Theo thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), sau hơn 3 năm từ khi đưa vào vận hành thử nghiệm, sản lượng HRC của nhà sản xuất này đã đạt 8 triệu tấn.
Hòa Phát cán mốc 8 triệu tấn HRC sau hơn 3 năm sản xuất
Được biết, Hòa Phát bắt đầu sản xuất HRC từ tháng 5/2020 nhưng chủ yếu để sử dụng nội bộ. Từ tháng 11/2020, nhà sản xuất này mới bắt đầu bán HRC ra bên ngoài.
Với sự hỗ trợ của các chuyên gia, kỹ sư hàng đầu của Danieli, Hòa Phát đã đưa dây chuyền sản xuất HRC với công nghệ đúc cán tấm liên tục vào hoạt động thành công với sản lượng ngày càng cao.
Cụ thể, nhà máy cán thép HRC của Hòa Phát đã hoàn thành lắp đặt và chạy thử giá cán F5 từ đầu năm nay, cho phép cán mỏng HRC từ 1,5mm xuống 1,2mm. Việc lắp thêm giá cán đã giúp tăng năng suất, hiệu suất khi cán các sản phẩm so với trước đây.
Năm 2022, doanh nghiệp này đã đạt sản lượng 5 triệu tấn HRC, đến tháng 10/2023, con số này đã tăng lên 8 triệu tấn HRC.
Hiện nay, Khu liên hợp tại Dung Quất là nhà máy duy nhất của Hòa Phát có khả năng sản xuất HRC. Trong khi đó, phôi thép và thép xây dựng được doanh nghiệp này sản xuất ở cả Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất và Hải Dương.
Dự kiến vào đầu năm 2025, Hoà Phát đưa vào vận hành dự án Dung Quất giai đoạn 2 với công suất 5,6 triệu tấn/năm, qua đó nâng công suất thép thô của Hòa Phát lên hơn 14 triệu tấn/năm.
Về kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm nay, Hòa Phát ghi nhận 56.665 tỷ đồng doanh thu và hơn 1.830 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt giảm 30% và 85% so với cùng kỳ năm trước.
Hòa Phát cho biết, sản xuất thép và sản phẩm liên quan vẫn là hoạt động chủ lực, đóng góp phần lớn lợi nhuận sau thuế toàn tập đoàn. Tuy nhiên từ nay trở đi, doanh nghiệp này sẽ chuyển rất mạnh sang sản xuất thép chất lượng cao, đầu tư chiều sâu để sản xuất thép chế tạo, thép cho sản xuất ốc vít, dự ứng lực…
Được biết, HRC là sản phẩm thép cuộn cán nóng có độ dày thông dụng từ 1,2-14mm, kích thước từ 1,2-1,5m. Hiện tại nhu cầu thị trường trong nước mỗi năm khoảng 13 triệu tấn HRC, Việt Nam đang phải nhập khẩu khoảng 60% số này. Sản phẩm HRC là nguyên liệu cho các ngành sản xuất ống thép, tôn mạ, kết cấu thép, chế tạo cơ khí, ô-tô, sản phẩm gia dụng.
-
Thủ tướng chỉ đạo nóng về vấn đề “sống còn” ảnh hưởng đến các dự án, công trình giao thông trọng điểm
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao th...
-
Hơn 70% doanh nghiệp xây dựng không tiếp cận được các gói vay ưu đãi
Không có hợp đồng xây dựng mới và giá nguyên vật liệu tăng cao cùng với việc khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng trong quý 4.2023....
-
Nhìn lại năm 2023: Giá vật liệu xây dựng vẫn tăng cao dù thị trường ảm đạm
Dù tình hình tiêu thụ ảm đạm nhưng thị trường vật liệu xây dựng với hàng trăm sản phẩm từ sắt thép, xi măng cho đến các loại vật liệu hoàn thiện vẫn chịu nhiều áp lực tăng giá trong năm 2023....