Việc giá cho thuê nhà được tăng lên đến mấy chục phần trăm so với trước đây, phí dịch vụ cũng tăng hơn 50% mà không hề họp bàn hay thông báo cho người dân đã gây bức xúc cho các hộ dân nơi đây.

Nhà ở xã hội cho thuê là một trong các giải pháp giúp những người thu nhập thấp có cơ hội được tiếp cận với nhà ở. Đồng thời, cũng giúp giải phóng hàng tồn kho bất động sản (BĐS), hiện đang bị đóng băng. Đây là một chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước quan tâm, người dân thì hết lòng ủng hộ.

Không dễ để được thuê

Vì lẽ đó, hàng loạt dự án nhà ở xã hội cho thuê được xây mới, nhiều dự án nhà ở thương mại được các chủ đầu tư xin chuyển đổi sang nhà ở xã hội. Các tòa nhà ở CT19A khu đô thị Việt Hưng cũng là một trong những dự án đó. Các tòa nhà ở CT19A khu đô thị mới Việt Hưng là một trong những khu nhà ở xã hội cho thuê dành cho cán bộ công chức đầu tiên của Hà Nội.

Với quy mô khoảng 500 căn hộ, khu nhà ở này chỉ đáp ứng được nhu cầu của số ít cán bộ công chức trên địa bàn Thủ đô. Để được thuê nhà ở xã hội tại đây, các công chức phải trải qua cuộc xét duyệt chỉ tiêu khắt khe và chặt chẽ. Theo đó, các cán bộ công chức thuộc nhóm đối tượng này được chấm điểm cơ quan. Ước tính khoảng 40 người khó khăn về nhà ở thì được 1 chỉ tiêu. Các cơ quan sẽ gửi danh sách những cán bộ công chức đạt chỉ tiêu lên Hội đồng xét duyệt TP Hà Nội để xem và xét duyệt trước khi trình UBND TP.

Theo chị Nguyễn Thị Thủy, ở tòa nhà A3, thuộc CT19A, chị là một trong số ít những người trong cơ quan được hưởng chính sách hỗ trợ thuê nhà ở xã hội của TP Hà Nội. “Tôi may mắn hơn các đồng nghiệp khác khi được duyệt mua nhà tại đây. Cả gia đình tôi đều rất phấn khởi khi được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở của UBND TP”, chị Thủy chia sẻ.

Chị Thủy cho biết thêm, căn hộ chị thuê rộng 52m2, đã bao gồm cả công trình phụ. Tiền thuê một tháng là 1.613.000 triệu đồng (tương đương 29.100 đồng/m2) cộng thêm tiền phí dịch vụ chung cư là 2.400 đồng/m2. Tổng tiền thuê nhà và phí dịch vụ hàng tháng của nhà chị khoảng gần 1,8 triệu đồng, chiếm hơn 50% mức lương của chị. Nhưng mức chi trả đó vẫn có thể tạm chấp nhận được đối với gia đình chị.

Đây là mức chi không hề thấp so với mặt bằng lương công chức hiện nay, nhưng chị Thủy và nhiều hộ gia đình khác ở CT19A khu đô thị Việt Hưng đều chấp nhận và cố gắng trang trải cuộc sống. Vậy nhưng, tin “sốc” bất ngờ đến với chị và các cán bộ công chức nơi đây. Đó chính là việc giá cho thuê nhà được tăng lên đến mấy chục phần trăm so với trước đây. Phí dịch vụ cũng tăng theo giá cho thuê nhà, tăng hơn 50%. Điều này đã gây bức xúc cho các hộ dân nơi đây.

Nhiều hộ dân ở khu nhà CT19A khu đô thị mới Việt Hưng bất ngờ trước việc tăng giá cho thuê nhà và phí dịch vụ. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Công chức bất ngờ bị “đánh úp”

“Tôi không hiểu Ban quản lý dự án phát triển công trình đô thị dựa vào đâu mà điều chỉnh tăng giá cho thuê nhà cao đến vậy. Trong khi, các hộ dân chưa hề được họp bàn hay nhận bất kỳ văn bản nào từ phía Ban quản lý”, anh Nghĩa Hoàng, tòa nhà A, CT19A đô thị Việt Hưng, bức xúc.

