Cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc không chỉ gây ra rắc rối cho các nhà phát triển bất động sản tư nhân như China Evergrande hay Country Garden, mà cả các công ty địa ốc vốn nhà nước, từng được cho là có khả năng trụ vững, cũng bắt đầu chịu ảnh hưởng.

Sino-Ocean Group, một nhà phát triển bất động sản thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, vừa qua cho biết rằng họ đã không trả được khoản lãi 20,9 triệu USD cho khoản vay trái phiếu trị giá 700 triệu USD. Công ty đang cố gắng tìm cách hoãn thời gian thanh toán đến ngày 30/9 bằng cách thông qua một nghị quyết bất thường.

Các chuyên gia cho biết vấn đề nợ nần của Sino-Ocean sẽ khiến tâm lý thị trường xấu đi vì người mua nhà sẽ tiếp tục trì hoãn kế hoạch mua sắm của họ. Ngoài ra, các chuyên gia cũng chia sẻ rằng việc này có thể khiến giá bất động sản tại Trung Quốc tiếp tục giảm, qua đó khiến các công ty địa ốc tiếp tục gặp khó trong việc cải thiện tình hình tài chính.

Khi cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande được báo cáo vào nửa cuối năm 2021, Sino – Ocean Group được truyền thông Trung Quốc ca ngợ là một công ty lành mạnh về tài chính vì có bệ đỡ từ hai ông lớn Anbang Life Insurance và Dajia Life Insurance.

Anbang Life Insurance và Dajia Life Insurance, lần lượt được kiểm soát bởi Ủy ban quản lý và giám sát tài sản thuộc sở hữu nhà nước và Bộ Tài chính, mỗi công ty sở hữu 29,58% cổ phần của Tập đoàn Sino-Ocean.

Năm ngoái, doanh số dựa trên hợp đồng của Tập đoàn Sino-Ocean đã giảm 26,4% xuống còn 100,29 tỷ nhân dân tệ so với năm 2021. Doanh thu của công ty giảm 28% xuống còn 46,13 tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái. Sino-Ocean cũng đã báo cáo khoản lỗ ròng 15,93 tỷ nhân dân tệ vào năm 2022, cao hơn nhiều mức lỗ ròng 2,7 tỷ nhân dân tệ vào năm 2021.

Công ty cho biết họ dự kiến ​​sẽ ghi nhận khoản lỗ ròng từ 17 tỷ đến 20 tỷ nhân dân tệ trong nửa đầu năm nay. Trong 7 tháng đầu năm 2023, doanh số bán nhà dựa trên hợp đồng của công ty đã giảm 26,6% xuống còn 38,15 tỷ nhân dân tệ so với cùng kỳ năm trước.

“Thị trường bất động sản của Trung Quốc vẫn đang ở trong giai đoạn bất ổn, nhưng chúng tôi tin rằng các nhà phát triển có mối liên kết nhà nước có tính an toàn cao hơn, chẳng hạn như Yuexiu Property”, Sandra Chow, chuyên gia nghiên cứu tại CreditSights, cho biết.

“Tuy nhiên, việc những công ty địa ốc có mối liên kết với nhà nước như Sino-Ocean hay Central China Real Estate lao dốc đã khiến các nhà đầu tư ngày càng lo lắng. Họ có thể nhận thấy rằng không nơi nào thực sự an toàn”, bà Sandra Chow nói thêm.

Một chuyên gia bất động sản tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc cho biết nhiều nhà phát triển bất động sản phải đối mặt với mức giảm trung bình 30% so với cùng kỳ năm ngoái về yếu tố doanh số bán hàng theo hợp đồng của họ trong tháng 7.

Ông nói: “Country Garden và Sino-Ocean sẽ không phải những công ty địa ốc duy nhất gặp khó. Trong số 30 nhà phát triển bất động sản tư nhân hàng đầu, có ít nhất 20 công ty đã báo cáo các vấn đề về nợ nần. Cuộc khủng hoảng bây giờ mới đang lan rộng”.

Tính đến cuối năm ngoái, Sino-Ocean có tài sản trị giá 246,1 tỷ nhân dân tệ và nợ phải trả là 198,2 tỷ nhân dân tệ. Tài sản ròng giảm 37% xuống 47,9 tỷ nhân dân tệ vào cuối năm 2022 so với 76,5 tỷ nhân dân tệ một năm trước đó. Tính đến ngày 31/12/2022, công ty có 9,4 tỷ nhân dân tệ tiền mặt, nhưng lại có 38 tỷ nhân dân tệ khoản vay đến hạn trong vòng một năm.

Anh Nguyễn (Asia Times)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.