27/03/2017 4:25 PM
Đà Nẵng tự hào với thương hiệu "thành phố đáng sống", một thành phố 4 năm liên tiếp đứng đầu Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và là lần thứ 7 dẫn đầu cả nước về PCI… Nhưng hiện, mặt trái của sự phát triển đô thị, thu hút đầu tư lại là "loạn" các công trình xây dựng không phép.
Đặc biệt, những ngày gần đây, việc Đà Nẵng liên tiếp "xuất hiện" các công trình xây dựng sai phạm "chạy trước giấy phép", chễm chệ ngay tại một số vị trí trung tâm, hay nơi được xem là "bất khả xâm phạm" đã khiến dư luận không khỏi lo ngại và đòi hỏi phải có sự vào cuộc ngay của chính quyền thành phố…
Từ "loạn" công trình xây dựng khủng không phép
Giữa tháng 3-2017, sau liên tiếp những bài báo và mạng xã hội tố giác thì một công trình xây dựng không phép quy mô, diện tích lên đến 1.500m2 được chủ đầu tư giấu sau dãy tường cũ, được rào chắn kiên cố tại phần đất của Công ty VietMay Home số 3 đường Phạm Hùng, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) đã bị "lộ mặt". Đáng nói, bên ngoài thì ngụy tạo, bịt kín chỉ chừa một lối vào nhỏ, nhưng bên trong công trình này lại xây dựng rầm rộ.
Cận cảnh công trình xây khu biệt thự nghỉ dưỡng thuộc Dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa (Đà Nẵng).
Trả lời trước sự quan ngại của dư luận, ông Nguyễn Văn Nam - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho rằng: Thời gian qua, Sở không cấp phép cũng như không nhận hồ sơ xây dựng nào của chủ đầu tư thuộc phần đất của Công ty VietMay Home. Và "theo quy định thì đây không phải là khu vực du lịch.
Vậy nhưng, công trình xây dựng trái phép trên diện tích đất lên đến gần 1.500m2, với nhiều khu nhà có hình dáng kiến trúc kiểu người Hoa, trong suốt một thời gian dài xây dựng rầm rộ ở bên trong, lại nằm ngay vị trí trung tâm của quận Cẩm Lệ, nhưng chỉ bị phát hiện khi đã sắp hoàn thành?!...
Đáng ngại hơn, khi chủ đầu tư được Đoàn kiểm tra yêu cầu cung cấp các giấy tờ liên quan thì họ không xuất trình được giấy phép xây dựng, chỉ có bản vẽ thiết kế nhưng không có con dấu của cơ quan chức năng.
Đặc biệt, tại hiện trường xây dựng, cơ quan chức năng còn phát hiện có 5 người quốc tịch Trung Quốc và một hướng dẫn viên tiếng Trung người Việt có mặt tại đó, không biết họ làm gì. Và một trong số 5 người Trung Quốc này có sử dụng hộ chiếu in hình "đường lưỡi bò" vi phạm chủ quyền của Việt Nam…
Chỉ sau 5 ngày công trình xây dựng không phép tại quận Cẩm Lệ bị đình chỉ xây dựng thì vào chiều 17-3, một công trình xây dựng cao ốc quy mô tại quận Sơn Trà lại bị đình chỉ vì lý do "không phép".
Với công trình này, UBND quận Sơn Trà đã phải khẳng định: Sẽ kiên quyết ngăn chặn việc thi công cao ốc Central Coast (nằm trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp - Trần Hữu Tước, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà), cho đến khi chủ đầu tư được cấp phép xây dựng theo quy định.
Thông cáo báo chí của Sở Xây dựng TP Đà Nẵng về việc thông tin đối với Dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa.
Được biết, Central Coast là dự án tổ hợp khách sạn, căn hộ cao cấp do Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Minh Đông (gọi tắt là Công ty Minh Đông) làm chủ đầu tư và nhà thầu thi công là Công ty CP Xây dựng DoZa.
