18/08/2023 1:03 PM
Giá vật liệu xây dựng tăng cao từ đầu năm đã khiến cho nhiều gia đình, nhất là những công nhân lao động có thu nhập thấp càng khó hiện thực hóa ước mơ có được mái ấm vững chắc để an cư, lập nghiệp.

Câu chuyện về giá cả đang trở thành đề tài “nóng” của nhiều người trong thời gian qua, từ công nhân, viên chức… đến người lao động tự do.

Theo khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện mới đây, chỉ hơn 24% người lao động có tiền lương và thu nhập vừa đủ đáp ứng chi tiêu cơ bản. Trong khi có tới 75,5% người lao động thu nhập không đáp ứng nhu cầu, thậm chí có người thu nhập chỉ đáp ứng 45% nhu cầu.

Về nhà ở, người lao động phải dùng 23,6% tiền lương và 17,9% thu nhập hàng tháng để trả tiền thuê nhà. Khoản tiền mà người lao động phải bỏ ra ở vùng 1 trung bình là 1,8 triệu đồng/tháng (bao gồm cả điện nước), số tiền này chiếm 23,6% tiền lương và 17,9% thu nhập hàng tháng.

Giá cả hàng hóa leo thang, thu nhập thấp, người lao động loay hoay trong cảnh làm mãi mà không có đồng dư.

Kế hoạch xây nhà của nhiều gia đình phải tạm ngưng vì giá VLXD tăng cao quá hiện nay

Với ngành xây dựng, trong cơn bão giá vật liệu vật liệu xây dựng (VLXD) hiện nay, không chỉ những dự án, công trình lớn rơi vào cảnh mất kiểm soát chi phí mà ngay cả nhà đơn lẻ của người dân cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Với những người lao động có thu nhập thấp, ước mơ có được mái ấm vững chắc để an cư, lập nghiệp càng khó thực hiện.

Giá vật liệu leo thang

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nhóm nhà ở và VLXD trong trong tháng 7/2023 tăng 6,51% so với cùng kỳ do giá VLXD và giá nhà ở thuê tăng. Bình quân 7 tháng đầu năm, chỉ số giá nhóm này tăng 6,58% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,24 điểm phần trăm do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao.

Đánh giá về tình hình giá VLXD nửa đầu năm nay, Bộ Xây dựng cho biết thị trường có nhiều biến động, một số loại vật liệu như cát, đá được dự báo sẽ khan hiếm. Trong đó, biến động mạnh nhất trên thị trường vật liệu thời gian quan là mặt hàng thép xây dựng, có thời điểm giá thép lên đến gần 16 triệu đồng/tấn.

Từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng này trải qua 21 lần điều chỉnh, trong đó có 6 lần tăng giá liên tiếp vào đầu năm, sau đó giảm liên tiếp 15 lần, xuống dưới 14 triệu đồng/tấn. Giá thép giảm trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ mặt hàng này trên thị trường nội địa cũng sụt giảm nghiêm trọng.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, tổng tiêu thụ sản phẩm thép 6 tháng đầu năm 2023 của toàn ngành đạt 12,5 triệu tấn, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng xuất khẩu sau nửa đầu năm đạt gần 3,9 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ.

Với xi măng, giá mặt hàng này trung bình 6 tháng đầu năm vẫn đang neo ở mức cao. Cụ thể, sau khi ghi nhận 3 đợt tăng giá trong năm 2022 với tổng mức tăng từ 220.000-270.000 đồng/tấn, đến nay các doanh nghiệp xi măng vẫn giữ nguyên giá bán so với lần tăng giá gần nhất hồi tháng 6 năm ngoái.

Hiện tại, giá bán xi măng trong nước đang có sự chênh lệch theo khu vực khi giá xi măng ở miền Nam đang ở mức tương đối cao, ở mức 1,7 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá bán xi măng tại khu vực miền Bắc dao động trong khoảng 13,2-16 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu và loại xi măng.

