Kinh doanh truyền thống không còn là lợi thế
Ngày nay, công nghệ thông tin đã dẫn lối cho sự bùng nổ của hình thức kinh doanh trực tuyến. Sau giai đoạn Covid-19, mô hình kinh doanh này đã trở thành xu hướng tất yếu cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài việc mang đến tính tiện ích, mua bán trực tuyến còn giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dùng. Theo đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng các hình thức bán hàng trực tuyến và đạt được nhiều thành công.
Mua bán vật liệu xây dựng theo cách truyền thống trước đây khá phổ biến nhưng dần đã bộc lộ nhiều hạn chế
Hiệu quả là vậy, song với ngành nghề đặc thù như VLXD, cách thức mua bán truyền thống vẫn còn phổ biến. Theo đó, khách hàng thường có thói quen đến trực tiếp cửa hàng để tìm hiểu sản phẩm cũng như thảm khảo giá cả, việc mua sắm online mặt hàng này dường như là điều khá mới lạ với khách hàng.
Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh gạch ốp lát, xi măng, sắt thép… bán hàng chủ yếu thông qua hình thức “B2B”. Đây là phương thức kinh doanh bán qua hệ thống các công ty, đại lý (F1). Tiếp theo, các công ty, đại lý này mới tiếp tục phân phối sản phẩm đến mạng lưới F2, tức các chuỗi cửa hàng VLXD bán lẻ.
Tuy nhiên, theo thời gian, hình thức mua bán VLXD truyền thống này đã dần bộc lộ những điểm hạn chế khi mới chỉ thiên về bên bán hoặc bên mua, chứ chưa chú trọng nhiều tới những người sử dụng sản phẩm cuối cùng là khách hàng. Do đó, nhiều doanh nghiệp còn chưa chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu, nên đa phần khách hàng khi có nhu cầu, họ chỉ chọn mua các sản phẩm VLXD theo cảm tính hoặc định hướng của người bán lẻ.
Trong bối cảnh thị trường VLXD suy yếu theo bất động sản như hiện nay, đổi mới công nghệ, mẫu mã, tăng cường biện pháp marketing, làm thị trường là vấn đề cốt lõi được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra nhiều sự đột phá về mặt công nghệ, dẫn đến sự chuyển đổi mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, và ngành VLXD cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong ngành này là rất khó bởi do đặc thù riêng, nhưng đây lại là một xu hướng tất yếu trong thời đại mà buộc các doanh nghiệp, đơn vị phân phối VLXD không thể nằm ngoài cuộc.
Mua, bán thời 4.0
Những tháng đầu năm 2022, giá các loại VLXD liên tục biến động, trong đó có nhiều mặt hàng thay đổi, cập nhật giá mới do những tác động từ thị trường. Các mặt hàng sắt thép, xi măng, gạch ốp lát... tăng giá phi mã đã khiến nhiều người có kế hoạch xây dựng nhà cửa cũng phải đắn đo, suy đi tính lại.
Các trang thương mại điện tử mua bán VLXD đang là nơi mua sắm lý tưởng trong thời buổi “bão giá” nhờ có nhiều ưu đãi, tiện ích
Vẫn giữ thói quen đi chợ online từ thời giãn cách Covid-19, sau nhiều lần lân la đi hỏi giá tại nhiều cửa hàng VLXD, vợ chồng anh Văn Nam (TP.HCM) đã quyết định mua toàn bộ phần vật liệu hoàn thiện gồm gạch men, sơn bả, thiết bị vệ sinh tại Siêu thị Hoa Sen Home. Anh Nam cho biết: “So với mua hàng trực tiếp tại các đại lý, việc mua VLXD trực tuyến tiện hơn, mình có thể xem rất nhiều sản phẩm với giá cả được niêm yết công khai, không cần nhất thiết phải ra tận nơi. Hơn nữa, có thể theo dõi được phản hồi của khách hàng khác, chất lượng hay là độ chứng thực của sản phẩm.”
Trong cơn "bão giá" VLXD, các sàn thương mại điện tử chuyên mua bán VLXD đang trở thành nơi mua sắm lý tưởng của người tiêu dùng nhờ có nhiều ưu đãi, tiện ích. Trong khi đó, đây cũng là thị trường đầy tiềm năng, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp VLXD tiếp cận với lượng khách hàng có nhu cầu và dễ dàng hơn. Từ đó, giúp gia tăng doanh thu so với việc chỉ phụ thuộc vào việc kinh doanh trực tiếp tại cửa hàng.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh VLXD sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo hay các phương tiện quảng cáo để đưa sản phẩm của mình đến khách hàng. Không chỉ dừng lại ở quảng cáo, ngày nay việc bán hàng trực tuyến thông qua các app, website, trang thương mại điện tử chuyên mua bán VLXD cũng hiệu quả hơn.
Cuối năm 2021, Tập đoàn Hoa Sen đã bắt đầu triển khai bán hàng trực tuyến, đưa các sản phẩm VLXD lên hệ thống bán hàng, giúp khách hàng có thể xem chi tiết sản phẩm từ mô tả, tính năng cho đến nguồn gốc, xuất xứ.
