầu năm đến nay, các tỉnh thành trên cả nước đã tích cực đẩy mạnh thu hút đầu tư bất động sản tại địa phương. Các dự án đầu tư có tổng mức đầu tư từ hàng nghìn tỉ cho đến chục nghìn tỉ đồng....
-
Người Trung Quốc vung tiền mua nhà khắp thế giới
Người Trung Quốc đang sở hữu 54% số nhà của người nước ngoài tại Hàn Quốc. Theo các báo cáo, hàng tỷ đô la từ Trung Quốc đã ồ ạt chảy vào các thị trường bất động sản Singapore, Thái Lan, Malaysia, Canada và Úc sau khi đất nước tỷ dân chấm dứt chính s...
-
Bất động sản Đông Nam Á có nhiều lợi thế thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Đông Nam Á là một thị trường bất động sản triển vọng nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, cơ sở hạ tầng phát triển, chủ nghĩa tiêu dùng gia tăng, và sự mở rộng của tầng lớp trung lưu.