Nhiều hộ dân ở TP Cần Thơ đang phải sống trong sự lo lắng, thậm chí ức chế vì các quy hoạch “treo”, chồng chéo. Dự án kéo dài nhiều năm không triển khai, một số nơi trong khu dân cư trở thành bãi rác. Thậm chí, nhiều ngôi nhà xuống cấp không được cấp (cpxd) phép xây dựng vì vướng quy hoạch treo.
Dự án “treo” nhiều năm
Bà Ngô Mỹ Vân (phường An Khánh, quận Ninh Kiều) kể trước năm 2017, gia đình bà và hàng ngàn hộ khác trong khu vực bị ảnh hưởng quy hoạch 200 m đường Nguyễn Văn Cừ nối dài. Từ đó, gia đình bà và những hộ khác gặp khó khăn trong việc xin CPXD nâng cấp nhà cửa...
“Những gia đình có đất trống cạnh nhà tôi do vướng quy hoạch, không xây dựng được nên để cỏ mọc um tùm, những người thiếu ý thức đã đem rác thải đến đổ gây ô nhiễm môi trường, làm xấu cảnh quan đô thị. Tình trạng này khiến cho cuộc sống của chúng tôi vô cùng bức bối” - bà Vân bức xúc.
Bà Vân cho biết tháng 7-2017, UBND TP Cần Thơ có quyết định bãi bỏ Quyết định về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu đô thị đường Nguyễn Văn Cừ nối dài đến quốc lộ 91B (nay là đường Nguyễn Văn Linh). Lúc đó, gia đình bà và những người khác trong khu vực mừng như “bắt được vàng”, bởi lẽ theo bà con, khi xóa quy hoạch thì họ sẽ có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đó có thể xây dựng nhà kiên cố, có chỗ ở tử tế hơn.
Thế nhưng khi liên hệ các cơ quan chức năng của quận Ninh Kiều để làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì các hộ dân nhận được thông tin khu vực này vẫn còn thuộc đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2.000 khu đô thị Tây Bắc (khu A): Trung tâm III thuộc phường An Hòa, An Bình (nay là phường An Khánh thuộc quận Ninh Kiều và phường An Thới, phường Long Hòa thuộc quận Bình Thủy). Dự án này được UBND TP.Cần Thơ phê duyệt hồi tháng 2-2005, vẫn chưa bị xóa.
“Vậy là bao nhiêu năm gia đình tôi chờ đợi xóa quy hoạch 200 m đường Nguyễn Văn Cừ thì giờ vẫn dính vào một quy hoạch khác đã 16 năm và không biết đến bao giờ mới xóa. Chúng tôi tha thiết mong các cấp chính quyền xem xét bỏ quy hoạch treo cho người dân chúng tôi được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà ở cho tử tế, vệ sinh môi trường cho đảm bảo hơn” - bà Vân bày tỏ.
Cùng nỗi bức xúc, anh Trần Lê Nguyễn (quận Ninh Kiều) cho hay gia đình anh có căn nhà bị ảnh hưởng bởi dự án khu dân cư An Bình giai đoạn 2. Tuy nhiên, nhiều năm qua chờ mãi vẫn chưa thấy triển khai đo đếm hoặc thi công khiến gia đình anh gặp khó trong việc mua bán, cầm cố.
“Nhà chỉ để ở, mua bán không được, cầm cố cũng không xong, muốn sửa lại ở cũng không dám. Vấn đề hiện giờ là không biết có quy hoạch hay không để chúng tôi có quyết định cho phù hợp” - anh Nguyễn bày tỏ.
Người dân ở phường An Khánh (Ninh Kiều) nhiều năm nay rất bức xúc dự án “treo”. Ảnh: CHÂU ANH
Đã có quy hoạch phân khu
Trả lời vấn đề này, trong cuộc họp mới đây, ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết thời gian qua, sở đã hoàn thành quy hoạch 1/5.000 nhiều khu vực. Sở cũng đã có văn bản gửi các địa phương rà soát lại các quy hoạch hiện nay còn 1/2.000, 1/500 trên địa bàn TP để có kế hoạch điều chỉnh, hủy bỏ hoặc bổ sung.
Ông Toàn cũng cho biết vừa qua Sở Xây dựng TP đã trình UBND TP hủy bỏ quy hoạch một phần tại khu dân cư An Bình, Mỹ Khánh. Hiện quy hoạch Trung tâm IV Xuân Khánh, Trung tâm III, khu An Thới là đồng cấp nên vấn đề đặt ra là khi hủy rồi thì quản lý như thế nào. “Quan điểm của Sở Xây dựng là hai quy hoạch đồng cấp sẽ không tồn tại song song, sở sẽ trao đổi với UBND quận thống nhất về việc này, cụ thể sẽ hủy hay quản lý như thế nào” - ông Toàn thông tin thêm.
