Lỏng hay chặt, đó là mối quan tâm chính trên thị trường về định hướng chính sách tiền tệ của Chính phủ trong những ngày này, sau khi ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại tuần trước phát ra thông điệp về việc hạ lãi suất cho vay xuống mức 17 – 19%.
Chính sách tiền tệ: có nới lỏng hay không?
Có ý kiến ủng hộ nỗ lực hạ lãi suất, với điều kiện phải đảm bảo không bơm tiền ồ ạt ra thị trường. Ảnh minh hoạ. Ảnh: L.H.T

Câu hỏi đặt ra là liệu những dấu hiệu của việc nới lỏng chính sách tiền tệ này có nhất quán với quyết tâm giảm lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, đã được đặt ra trong nghị quyết 11? Liệu có lặp lại tình trạng của những năm trước, khi việc cung tiền ồ ạt vào thị trường ngay khi lạm phát có dấu hiệu giảm đã khiến cho lạm phát bật mạnh trở lại và khó kiểm soát?


Không dùng từ “thắt chặt”, ngôn từ mà ngân hàng Nhà nước sử dụng để miêu tả chính sách tiền tệ hiện nay là “chặt chẽ và hiệu quả”, thống đốc Nguyễn Văn Bình, trong các bài báo đăng trên trang chủ của ngân hàng Nhà nước, trong khi nhấn mạnh nhu cầu phải hạ lãi suất cho nền kinh tế đã trấn an thị trường rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ không vượt quá mức 18 – 20% đã đặt ra. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết: tổng phương tiện thanh toán đến 19.8.2011 ước tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 7,83% so với cuối năm 2010. So chỉ tiêu chung của cả năm, tám tháng đầu năm mức tăng tổng phương tiện thanh toán mới đạt trên 50% kế hoạch năm. Khi cung cấp các thông tin này, ngân hàng Nhà nước như muốn chứng minh rằng việc tăng cung tiền trong thời điểm này sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến chỉ số lạm phát. Ông Trần Đình Thiên, viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam, nhận định: “Có các dấu hiệu nới lỏng nhưng trong khuôn khổ cung tiền do Chính phủ kiểm soát một cách linh hoạt và không bơm tiền ào ào”.


Vấn đề khiến các nhà kinh tế lo ngại là khi lạm phát chưa giảm (tốc độ tăng CPI trong tháng 8 là dưới 1% so với tháng trước, mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái vẫn là trên 22%) mà đã có dấu hiệu nới lỏng tiền tệ, thì có thể tạo tâm lý trên thị trường không tin tưởng vào sự nhất quán, dứt khoát của chính sách. Giống như tình trạng năm 2010, khi đang đặt mục tiêu hạ lạm phát, Chính phủ lại chuyển sang cung tiền nhằm đẩy tăng trưởng và khiến lạm phát quay trở lại. Đa số các nhà kinh tế duy trì quan điểm phải kiên trì chính sách thắt chặt tiền tệ, đạt cho được mục tiêu giảm lạm phát.


“Việc doanh nghiệp muốn lãi suất hạ xuống là đúng, nhưng hạ bao nhiêu thì mới cứu được doanh nghiệp? Có thể phải hạ rất nhiều thì mới cứu được một số doanh nghiệp. Nếu chỉ hạ nhằm thoả mãn tinh thần, mà không có lợi tổng thể, chịu rủi ro lạm phát quay trở lại, thì còn nên không?”, ông Thiên nói.


Trong khi đó, cũng có một luồng ý kiến cho rằng việc nới lỏng hay thắt chặt tiền tệ không chỉ phụ thuộc vào lãi suất mà còn là tổng cung tiền. Đây là luồng ý kiến ủng hộ nỗ lực hạ lãi suất, với điều kiện phải đảm bảo không bơm tiền ồ ạt ra thị trường. Ông Lê Anh Tuấn, giám đốc nghiên cứu của Dragon Capital cho rằng nếu lãi suất giảm được xuống dưới 20% mà tổng cung tiền không nhiều thì không thể gọi là nới lỏng. Ông Tuấn cho rằng việc đưa lãi suất vể mức hợp lý, chịu đựng được, là rất cần thiết với nền kinh tế. “Thông điệp của Chính phủ cần rõ ràng là chúng tôi vẫn thắt chặt tổng cung tiền”.


Việc hệ thống ngân hàng không lành mạnh vì chất lượng tín dụng quá xấu là một trong những lý do tạo tình hình bất ổn kinh tế vĩ mô trong thời gian qua. Các nhà kinh tế và chuyên gia đều cho rằng còn phải chờ xem tình hình cung tiền vào nền kinh tế trong thời gian tới chặt chẽ và linh hoạt như thế nào, để có thể dự báo được những tác động đến các chỉ số kinh tế và thị trường.


Những dấu hiệu chính sách đã bước đầu tạo ra những phản ứng trên thị trường chứng khoán. Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia phân tích và tư vấn đầu tư của công ty chứng khoán Kim Eng Việt Nam cho rằng các yếu tố như giá xăng giảm, dấu hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ, lãi suất hạ… đã hỗ trợ cho VN–Index khởi sắc trong hai tuần qua.

Theo Lan Anh (SGTT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.