Theo phản ánh đến Báo CAND, cư dân khu nhà này cho rằng, việc trì hoãn tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập BQT theo quy định của pháp luật đã khiến quyền lợi của cư dân bị ảnh hưởng như: Hàng chục tỷ đồng phí bảo trì không biết ra sao, việc quản lý và sử dụng phí dịch vụ không minh bạch, an ninh trật tự tại đây không được đảm bảo…
Chủ đầu tư chung cư E4 Yên Hòa không thực hiện đúng quy định về tổ chức hội nghị nhà chung cư khiến người dân bức xúc.
Cư dân bức xúc
Chung cư E4 Yên Hòa có 3 tòa tháp: CT1 cao 25 tầng, CT2 cao 19 tầng, CT3 cao 19 tầng. 3 tầng dưới của mỗi tòa nhà là không gian sinh hoạt cộng đồng, dịch vụ thương mại, 1 tầng kỹ thuật (tầng K). Từ tầng 4 trở lên là các tầng căn hộ với tổng cộng 329 căn hộ. Trong đó, đơn nguyên CT1 có 120 căn, đơn nguyên CT2 có 125 căn (gồm 90 căn tái định cư); đơn nguyên CT3 có 84 căn.
Ông Nguyễn Chí Sơn, cư dân tòa nhà CT3 cho biết, thiết kế là vậy nhưng khi người dân chuyển về sinh sống mới biết nhà sinh hoạt cộng đồng tại mỗi đơn nguyên đã bị chủ đầu tư cho thuê trái quy định. Khi được hỏi chủ đầu tư mới cho hay cả 3 đơn nguyên chỉ có phòng sinh hoạt cộng đồng chung tại CT2. Các tầng kỹ thuật cũng đã bị chủ đầu tư cho thuê.
“Phí dịch vụ là 7.500 đồng/m²/tháng (mức phí khá cao trong khung của UBND TP Hà Nội ban hành), nhưng ở đây có lẫn cả các hộ tái định cư. Hằng tháng chủ đầu tư nói đang phải bù đắp 100 đến 120 triệu đồng cho hoạt động quản lý, vận hành thế nhưng lại chưa bao giờ công khai tài chính các khoản thu chi. An ninh trật tự thì không đảm bảo, thể hiện rõ qua việc đã có mấy vụ mất trộm xe đạp đắt tiền mà đơn vị quản lý hiện nay không phải chịu trách nhiệm. Quan trọng nhất là hiện nay, hàng chục tỷ đồng phí bảo trì của khu nhà không biết được quản lý ra sao”, ông Sơn bức xúc cho biết.
Phản ánh tới Báo CAND, bà Lê Thị Kim Cúc, Trưởng tòa nhà CT2 cho biết, khu nhà được đưa vào sử dụng từ quý 3 năm 2018. Sau một thời gian dài trì hoãn, ngày 25/10/2020, Chủ đầu tư tổ chức hội nghị nhà chung cư E4 lần đầu để bầu BQT.
Tuy nhiên, do hội nghị này được tổ chức sai quy định (quá hạn 12 tháng so với quy định) nên cư dân đã ký đơn kiến nghị gửi UBND quận Cầu Giấy, UBND phường Yên Hòa và các cơ quan chức năng đề nghị không công nhận kết quả.
Sau đó, ngày 29/12/2020, UBND quận Cầu Giấy đã có văn bản kết luận chưa công nhận BQT theo hồ sơ của chủ đầu tư, đồng thời đề nghị: chủ đầu tư sớm tổ chức lại hội nghị nhà chung cư E4 lần đầu theo đúng quy định; UBND phường Yên Hòa làm việc với chủ đầu tư và đại diện cư dân để thống nhất về kế hoạch tổ chức lại hội nghị nhà chung cư lần đầu; Phòng Quản lý đô thị hỗ trợ UBND phường Yên Hòa, chủ đầu tư triển khai các nội dung trên.
“Mặc dù có chỉ đạo từ UBND quận Cầu Giấy, chúng tôi cũng đã gửi văn bản đề nghị UBND phường Yên Hòa và chủ đầu tư làm việc với cư dân để tổ chức lại hội nghị nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào. Không có BQT dẫn đến việc, chủ đầu tư không minh bạch trong việc quản lý vận hành khu nhà chung cư này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của cư dân”, bà Cúc cho hay.
Có hay không sự thiếu quyết liệt từ phía chính quyền phường?
Lý giải cho sự chậm trễ tổ chức hội nghị nhà chung cư để đầu ra BQT, cư dân cho rằng, nhà chung cư E4 Yên Hòa được bàn giao cho cư dân để đưa vào sử dụng từ quý 3 năm 2018. Lẽ ra, hội nghị nhà chung cư lần đầu phải được tổ chức ngay sau đó theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/2/2016 của Bộ Xây dựng vì các hộ dân đã về ở gần như kín.
Cả năm sau, ngày 16/12/2019, ông Phạm Tiến Điệp khi đó là Phó Giám đốc HCCI đã ký văn bản thông báo cho cư dân về kế hoạch tổ chức hội nghị nhà chung cư E4 nhiệm kỳ 1, thời gian dự kiến từ 20 đến 27/12/2019 nhưng chủ đầu tư đã không tổ chức hội nghị theo kế hoạch mà không đưa ra bất cứ một lời giải thích nào với cư dân (dù không có thiên tai, dịch bệnh hay các trường hợp bất khả kháng).
“Việc chủ đầu tư trì hoãn sang năm 2020 là có tính toán vì nếu tổ chức trong năm 2019 thì sẽ phải thực hiện theo các quy định của Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/2/2016 và Thông tư số 28/2016/TT-BXD ngày 15/12/2016 sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 02/2016/TT-BXD.
