CafeLand - Mặc dù dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có sụt giảm trong quý đầu năm 2020, các lĩnh vực bán lẻ và khách sạn thậm chí căn hộ đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng điều này không có nghĩa là Việt Nam không còn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Từ năm 2019 đến nay đã có một số dự án đang trong quá trình thương thảo với tổng giá trị ước tính hơn nửa tỉ đô la.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong ba tháng đầu năm nay, Việt Nam thu hút được 8,55 tỉ USD vốn FDI, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó có 758 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 5,5 tỉ USD; 236 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 1,1 tỉ USD, giảm 18%; 2.523 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn gần 2 tỉ USD.

Không chỉ dòng vốn FDI vào Việt Nam sụt giảm, nghiên cứu của Savills Việt Nam cho thấy, lĩnh vực bất động sản nhà ở chịu tác động tiêu cực trong ngắn hạn bởi các lệnh cấm du khách nhập cảnh, làm gián đoạn việc khảo sát và thực hiện các giao dịch của khách nước ngoài. Trong đó, lượng khách Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các giao dịch bất động sản với khách nước ngoài.

Tuy nhiên, các nhà phát triển bất động sản vẫn đang chuẩn bị các dự án mới để đáp ứng nhu cầu của khách trong và ngoài nước khi mức cầu phục hồi, với kỳ vọng Việt Nam vẫn là một trong những thị trường có mức lợi tức cho thuê cao và giá bất động sản thấp nhất trong khu vực.

Một trong những động thái của các nhà đầu tư nước ngoài đáng chú ý trong quý đầu năm 2020 là việc Tập đoàn Mitsubishi Corporation và Nomura Real Estate thông báo mua 80% cổ phần của một dự án ở khu Đông TP.HCM để phát triển hơn 10.000 căn hộ chung cư tại TP.HCM.

Ở phân khúc bất động sản công nghiệp, Công ty Kizuna - doanh nghiệp cho thuê nhà xưởng xây sẵn tại Long An - đang khẩn trương đầu tư xây dựng dự án Kizuna - Ready Serviced Space tại khu nhà xưởng dịch vụ Kizuna 3 trên địa bàn huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Dự án được thiết kế gồm hai khu nhà xưởng cao 4 tầng, quy mô gần 80.000m2 nhà xưởng xây sẵn. Chủ đầu tư cho biết sẽ bàn giao, đưa vào sử dụng vào quý 4/2020 để đón đầu và thu hút dòng vốn FDI đầu tư vào Việt nam sau đại dịch Covid-19.

Savills nhận định, mặc dù tác động của đại dịch Covid-19 được dự báo có thể kéo dài đến cuối năm 2020, song ngành dịch vụ du lịch và khách sạn có thể là ngành đầu tiên phục hồi mạnh mẽ và nhanh chóng.

Với lợi thế số lượng du khách đa số là khách trong nước (82,5% tổng lượng du khách năm 2019) và các thị trường nước ngoài lớn như Trung Quốc và Hàn Quốc, các nhóm khách này được dự đoán sẽ nhanh chóng du lịch trở lại sau khi đại dịch được kiểm soát.

Nhìn ở góc độ tích cực, Covid-19 được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng cho sản xuất, mở ra thêm nhiều cơ hội cho bất động sản công nghiệp Việt Nam.

Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam, nhận định, “Đây là thời điểm khó khăn với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nói chung. Mặc dù vậy, đối với một bộ phận các cá nhân và doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt, có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư bất động sản không chỉ trong và ngoài nước, đây lại là cơ hội rất lớn đối với họ”.

Ông Khương cũng nói thêm, thời gian qua thị trường chứng kiến nhiều nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đang sẵn sàng mua và nhận chuyển nhượng các dự án từ chính các nhà đầu tư đang gặp khó khăn trong lĩnh vực bất động sản.

Theo ước tính của Savills Việt Nam, từ năm 2019 đến nay đã có một số dự án đang trong quá trình thương thảo với tổng giá trị ước tính hơn nửa tỉ đô la. Loại hình mà các nhà đầu tư quan tâm là các dự án khu dân cư, khu thương mại, khách sạn và kể cả cao ốc văn phòng ở TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh ở miền Trung.

Ông Khương tin rằng sau khi dịch đi qua, cộng với những chỉ thị quyết liệt của Chính phủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian qua, sẽ có nhiều nhà đầu tư nắm bắt được cơ hội.

Tương tự, khi được hỏi về thị trường đầu tư của Việt Nam khả quan hay bi quan giữa thời Covid-19, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Quản lý cấp cao Bộ Phận nghiên cứu thị trường và tư vấn phát triển của CBRE Việt Nam, cho biết đơn vị này vẫn ghi nhận các yêu cầu hỏi về giao dịch đầu tư trên thị trường.

“Một số tập đoàn lớn trong khu vực châu Á Thái Bình Dương đang tìm kiếm cơ hội mua lại tài sản trong giai đoạn này với giá tốt. Tuy nhiên, vì lệnh hạn chế đi lại, người mua không đi xem thị trường, không khảo sát dự án được nên các giao dịch này đang bị chậm lại” bà Thanh cho biết.

Vị này cũng nói thêm, hiện các dự án được chào bán trên thị trường chưa ghi nhận giá chào bán bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hầu hết chủ nhà và người mua đều ở tâm thế chờ xem diễn biến của dịch bệnh vì hai tháng cũng là thời gian tương đối ngắn để đánh giá được sức ảnh hưởng của nó lên thị trường đầu tư.

  • M&A cần thêm động lực để tăng tốc

    M&A cần thêm động lực để tăng tốc

    CafeLand - Trong một thập kỷ qua, hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) đã có những bước tăng trưởng không ngừng, dần trở thành bộ phận quan trọng trong hệ sinh thái đầu tư- kinh doanh của Việt Nam.

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.