Anh Hoàng nói, việc điều chỉnh tăng giá thuê mà không hề họp bàn hay thông báo cho người dân đã khiến cho gia đình anh và các hộ dân thực sự bất ngờ. Đáng nói, họ lại còn “tự ép” một số hộ dân ký hợp đồng với giá mới trước khi có Quyết định số 3250/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội ký ngày 19-6-2014 về việc phê duyệt giá cho thuê nhà ở xã hội của TP tại CT19A khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên.

Theo đó, giá cho thuê nhà ở xã hội tại đây sẽ được điều chỉnh từ 29.100 đồng/m2 lên tới 38.515 đồng/m2. Phí dịch vụ cũng được tăng từ 2.400 đồng/m2 lên thành 4.950 đồng/m2. Như vậy, tổng tiền thuê nhà và mức phí dịch vụ đã tăng hơn 35% so với mức giá trước đây. Một tỷ lệ điều chỉnh tăng không hề nhỏ, nhất là khi đồng lương của người lao động, mà ở đây là các cán bộ công chức, còn eo hẹp.

Thực tế, tính từ năm 2011 đến nay, lương cơ bản của các cán bộ công chức mới chỉ tăng từ 1.000.000 đồng/tháng lên thành 1.150.000 đồng/tháng. Với mức tăng này thì một công chức có bậc lương khoảng ba phẩy sẽ được tăng thêm 15%, tương đương với số tiền nhận thêm khoảng 450.000 đồng/tháng. Trong khi đó, giá một số mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, điện, nước, xăng dầu ngày một tăng.

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho biết, chính sách hỗ trợ cán bộ công chức về nhà ở xã hội là một chủ trương đúng, cần được nhân rộng trên cả nước. Việc Ban quản lý bất ngờ tăng giá cho thuê nhà mà không tổ chức họp dân là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Đó là chưa kể đến việc khu nhà CT19A có từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa hề có Ban quản trị tòa nhà cũng như tổ dân phố.

Theo luật về nhà ở, việc điều chỉnh tăng giá đối với giá cho thuê phải được họp bàn và lấy biểu quyết công khai. Ban quản lý khu CT19A đô thị mới Việt Hưng hoàn toàn sai bởi họ không họp bàn với dân mà đã tự ý làm tờ trình xin tăng giá. Điều này đã đi ngược lại với chủ trương và chính sách của Chính phủ về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, trong đó có nhóm đối tượng cán bộ công chức (?).

Lạ hơn là việc quyết định điều chỉnh tăng giá cho thuê được ký ngày 19-6 nhưng khi ký lại hợp đồng đợt 1 vào cuối tháng 5, Ban quản lý đã dựa trên tờ trình để tự ý điều chỉnh giá cho thuê và giá dịch vụ. Xét trên khía cạnh hợp đồng thuê nhà ở xã hội, Ban quản lý đã vi phạm khoản 1 Điều 2 của hợp đồng này. Theo đó, giá thuê nhà ở xã hội sẽ được điều chỉnh khi Nhà nước có thay đổi về khung giá hoặc giá cho thuê. Bên cho thuê có trách nhiệm thông báo giá cho bên thuê biết trước khi áp dụng ít nhất là 3 tháng. Có thể thấy, Ban quản lý đã “tiền trảm hậu tấu” trong việc cho ký lại hợp đồng thuê nhà. Đồng thời, cũng chẳng công khai dân chủ hay thông báo trước cho các hộ dân.

Liên quan đến vụ việc, PV đã liên hệ với Sở Xây dựng TP Hà Nội và đang chờ được hẹn lịch làm việc. Báo PL&XH sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong thời gian sớm nhất.

Có sự “quan liêu” trong quản lý ?

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, điểm mờ của vụ việc ở đây chính là việc Ban quản lý dựa trên tờ trình để điều chỉnh giá cho thuê nhà. Nó chứng tỏ lịch trình về việc tăng giá đã được thực hiện từ trước và dường như được quyết định “ngầm” bởi tờ trình giữa Sở Xây dựng và Sở Tài chính.

“Với tính “áp đặt” của tờ trình này thì việc xem xét, thẩm định rồi phê duyệt quyết định tăng giá chỉ là hình thức. Điều này cho thấy có sự “quan liêu” trong cách làm việc. Một quyết định điều chỉnh giá như vậy sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân nhưng dường như một số cơ quan quản lý lại xem thường, cứ đề xuất và ký mà chẳng cần quan tâm đến ý kiến của người dân”, ông Nguyễn Anh Tuấn phân tích.

Nguyễn Tuấn (Pháp luật & Xã hội)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.