Theo thiết kế của chủ đầu tư, cao ốc này có quy mô 33 tầng, với hướng nhìn ra biển và tổng vốn đầu tư dự kiến gần 1.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý để được cấp phép xây dựng theo quy định, nhưng từ đầu năm 2016, chủ đầu tư và nhà thầu đã tổ chức động thổ, ép cọc làm móng.
Sau nhiều lần Thanh tra Sở Xây dựng Đà Nẵng liên tiếp ra các quyết định đình chỉ xây dựng, UBND quận Sơn Trà đã có văn bản đề nghị Sở Xây dựng TP Đà Nẵng phối hợp chấn chỉnh, xử lý việc xây dựng không phép tại công trình này mà chủ đầu tư và đơn vị thi công phớt lờ yêu cầu của cơ quan chức năng...
Thì đến ngày 10-3, UBND quận Sơn Trà đã phải tiếp tục ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Minh Đông, vì đã tập kết vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định với mức phạt là 7,5 triệu đồng; phạt 35 triệu đồng đối với Công ty CP Xây dựng Doza về hành vi thi công xây dựng công trình không phép. Tuy nhiên, thời điểm này, công trình đã đổ xong tầng thứ 9 và đang đổ trụ tầng 10?!…
Đến "nham nhở" những công trình không phép tại bán đảo Sơn Trà
Voọc chà vá chân nâu vừa được UBND thành phố Đà Nẵng chọn làm hình ảnh nhận diện của thành phố, nhân sự kiện APEC 2017 diễn ra tại đây. Vậy nhưng, thời gian vừa qua, dư luận không khỏi tranh luận trái chiều bởi "ý tưởng" cáp treo lên đỉnh Sơn Trà.
Và môi trường sống tự nhiên, hoang dã của loài linh trưởng trong Sách đỏ, đặc biệt quý hiếm sinh sống tại bán đảo Sơn Trà này liệu sẽ ra sao, nếu như Sơn Trà sẽ có thêm nhiều công trình "bê tông cốt thép" để phục vụ phát triển du lịch...
Báo động hơn, vào tháng 2-2016, chỉ đến khi trên mạng xã hội Facebook liên tục xuất hiện clip, bài viết, hình ảnh do một nick name Tuan GreenViet, thành viên Văn phòng GreenViet tại Đà Nẵng, đăng tải cho thấy đang có tình trạng phá rừng xảy ra tại tiểu khu 62 của bán đảo Sơn Trà, cùng với đó là môi trường sống của voọc chà vá chân nâu - Nữ hoàng của loài linh trưởng - bị đe dọa, các phương tiện truyền thông lên tiếng, thì mới có sự vào cuộc ngăn chặn của các ngành chức năng.
Công trình xây dựng "phố Tàu" không phép tại quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) vừa bị UBND phường Hòa Xuân đình chỉ và cơ quan chức năng tiến hành điều tra làm rõ.
Ít ai ngờ, khi bị cơ quan chức năng "sờ gáy", người trực tiếp liên can trong vụ việc lại biện hộ rằng: Do diện tích đất rộng, không thể chăm sóc hết cây cối, rừng trồng. Và thế là, mặc dù mới chỉ có giấy cấp đất giao khoán trồng rừng và chưa được cấp phép phát quang để trồng rừng tại tiểu khu 62, nhưng người này đã thuê công nhân chặt phá rừng, đào đất làm đường khiến gần 400m rừng bị phát trọn.
Kỳ lạ ở chỗ, Tiểu khu 62 bán đảo Sơn Trà nằm ngay bên đường thảm nhựa vào khu du lịch Bãi Cát Vàng, lực lượng kiểm lâm cũng thường xuyên tuần tra trên các tuyến đường này.
Vậy mà, việc phá rừng diễn ra suốt một thời gian dài nhưng Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Sơn Trà cho rằng "do anh em cán bộ kiểm lâm chủ quan, nghĩ rằng đất rừng này đã giao cho UBND phường quản lý nên lơ là trong kiểm tra"?!
Giữa tháng 3-2017, dư luận lại tiếp tục không khỏi quan ngại trước sự việc cả chục hécta dưới chân bán đảo Sơn Trà bị đào xới nham nhở vì mục đích xây dựng tổ hợp công trình khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng do Công ty CP Biển Tiên Sa làm chủ đầu tư.