Dựa vào quy định trên, nhà chung cư E4 Yên Hòa được xác định là “Cụm nhà chung cư” gồm 3 tòa nhà chung cư CT1, CT2, CT3, do đó mỗi tòa nhà chung cư có thể thành lập một BQT riêng. Nếu lập BQT của cả cụm nhà chung cư gồm 3 tòa thì số lượng thành viên BQT tối thiểu là 6 người; quyền biểu quyết tại hội nghị tính theo căn hộ, mỗi căn hộ tương đương một phiếu biểu quyết.
Tuy nhiên, do chủ đầu tư cố tính trì hoãn tổ chức hội nghị Nhà chung cư E4 lần đầu sang năm 2020 nên các quy định nêu trên không còn hiệu lực vì Thông tư số 06/2019/TT-BXD của Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 xác định, nhà chung cư E4 là tòa nhà chung cư và quyền biểu quyết thay vì tính theo căn hộ nay sẽ tính theo m², mỗi m² tương đương một phiếu biểu quyết.
Do chủ đầu tư còn sở hữu riêng gần 10.000 m² tại chung cư E4 nên có quyền biểu quyết rất lớn, có thể gây tác động không thuận tới công tác lựa chọn nhân sự BQT của toàn thể cư dân”, ông Nguyễn Phong Nhã, Trưởng tòa nhà CT1 phân tích.
Liên quan đến vụ việc, PV đã liên hệ với ông Phạm Tiến Điệp, Giám đốc HCCI để trao đổi làm rõ những vấn đề mà cư dân phản ánh. Tuy nhiên, ông Điệp đã lấy lý do bận để từ chối trả lời. Đồng thời cho biết, đã từng trả lời vấn đề này với một cơ quan báo chí, nếu PV muốn tìm hiểu thì liên hệ với cơ quan báo chí đó để lấy lại thông tin.
Xung quanh vụ việc, trong phản ánh tới Báo CAND, cư dân còn cho rằng, UBND phường Yên Hòa thiếu quyết liệt, thậm chí là “phớt lờ” chỉ đạo của UBND quận Cầu Giấy về việc phối hợp, hướng dẫn chủ đầu tư tổ chức lại hội nghị nhà chung cư.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa cho rằng đánh giá này của cư dân là chưa khách quan. Ông Quang trần tình, sau khi có văn bản của UBND quận Cầu Giấy, UBND phường Yên Hòa đã tổ chức làm việc giữa chính quyền, đại diện chủ đầu tư và đại diện cư dân tại trụ sở UBND phường. Thế nhưng do hai bên không tìm được tiếng nói chung nên không có kết quả.
“Chúng tôi đã hướng dẫn chủ đầu tư để tổ chức lại hội nghị nhà chung cư sao cho hợp lý. Tuy nhiên, thời điểm đó là cuối năm 2020, do dịch bệnh bùng phát, trong thời điểm chống dịch như chống giặc không thể tập trung đông người để tổ chức được. Thậm chí đến thời điểm hiện tại vẫn còn chưa có thông báo chính thức cho phép tập trung đông người nên chúng tôi cũng có cái khó.
Đầu tháng 3 vừa rồi, phía chủ đầu tư đã có văn bản giải trình và báo cáo với UBND quận Cầu Giấy, UBND phường Yên Hòa về việc chưa thể tổ chức lại hội nghị do dịch bệnh và hứa sẽ tổ chức sớm nhất theo đúng quy định. Chúng tôi cũng mong muốn hội nghị sớm được tổ chức để tránh thiệt thòi cho cư dân, đồng thời địa bàn của chúng tôi cũng dễ quản lý”, ông Quang bày tỏ.
Theo tìm hiểu của PV, trong văn bản ngày 3/2/2021, Phòng Quản lý đô thị (UBND quận Cầu Giấy) trả lời kiến nghị của cư dân cũng đã khẳng định, việc chủ đầu tư tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu ngày 25/10/2020 là sai quy định. Do đó, mong muốn của cư dân là chính quyền UBND quận Cầu Giấy, UBND phường Yên Hòa cần chỉ đạo, đốc thúc chủ đầu tư tổ chức hội nghị nhà chung cư E4 Yên Hòa sớm nhất và đảm bảo quyền lợi cho người dân cũng là yêu cầu hoàn toàn chính đáng.
-
Quyền hạn ban quản trị chung cư tới đâu?
Sự việc xảy ra tại chung cư Phú Hoàng Anh (huyện Nhà Bè, TP HCM) mới đây đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về quyền hạn của Ban quản trị chung cư.
-
UBS: Thuế quan của ông Trump ảnh hưởng đến đà phục hồi của siêu cường số 1 châu Á
Một cuộc khảo sát mới nhất của Reuters cho thấy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể giảm xuống mức 4,5% vào năm 2025 và tiếp tục xuống 4,2% vào năm 2026.
-
Avison Young: “Sự thâm nhập mạnh mẽ của dòng vốn ngoại vào lĩnh vực bất động sản chứng tỏ sức bền và dư địa phát triển của thị trường còn rất lớn”
Avison Young vừa công bố Báo cáo Nghiên cứu Thị trường Bất động sản Việt Nam Q4/2024. Báo cáo tóm tắt diễn biến trong các phân khúc bất động sản chính (BĐS) trong quý 4 và dự báo cho năm 2025.
-
Vincom Retail sẽ mở 3 trung tâm thương mại lớn năm nay
Mirae Asset Việt Nam dự báo Vincom Retail có thể đạt 10.150 tỷ đồng doanh thu thuần và 4.431 tỷ đồng lãi ròng trong năm 2025, tương ứng tăng trưởng 9,1% và 10% so với năm 2024.