26/06/2023 4:50 PM
Hai năm sau khi một cuộc khủng hoảng nổ ra tại các nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc, một câu hỏi hóc búa vẫn còn đó: Tại sao các ông trùm bất động sản vẫn sở hữu và điều hành công ty của họ?

Hui Ka Yan, tỷ phú sáng lập Tập đoàn China Evergrande, có thể sẽ giữ gần 42% cổ phần của mình trong nhà phát triển mắc nợ nhiều nhất thế giới, theo một đề xuất tái cơ cấu. Zeng Jie, còn được gọi là Baby Zeng, cuối cùng có thể giữ lại 45% cổ phần của Fantasia Holdings theo một kế hoạch đại tu.

Trong số các phương án mà các chủ nợ có thể lựa chọn trong đề xuất tái cơ cấu của Sunac, một phương án có thể dẫn đến việc Sun Hongbin vẫn là cổ đông kiểm soát với ít nhất 30% cổ phần nếu tất cả các chủ nợ đăng ký các lựa chọn trái phiếu chuyển đổi bắt buộc, chuyển đổi trái phiếu của họ thành cổ phiếu.

Các trường hợp này hoàn toàn trái ngược với thực tiễn ở Mỹ, nơi những công ty như Uber Technologies và WeWork đã chứng kiến ​​những người sáng lập nhanh chóng rời đi sau những sai lầm.

Mặc dù không có gì đảm bảo rằng tỷ phú Hui Ka Yan và những người khác sẽ giữ vị trí của mình sau khi cuộc khủng hoảng khép lại, nhưng sự ủng hộ ban đầu của các nhà đầu tư dành cho các ông trùm này vẫn là điều bất thường, theo các chuyên gia thị trường.

Tiffany Wong, CEO Alvarez & Marsal, cho biết: “Điều đáng kinh ngạc trong quá trình tái cơ cấu của Trung Quốc là các chủ nợ sẽ chấp nhận rằng những người sáng lập doanh nghiệp vẫn giữ lại một phần lớn vốn cổ phần và tiếp tục quản lý các công ty của họ. Điều này rất khác với Hong Kong hoặc các khu vực khác”.

Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn, có một logic đằng sau việc giữ cho các ông trùm bất động sản chịu trách nhiệm về các doanh nghiệp mà họ đã xây dựng. Đối với một số nhà quan sát, làm như vậy đảm bảo rằng lợi ích của họ vẫn phù hợp với lợi ích của các trái chủ để đấu tranh cho sự tồn tại của công ty và tránh bị thanh lý.

Esther Liu, nhà phân tích tại S&P Global Ratings, cho biết: “Đối với các chủ nợ, việc giữ chân những người sáng lập của các nhà phát triển là một cách tiếp cận quan trọng để gắn kết lợi ích của các cổ đông chính với họ. Nếu những người sáng lập rời đi, sẽ có một câu hỏi liệu các công ty bất động sản này có thể tiếp tục hoạt động hay không”.

Theo Daniel Fan, nhà phân tích tín dụng tại Bloomberg Intelligence, một động lực khác dẫn tới điều này có thể xuất phát từ ý thức về nghĩa vụ phải sắp xếp lại mọi thứ cho đúng quỹ đạo.

“Các chủ tịch có thể cảm thấy phải chịu trách nhiệm cá nhân về các khoản nợ vì họ đã không tuân theo các hướng dẫn của chính phủ để kiểm soát đòn bẩy tài chính. Bên cạnh đó, một số nhà sáng lập vẫn đam mê công việc kinh doanh của họ. Họ muốn kiểm soát để đảm bảo kế hoạch trả nợ thành công”, nhà phân tích Daniel Fan nói.

Một số ông trùm ở Trung Quốc đã phải đối mặt với sự giám sát của chính phủ sau những thất bại trong kinh doanh trong quá khứ. Chen Feng, chủ tịch và đồng sáng lập của HNA Group, đã bị bắt giữ vào năm 2021 sau khi tập đoàn này bị chính quyền Hải Nam yêu cầu tái cơ cấu.

Cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc xảy ra sau khi chính phủ bắt đầu siết chặt việc vay nợ quá nhiều trong ngành vào năm 2020, khiến các nhà phát triển khó tái cấp vốn cho các khoản nợ đang phình to. Cuộc khủng hoảng tiền mặt sau đó đã gây ra các vụ vỡ nợ kỷ lục ở nước ngoài, xóa sổ hàng tỷ USD vốn đầu tư và trì hoãn việc xây dựng hàng nghìn ngôi nhà.

Trước khi sụp đổ, sự mở rộng nhanh chóng của lĩnh vực bất động sản dân cư đã giúp tỷ phú Hui Ka Yan và nhiều ông trùm bất động sản khác trở thành những người giàu có nhất Trung Quốc.

Phần lớn tài sản được biết đến của ông Hui Ka Yan có được từ cổ phần kiểm soát của ông tại Evergrande, thông qua hình thức trả cổ tức bằng tiền mặt mà ông nhận được từ công ty. Ông đã bỏ túi khoảng 51 tỷ nhân dân tệ (7,1 tỷ USD) tính đến năm 2021.

Một phần lớn tài sản ròng đó đã bị xóa sạch trong những năm gần đây. Tỷ phú Hui Ka Yan hiện sở hữu tài sản ròng trị giá khoảng 3,2 tỷ USD, giảm sâu từ mức đỉnh 42 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index. Con số này có thể giảm thêm trong những tháng tới.

Leonard Law, nhà phân tích tín dụng cao cấp tại Lucror Analytics, cho biết: “Thật thất vọng đối với các trái chủ khi Hui Ka Yan từ chối rót tiền mặt, xét đến số tiền cổ tức mà ông ấy đã được nhận từ công ty trong những năm qua”.

Tuy nhiên, các chủ nợ có thể có rất ít sự lựa chọn ngoài việc tiếp tục làm việc với những người sáng lập như Hui Ka Yan để khai thác càng nhiều càng tốt từ những gì còn lại trong đế chế của họ.

Anh Nguyễn (Japan Times)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.