Điều ít ai ngờ, công trình xây dựng này chưa được UBND TP Đà Nẵng chấp thuận chủ trương cho phép tiến hành cùng lúc việc xây dựng hạ tầng dự án và lập thủ tục xin cấp phép xây dựng, nhưng đã tiến hành xây dựng phần móng của 40 căn biệt thự trên bán đảo Sơn Trà.
Và khi nhiều phóng viên tìm cách tiếp cận khu vực dự án, họ đã bị ngăn chặn bởi lực lượng bảo vệ tại các chốt gác dẫn vào dự án. Chủ đầu tư là Công ty Biển Tiên Sa không hợp tác, đồng thời yêu cầu có văn bản với nội dung làm việc gửi đến mới cung cấp thông tin.
Ngay trong ngày 19-3, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Đà Nẵng Trần Văn Dũng đã cung cấp: Không chỉ chưa được cấp phép xây dựng theo hồ sơ điều chỉnh dự án, mà Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa còn chưa được phê duyệt điều chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường!.
Được biết, Dự án Tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng Biển Tiên Sa được triển khai từ năm 2009 theo giấy phép được UBND TP phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch vào năm 2016 với tổng diện tích hơn 147ha. Tuy nhiên, sau khi báo chí phản ánh, các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng mới vào cuộc kiểm tra thì phát hiện một loạt sai phạm trong giấy phép xây dựng.
Cụ thể, Dự án chỉ mới được cấp phép xây dựng các hạng mục hạ tầng giao thông, thoát nước, chưa được cấp phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật gồm nhà cửa, công trình kiến trúc kỹ thuật, nhưng chủ đầu tư đã cho xây dựng các khu nhà phụ trợ, phần móng và lắp dựng cốt thép cột của 40 khối Nhà biệt thự, công trình không có biển báo,...
Cũng theo Chánh thanh tra Sở Xây dựng cho hay, dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa của Công ty CP Biển Tiên Sa (Bộ Quốc phòng) nằm ở phía Tây Bắc bán đảo Sơn Trà, được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết tại Quyết định 7985/QĐ-UBND ngày 15-10-2005; phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định 8975/QĐ-UBND ngày 12-11-2007 và được Sở Xây dựng Đà Nẵng cấp giấy phép xây dựng số 82/GPXD ngày 4-2-2009 với nội dung: "Xây dựng hạng mục giao thông, thoát nước nằm trong ranh giới được cấp"...
Đáng chú ý, ngày 24-2-2017, Công ty CP Biển Tiên Sa có Công văn 05/CV-BTS xin chủ trương triển khai cùng lúc việc xây dựng hạ tầng dự án và lập thủ tục xin cấp phép xây dựng. Nhưng cho đến nay, UBND TP Đà Nẵng và các sở, ngành hữu quan chưa có ý kiến chấp thuận về chủ trương này đối với dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa.
Được biết, UBND quận Sơn Trà vừa lập danh sách 65 công trình xâm lấn bán đảo Sơn Trà phải cưỡng chế tháo dỡ. Và cũng ngay chiều 19-3, trực tiếp dẫn đoàn kiểm tra liên ngành thị sát tại Bán đảo Sơn Trà, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho rằng: Sơn Trà là báu vật của TP Đà Nẵng, chính vì vậy, thành phố có trách nhiệm phải bảo vệ.
Dự án tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng Biển Tiên Sa tại khu vực Tây bắc bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) do Công ty cổ phần Biển Tiên Sa làm chủ đầu tư cũng không nằm trong chuỗi các dự án phục vụ APEC 2017, nên không có cơ chế vừa làm, vừa hoàn thiện thủ tục.
Vì vậy, việc để xảy ra tình trạng xây dựng khi chưa có giấy phép tại các công trình xây dựng có phần trách nhiệm của các cơ quan chức năng thành phố và cả chính quyền địa phương...
Hoài Thu (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.