Nằm trong quy hoạch của giai đoạn hai trường THPT Lê Trung Đình, 19 hộ dân ở phường Chánh Lộ không được sửa nhà, cấp sổ đỏ.

Dự án trường THPT Lê Trung Đình được triển khai từ 2004 trên diện tích quy hoạch gần 24.000 m2 ở phường Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi. Giai đoạn một, dự án đã thu hồi khoảng 21.000 m2 và bố trí đất tái định cư cho người dân.

Đến năm 2016, UBND Quảng Ngãi phê duyệt giai đoạn hai của dự án với diện tích gần 2.500 m2, tổng vốn 25 tỷ đồng gồm hạng mục dãy phòng học và phòng bộ môn; tường rào cổng ngõ. Chủ đầu tư được chuyển sang Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh.

Cuối năm 2018, UBND Quảng Ngãi quyết định điều chỉnh dự án, không lấy đất của 19 hộ dân, dùng số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng để bổ sung các hạng mục còn thiếu cho trường, phục vụ công tác giảng dạy. Được loại ra khỏi dự án, nhưng các hộ dân vẫn không được sửa chữa nhà, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do vẫn nằm trong vùng quy hoạch.

Phòng khách chật chội của gia đình bà Huệ trong khu quy hoạch treo. Ảnh: Phạm Linh.

Sau 17 năm, nhiều gia đình đã có thêm con cháu, nhiều thế hệ phải sống chung trong nhiều căn nhà chật chội, xập xệ, cũ kỹ. Bà Võ Thị Minh Huệ (63 tuổi) ở cùng chồng, con gái lớn, con rể và hai cháu trong căn nhà 100 m2, nhưng phải tiếp khách trước hiên.

Phòng khách nhà bà Huệ đặt một chiếc giường, là chỗ ngủ của vợ chồng bà, một tủ gỗ đặt tivi và bàn học của hai cháu. Phòng trong dành cho vợ chồng con gái. Bên trong, nền nhà được lót bằng loại gạch hoa thập niên 90, vách nhiều vết nứt.

Từ khi trường xây lên, nhà bà bị trũng xuống, đã nâng nền lên bốn lần nhưng mùa mưa vẫn ngập nước, chồng bà Huệ phải dùng máy bơm nước ra ngoài. "Trường xây khi con gái nhỏ tôi học lớp 4 (10 tuổi), đến nay nó đã 27 tuổi nhưng nhà vẫn chưa cấp sổ đỏ. Nó đang làm ở Sài Gòn, về thấy cảnh này là nó buồn", bà Huệ nói.

Bà Nguyễn Thị Thi, con dâu ông Xảo muốn sửa chữa xưởng bún nhưng không được vì nằm trong vùng quy hoạch. Ảnh: Phạm Linh.

Còn gia đình ông Nguyễn Xảo, 90 tuổi, ở đầu ngõ thì có đến bốn thế hệ trong căn nhà cấp 4 khoảng 300 m2. Ngôi nhà xây từ năm 1994, vách nhà đã rệu rã, bị thấm nước vào mùa mưa, nên ông đã nhiều lần gửi đơn lên chính quyền địa phương xin sửa nhà, nhưng không được đồng ý vì nhà nằm trong khu quy hoạch. Con dâu ông Xảo làm bún, muốn cơi nới, sửa sang để không gian sạch sẽ, hợp vệ sinh hơn nhưng được hẹn năm này qua năm khác.

Ở gần nhà ông Xảo, bà Nguyễn Thị Bui, 87 tuổi, em gái ông Xảo cũng sống trong căn nhà cấp 4 xập xệ cùng gia đình con gái... "Tới mùa mưa bàn thờ chồng tôi dột hết, tôi đang chờ sổ đỏ để con gái vay tiền làm ăn, sửa nhà", bà Bui nói.

Bà Bui ở căn nhà cấp 4 xập xệ trong khu quy hoạch treo của dự án trường THPT Lê Trung Đình. Ảnh: Phạm Linh.

Trong đơn gửi các cấp chính quyền Quảng Ngãi, các hộ dân yêu cầu được cấp sổ đỏ. Ngoài ra, họ phản ánh trường học và khu dân cư Bắc Lê Lợi xây dựng làm tắc nghẽn cống thoát nước. Họ kiến nghị chính quyền cải tạo hệ thống thoát nước công cộng, làm đường nội bộ và bồi thường thiệt hại trong thời gian dự án treo.

Trả lời VnExpress, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình xây dựng và dân dụng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, theo kế hoạch ban đầu, 19 hộ dân sẽ được tái định cư ở đường Lê Đại Hành, nhưng do khu này chỉ có 13 lô đất còn lại sau khi tái định cư giai đoạn một nên không đủ đất.

Khi dừng thu hồi đất giai đoạn hai, các hộ dân thống nhất ở lại chỗ cũ. Hiện Ban Quản lý đã gửi hồ sơ của dự án cho Phòng Quản lý đô thị Thành phố Quảng Ngãi, để cơ quan này tham mưu cấp trên, loại 2.500 m2 đất của 19 hộ dân ra khỏi quy hoạch, cấp sổ đỏ và giải quyết các kiến nghị của người dân.

Phạm Linh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.