Tương tự, song song với hình thức kinh doanh truyền thống, Đồng Tâm Group cũng phân phối đầy đủ các loại VLXD trên website với những tính năng nổi bật như mẫu mã đa dạng, cập nhật hàng ngày; quy trình mua hàng nhanh chóng, thuận lợi, thanh toán linh hoạt, an toàn; tích lũy điểm thưởng trên mỗi đơn hàng.
Tại đây, hầu hết các sản phẩm từ những VLXD cơ bản như tôn, ống thép, ống nhựa, thép xây dựng, ngói... cho đến vật liệu hoàn thiện như gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh đều được công khai đầy đủ thông tin, giá cả. Một công cụ nữa hỗ trợ tốt cho việc bán hàng trong ngành VLXD là công nghệ thực tế ảo, giúp khách hàng có thể trải nghiệm sản phẩm mà không phải đến trực tiếp cửa hàng.
Thông qua ứng dụng này, kiến trúc sư có thể gửi bản thiết kế của mình tới cho khách hàng để họ có thể tự mình ướm thử các sản phẩm gạch ốp lát, màu sơn phù hợp. Ứng dụng này được kỳ vọng sẽ thay đổi hành vi mua, bán VLXD cũng như trang thiết bị nội ngoại thất.
Về phía khách hàng, việc tiếp cận các thông tin về sản phẩm VLXD cũng dễ dàng hơn nhiều trong thời đại công nghệ 4.0. Khách hàng khi có nhu cầu sẽ không tốn quá nhiều thời gian và chi phí để có được những thông tin về sản phẩm. Với việc giá cả được niêm yết, khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp với kinh tế, giúp cho việc mua sắm vật liệu trở nên dễ dàng, đơn giản và tiện lợi nhất.
Có thể thấy, xu hướng mua sắm VLXD trực tuyến đã giải quyết được cùng lúc bài toán giá cả và chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng. Trong khi đó, doanh nghiệp có thể tiếp cận lượng khách hàng gấp nhiều lần so với hình thức mua bán truyền thống.
Công nghệ 4.0 trong sản xuất
Trong Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 có đề cập đến việc tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất các thành tựu khoa học, công nghệ, quản lý nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo các chuyên gia, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất VLXD nâng cao trình độ, năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội để phát triển nếu không muốn bị đào thải.
Trong đó, chuyển đổi số được coi là một xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây được hiểu là ứng dụng những tiến bộ về công nghệ số vào mọi hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp nhằm đem lại hiệu suất cao, thúc đẩy phát triển doanh thu và thương hiệu. Như vậy, việc chuyển đổi số sẽ giúp mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, thay đổi công nghệ sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường... Qua đó, giúp các doanh nghiệp tăng “sức đề kháng” để thích ứng với thời cuộc.
Đối với ngành VLXD, ứng dụng của các công nghệ tiên tiến vào sản xuất mang lại nhiều ưu điểm như dễ dàng giám sát hoạt động của máy móc trong dây chuyền; giảm nhân công, tăng năng suất lao động và dễ dàng tính toán được thời gian làm việc của cả dây chuyền sản xuất.
Đánh giá cao vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất VLXD, ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, ngành VLXD cần đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số để tối ưu hoá sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tạo ra các loại sản phẩm chất lượng cao nhằm phục vụ khách hàng tốt nhất.
Ngành VLXD cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số nhằm giảm chi phí đồng bộ các khâu, từ giao dịch, vận chuyển để hạ giá thành, tăng năng lực cạnh tranh, triển khai các hướng nghiên cứu khoa học công nghệ mũi nhọn, vật liệu mới, xây dựng đô thị thông minh gắn với sử dụng vật liệu thông minh…
Có thể thấy, VLXD của Việt Nam là một ngành sản xuất cơ bản, cung cấp các sản phẩm quan trọng cho việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tham gia xuất khẩu. Việc áp dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển ngành VLXD bền vững, có sức cạnh tranh và phù hợp với xu hướng của thời đại.
Xu hướng mua sắm VLXD trực tuyến đã giải quyết được cùng lúc bài toán giá cả và chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng. Trong khi đó, doanh nghiệp có thể tiếp cận lượng khách hàng gấp nhiều lần so với hình thức mua bán truyền thống. |
-
Giá vật liệu xây dựng năm 2023 tăng hay giảm?
Trong khi giá thép bắt đầu phục hồi trong khoảng hai tháng trở lại đây thì giá các mặt hàng vật liệu xây dựng (VLXD) khác được dự báo sẽ không có nhiều biến động lớn trong năm 2023.
-
Thủ tướng chỉ đạo nóng về vấn đề “sống còn” ảnh hưởng đến các dự án, công trình giao thông trọng điểm
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao th...
-
Hơn 70% doanh nghiệp xây dựng không tiếp cận được các gói vay ưu đãi
Không có hợp đồng xây dựng mới và giá nguyên vật liệu tăng cao cùng với việc khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng trong quý 4.2023....
-
Nhìn lại năm 2023: Giá vật liệu xây dựng vẫn tăng cao dù thị trường ảm đạm
Dù tình hình tiêu thụ ảm đạm nhưng thị trường vật liệu xây dựng với hàng trăm sản phẩm từ sắt thép, xi măng cho đến các loại vật liệu hoàn thiện vẫn chịu nhiều áp lực tăng giá trong năm 2023....