Tương tự, giá các mặt hàng gạch, cát xây dựng… cũng không ngừng tăng lên. Cụ thể, giá cát tăng bình quân 1,52%/tháng do nhu cầu xây dựng tăng. Đặc biệt, các tỉnh phía nam có xu hướng tăng mạnh hơn, bình quân 3,4%/tháng do yếu tố nguồn khai thác, nhu cầu sử dụng cao hơn miền Bắc và miền Trung.

Giá đá xây dựng cũng có xu hướng tăng nhẹ và giữ ổn định qua từng quý. Theo đó, giá mặt hàng này trong quý 1/2023 tăng 2,7% so với cuối năm 2022 và giá bán quý 2/2023 tăng 2,7% so với quý đầu năm.

Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường VLXD như xi măng, thép xây dựng và nhựa đường… sẽ giữ ổn định hoặc giảm nhẹ trong quý 3/2023. Tuy nhiên, giá cát, đá xây dựng vẫn tiếp tục tăng do nhu cầu lớn trong thời gian tới.

Vỡ kế hoạch xây nhà

Xi măng, cát, đá xây dựng, gạch ốp lát... đồng loạt tăng giá từ đầu năm nay khiến nhiều người có kế hoạch xây dựng nhà cũng đắn đo, suy đi tính lại.

Dạo một vòng trên các trang mạng xã hội về thiết kế và xây dựng, mỗi ngày có hàng trăm bài viết được cập nhật và quá nửa số bài đăng nhằm mục đích tham khảo, cập nhật, bàn luận về giá xây dựng thời điểm này.

“Đẹp nhưng xây xong chắc cũng “méo mặt” vì đội giá vật liệu, hay “nhà xây xong móng chắc ngốn hết phân nửa số tiền chuẩn bị trước, rồi tiền công cho nhà thầu và những thứ phát sinh... Nghĩ đến thôi là xanh mặt”…

Giá vật liệu tăng cao, nhiều công trình xây dựng nhà ở bị ảnh hưởng

Làm công nhân hơn 15 năm ở TP.HCM, tích góp được khoảng 500 triệu đồng, vợ chồng anh Dũng (huyện Long Thành, Đồng Nai) dự định sẽ xây nhà trên phần đất bố mẹ cho từ cuối năm 2022 nhưng do chưa đủ tiền mua VLXD nên đợi sau Tết mới mua để giữa năm nay khởi công xây nhà.

Tuy nhiên, chỉ hơn 6 tháng phân vân và đợi gom góp đủ tiền, giờ đây kinh phí cất nhà cấp 4 của anh Dũng tăng thêm hơn gần 50 triệu đồng so với giá vật liệu đã tham khảo vào cuối năm ngoái.

“Vợ chồng tôi đâu nghĩ giá xi măng, cát đá xây dựng tăng nhanh như vậy. Nếu biết tăng giá chắc tôi cũng mượn tiền của người thân, hay vay thêm cho đủ tiền để mua vật liệu để đầu năm nay cất cho đỡ tốn thêm một khoảng tiền lớn.

Thu nhập của 2 vợ chồng chưa đến 20 triệu/tháng, trong khi còn nuôi con nhỏ. Vậy nên, tôi bàn với vợ ở trọ thêm 1, 2 năm nữa để tích lũy cho đủ tiền xây căn nhà cấp 4 đơn giản để ở. Tuy nhiên, tôi cũng sợ tới đó, khi mình tích lũy đủ tiền thì giá vật liệu lại tiếp tục tăng cao”, anh Dũng chia sẻ.

Tương tự, anh Vỹ (Tân Bình, TP.HCM) đang xây dở căn nhà diện tích 120 m2 than “méo mặt” vì giá vật liệu tăng cao đột biến.

“Nhà tôi xây 2 tháng nay nhưng giá các loại vật liệu tăng quá cao nên tôi tạm ngưng, chờ đến cuối năm mới hoàn thiện. Nếu tiếp tục làm thì bắt buộc phải vay ngân hàng, nhưng với lãi suất cao hiện nay, tôi không xoay xở được”, anh Vỹ nói.

Với việc tăng giá vật liệu, cùng với giá các hàng hóa thiết yếu cũng leo thang, trong khi mức lương tăng chậm và không đáng kể thì ước mơ có được một căn nhà của những người lao động càng khó được hiện thực hóa.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.