Kho cảng LNG Thị Vải là tổ hợp LNG đầu tiên được đưa vào vận hành, có quy mô lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam với công suất qua kho là 1 triệu tấn LNG/năm trong giai đoạn 1.

Theo thông tin cập nhật từ Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), doanh nghiệp này sẽ tổ chức khánh thành, đưa vào vận hành chuỗi kho cảng LNG Thị Vải trong tháng 10/2023.

Kho cảng LNG Thị Vải có công suất qua kho là 1 triệu tấn LNG/năm trong giai đoạn 1, dự kiến được khánh thành trong tháng 10/2023

Được biết, kho cảng LNG Thị Vải được khởi công từ tháng 10/2019, có công suất qua kho là 1 triệu tấn LNG/năm trong giai đoạn 1. Giai đoạn 2 dự kiến nâng lên công suất 3 triệu tấn LNG/năm. Dự án này nằm ở vị trí thuận lợi với luồng hàng hải sôi động Cái Mép - Thị Vải, phù hợp với việc tiếp nhận các tàu LNG trọng tải lớn.

Kho cảng LNG Thị Vải là dự án trọng điểm của ngành dầu khí Việt Nam, do PV Gas làm chủ đầu tư

Dự án kho cảng LNG gồm có bồn chứa LNG và hệ thống đường dẫn khí, tại phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, bồn chứa 180.000m3 với tổng mức đầu tư khoảng 6.135 tỷ đồng, hệ thống đường ống dài 6km có tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng.

Đến nay, kho cảng LNG đã sẵn sàng cho việc tiếp nhận chuyến tàu chở LNG nhập khẩu đầu tiên vào Việt Nam. Đây là dự án trọng điểm của ngành dầu khí Việt Nam do PV Gas làm chủ đầu tư. Ngoài ra còn có Liên danh Tổng thầu Samsung C&T và PTSC. Chuỗi dự án được xây dựng với chất lượng cao và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế tiên tiến nhất. Đa phần vật tư, thiết bị của công trình được nhập khẩu từ các quốc gia đi đầu trong lĩnh vực công nghiệp LNG.

Dự án kho cảng LNG có vốn đầu tư khoảng 6.500 tỷ đồng, gồm có bồn chứa LNG và hệ thống đường dẫn khí, tại phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Tính đến thời điểm hiện tại, kho cảng LNG Thị Vải là tổ hợp LNG có quy mô lớn nhất Việt Nam. Quá trình thi công sử dụng nhiều kỹ thuật hiện đại, trong đó, bồn chứa được coi là hạng mục phức tạp nhất và lần đầu tiên được thi công tại Việt Nam.

Bồn chứa được xây dựng bằng bê tông dự ứng lực, có chiều cao trên 50m và đường kính 82m

Bồn chứa được xây dựng bằng bê tông dự ứng lực, vỏ trong bằng vật liệu thép 9% nikel, có chiều cao trên 50m và đường kính 82m. Đặc điểm quan trọng của bồn chứa là khả năng chịu được nhiệt độ cực thấp của LNG hóa lỏng, với nhiệt độ tối đa bên trong là -162 độ C.

Đường ống dẫn khí Thị Vải - Phú Mỹ có kích thước 26inch, chiều dài 5,9km được hoàn thành đấu nối vào đường ống trục Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 2 từ cuối năm 2021, dùng để vận chuyển LNG sau khi tái hóa khí từ kho LNG Thị Vải cấp cho các hộ tiêu thụ với áp suất cao.

Công trình trạm giảm áp Thị Vải kết nối với kho cảng LNG Thị Vải sẽ cung cấp LNG tái hóa khí ở áp suất thấp cho các khách hàng trong khu công nghiệp Cái Mép, khu công nghiệp Phú Mỹ 3 và khu vực lân cận.

Dự án này nằm ở vị trí thuận lợi với luồng hàng hải sôi động Cái Mép - Thị Vải, phù hợp với việc tiếp nhận các tàu LNG trọng tải lớn

Bên cạnh đó, hệ thống trạm xuất xe bồn LNG Thị Vải để cung cấp LNG cho các hộ tiêu thụ khí thấp áp (như Gas City, CNG Việt Nam…) và các hộ tiêu thụ khác cũng đã hoàn thành, sẵn sàng xuất bán LNG bằng phương tiện xe bồn.

Hệ thống kho cảng LNG Thị Vải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước và quốc tế, cũng như các yêu cầu về an toàn vận hành thông qua quá trình thẩm định chuyên sâu; được đánh giá cao bởi độ chi tiết, tính khả thi và chặt chẽ giữa các khâu hoạt động.

Hệ thống kho cảng LNG Thị Vải sẽ là mắt xích quan trọng trong việc cung cấp khí tái hóa, đảm bảo duy trì cung cấp khí cho các khách hàng hiện hữu và các dự án nhà máy điện mới theo “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035” đã được Thủ tướng phê duyệt.

Dự kiến, kho cảng LNG Thị Vải sẽ bổ sung nguồn cung khoảng 1,4 tỷ m3 khí cấp cho các khách hàng tiêu thụ và bù đắp một phần cho lượng khí thiếu hụt trong nước sau năm 2023.

LNG (Liquefied Natural Gas - LNG) là khí thiên nhiên hóa lỏng có thành phần chủ yếu là CH4 - methane, trong suốt, không màu, không mùi, được sản xuất bằng cách làm lạnh sâu khí thiên nhiên ở nhiệt độ khoảng -162 độ C để chuyển sang thể lỏng. Ở trạng thái lỏng, thể tích của LNG giảm khoảng 600 lần so với khi ở trạng thái khí, do đó dễ vận chuyển.
Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.