Nói về các trung tâm bị “treo” nhiều năm nay, ông Nguyễn Thái Bảo, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết bốn khu trung tâm này đã được phê duyệt cách đây hàng chục năm, hiện đã lỗi thời. Mới đây, lãnh đạo TP Cần Thơ vừa phê duyệt quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5.000, trong đó đã điều chỉnh lại nhiều vấn đề của các trung tâm này trước đây. Hiện UBND quận đã chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành rà soát lại các quy hoạch trung tâm trước đây để đề xuất xóa bỏ, điều chỉnh, quy hoạch lại cho phù hợp với phân khu 1/5.000.
“Về nguyên tắc, phân khu đã phê duyệt rồi thì sẽ tuân thủ theo quy hoạch phân khu, những quy hoạch trước đây không phù hợp sẽ hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ. Khi có quy hoạch phân khu, cơ quan chức năng và địa phương sẽ lập tiếp các quy hoạch chi tiết để cụ thể và triển khai thực hiện. Hiện nay đã chỉ đạo cho Phòng quản lý đô thị quận khẩn trương trình UBND quận kế hoạch, lộ trình, kinh phí... để điều chỉnh, phê duyệt lại các quy hoạch chi tiết” - ông Bảo thông tin thêm.
Lý giải về khó khăn của người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch treo, không thể xin CPXD nhà, ông Bảo khẳng định nếu nói không CPXD là chưa chính xác. Trên thực tế, địa phương đã cấp rất nhiều giấy phép xây dựng cho bà con, nếu trường hợp không được CPXD là do giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân không phải là đất được phép xây dựng nhà.
“Đối với quy hoạch chưa có quyết định thu hồi đất, chưa có chủ đầu tư thì địa phương phải CPXD tạm cho bà con xây nhà ở, thời gian công trình ba năm” - ông Bảo nói.•
Năm đồ án quy hoạch chưa được triển khai quy hoạch 1/500Qua rà soát, tính riêng trên địa bàn quận Ninh Kiều hiện có năm đồ án quy hoạch chưa được triển khai quy hoạch chi tiết 1/500 phủ kín để phục vụ công tác quản lý xây dựng. Đồng thời, các đồ án này hiện không còn khả thi để tiếp tục triển khai đồ án quy hoạch 1/500 còn lại. Đó là khu trung tâm TP Cần Thơ, khu trung tâm IV Xuân Khánh - Hưng Lợi, khu Cái Sơn Hàng Bàng (cả ba dự án này được phê duyệt năm 1999); khu đô thị Tây Bắc (khu A): trung tâm III thuộc phường An Hòa của quận Ninh Kiều và phường Long Hòa của quận Bình Thủy (phê duyệt năm 2005); đường Trần Phú, Cách Mạng Tháng Tám, rạch Bình Thủy, sông Khai Luông (phê duyệt năm 2002). |
-
Cần Thơ: Thị trường bất động sản sẽ bớt rủi ro
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Cần Thơ có hơn 50 dự án Khu dân cư, Khu tái định cư, Khu đô thị mới. Trong đó, có không ít dự án thực hiện giao dịch qua hợp đồng góp vốn để nhận quyền sử dụng đất, mua nhà ở hình thành trong tương lai, đã xảy ra nhiều rủi ro là nhà, đất đã được chủ đầu tư thế chấp vay ngân hàng hay nhiều năm chưa giải phóng mặt bằng xong.
-
Mô hình TOD: Lực đẩy cho bất động sản tăng tốc
TOD (Transit Oriented Development) - mô hình lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị sẽ là tương lai phát triển của thị trường bất động sản. Sự đột phá về hạ tầng giúp tăng giá trị và thanh khoản ...
-
Bộ GTVT chỉ đạo khẩn về vấn đề “sống còn” ảnh hưởng đến các dự án hạ tầng giao thông
Để hoàn thành mục tiêu 3.000km đường cao tốc vào năm 2025, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu phối hợp với các địa phương sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung ứng vật liệu xây dựng....
-
Trao văn bản pháp lý dự án trung tâm thương mại lớn nhất Đồng Bằng Sông Cửu Long, gấp 9 lần trung tâm hiện có
Sáng ngày 4/12, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì lễ trao văn kiện hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. Một trong những điểm nhấn tại sự kiện này là việc trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án T...