Theo khảo sát của JLL, tỷ lệ lấp đầy khách sạn tại châu Á – Thái Bình Dương (APAC) tiếp tục tăng ổn định trong năm 2023 sau khi tất cả thị trường trọng điểm mở cửa trở lại sau đại dịch, công suất ngành hàng không tăng mạnh và sự nở rộ của các hội nghị và sự kiện trong toàn khu vực.

Xu hướng đi lên này diễn ra trong bối cảnh lĩnh vực khách sạn gặp nhiều khó khăn do thị trường lao động eo hẹp, chi phí năng lượng tăng cao, cùng với áp lực về phí công tác của các doanh nghiệp, căng thẳng địa chính trị và chi phí đi lại cao.

Tại các thị trường hàng đầu như Bali, Phuket và Singapore, giá thuê khách sạn trung bình hàng ngày (ADR) đã vượt mức trước đại dịch hơn 20%, chủ yếu do khách du lịch giải trí.

Cuộc khảo sát chỉ ra rằng 77% khách sạn ở APAC dự đoán mức độ lấp đầy sẽ tăng lên vào năm 2024, đặc biệt là ở phân khúc cao cấp và hạng sang. Ngoài ra, 73% khách sạn ở khu vực APAC dự đoán ADR cũng sẽ tiếp tục tăng. Trong số các tiểu vùng, Đông Nam Á có triển vọng lạc quan nhất nhờ đà tăng trưởng lượng khách du lịch ở hầu hết quốc gia.

Khoảng 66% khách sạn tham gia khảo sát đều lạc quan về việc tổng doanh thu trong năm 2024 sẽ vượt mức trước đại dịch. Tuy nhiên, các khách sạn hạng trung tỏ ra kém lạc quan hơn do họ phụ thuộc vào các nhóm khách du lịch và chi phí đi lại được dự đoán vẫn tăng cao.

Nihat Ercan, người đứng đầu bộ phận khách sạn & du lịch tại khu vực APAC của JLL chia sẻ: "Du lịch giải trí đã thúc đẩy nhu cầu đi lại ở khu vực APAC trong nửa đầu năm 2023. Mặc dù các doanh nghiệp đang chịu áp lực về mặt chi phí, song chúng tôi vẫn chứng kiến lượng đặt phòng cho cả mục đích đi nghỉ dưỡng và công tác tăng đều đặn, được hỗ trợ bởi lượng lớn các sự kiện thể thao, kinh doanh, chính trị,…”.

Tình trạng thiếu lao động trong khu vực đã góp phần khiến ngành khách sạn gặp khó trong giai đoạn 2022 – 2024. Tới năm 2024, chi phí lao động trong ngành dự kiến sẽ tăng từ 10% đến 20% so với năm 2019.

Trong một số trường hợp, các khách sạn có thể giảm thiểu chi phí lao động bằng việc tái xác định vai trò của từng công việc, giảm bớt tiêu chuẩn dịch vụ và một số cách khác.

Mặc dù việc áp dụng các tiến bộ công nghệ như nhận phòng trên thiết bị di động, robot dọn dẹp và các công cụ yêu cầu của khách có thể giúp giảm thiểu chi phí lao động, nhưng riêng trong lĩnh vực khách sạn, việc áp dụng công nghệ thường diễn ra chậm hơn bởi đa số khách sạn vẫn ưu tiên con người, những người có thể chạm tới cảm xúc của khách hàng.

Giá năng lượng trong khu vực cũng tăng do tình hình bất ổn chính trị đang diễn ra trên toàn cầu và những thách thức hậu đại dịch. Hướng tới năm 2024, 32% số khách sạn được hỏi dự kiến chi phí năng lượng sẽ tăng hơn 10%. Con số này mặc dù đã giảm so với năm 2023, song điều này cho thấy chi phí năng lượng vẫn sẽ là một mối lo ngại đối với các khách sạn vào năm sau.

Các bên liên quan trong lĩnh vực khách sạn ngày càng nhận thức được sự cần thiết về việc phải tuân thủ các nguyên tắc bền vững về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Khoảng 65% số khách sạn được hỏi hiện đã thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí carbon ra môi trường.

Vào năm 2022, thách thức chính mà các nhà điều hành khách sạn phải đối mặt là khó khăn trong việc đo lường các mục tiêu bền vững. Để thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong khu vực, Hệ thống tài khoản thống nhất cho ngành lưu trú (USALI) sẽ được cập nhật vào đầu năm 2025 nhằm mục đích kết hợp các số liệu về tính bền vững và các nguyên tắc báo cáo khác nhau.

Bằng cách đạt được điểm xếp hạng bền vững, các khách sạn có thể thể hiện cam kết của mình đối với các tiêu chuẩn cao hơn về môi trường, hiệu quả sử dụng năng lượng, quản lý chất thải, tiết kiệm nguồn nước và các sáng kiến bền vững khác. Phần lớn các khách sạn ở APAC dự định sẽ nhận được điểm xếp hạng vào năm 2024.

Xander Nijnens, người đứng đầu bộ phận tư vấn & quản lý tại sản khu vực APAC tại JLL cho biết: "Lĩnh vực khách sạn đã chứng kiến sự trở lại sau đại dịch, tuy nhiên vẫn còn những trở ngại cần phải giải quyết trong trung hạn. Do đó, sẽ cần thêm thời gian để các khách sạn có thể chứng kiến lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng”.

Chủ đề: Kinh tế thế giới,
Anh Nguyễn (World Property Journal)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.