07/08/2019 8:36 AM
CafeLand - Trong một thập kỷ qua, hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) đã có những bước tăng trưởng không ngừng, dần trở thành bộ phận quan trọng trong hệ sinh thái đầu tư- kinh doanh của Việt Nam.

Song, để có thể thực sự bứt phá, thị trường M&A Việt Nam trông đợi thay đổi mạnh mẽ từ quá trình ban hành và thực thi chính sách đến các hoạt động kết nối, thực thi thương vụ và sự đổi mới, sáng tạo trong các bên mua và bên bán.

Thông tin trên được đại diện các cơ quan quản lý và chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 diễn ra chiều ngày 6-8 tại TP.HCM.

Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại diễn đàn

Theo ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động M&A đã tăng trưởng không ngừng và trở thành một xu thế quan trọng trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Nếu như năm 2009, tổng giá trị thương vụ M&A mới chỉ đạt 1,1 tỉ USD, thì đến năm 2018 con số này đã vượt mốc kỷ lục 10,2 tỉ USD, đưa tổng giá trị thương vụ trong thập kỷ qua đạt khoảng 55 tỉ USD, theo thống kê của Diễn đàn M&A Việt Nam.

Không chỉ đạt kỷ lục về tổng giá trị, số lượng các thương vụ cũng tăng lên nhanh chóng, diễn ra trên mọi khu vực doanh nghiệp, từ tư nhân, đầu tư nước ngoài đến doanh nghiệp có vốn nhà nước. M&A thu hút sự tham gia không chỉ các nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp trong và ngoài nước mà còn có sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp công nghệ.... Điều này đã chứng minh sự trưởng thành cũng như tiềm năng của thị trường M&A Việt Nam.

Thị trường muốn bứt phá cần phải có những thương vụ lớn để thu hút dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài, như trường hợp Sabeco, Vinamilk, Vinaconex. Tuy nhiên, làm thế nào để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn để thu hút các thương vụ M&A lớn, thu hút các nhà đầu tư ngoại danh tiếng nhảy vào là vấn đề cần được tháo gỡ.

Cổ phần hóa chậm

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết thời gian qua, số lượng doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa tuy có chậm lại, nhưng chất lượng các doanh nghiệp đã cổ phần hóa lại đang tốt hơn. Các nhà đầu tư đã đầu tư vào những thương vụ có giá trị lớn hơn chứng tỏ niềm tin đang gia tăng trên thị trường.

Nói về lý do cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước bị chậm lại, ông Tiến cho rằng vướng mắc lớn nhất là về đất đai. Có nhiều doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa, các nhà đầu tư làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất gặp khó khăn vì miếng đất chưa rõ ràng về pháp lý. Do đó, quá trình cổ phần hóa cần phải chậm lại để rà soát, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư và xác định họ có được những tài sản gì, đặc biệt với những tài sản là bất động sản thực sự của doanh nghiệp.

Còn theo ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), SCIC hoạt động được 12 năm, thoái vốn trên 900 doanh nghiệp, trung bình mỗi năm trên 70 doanh nghiệp. Nguồn thu mang lại cho Nhà nước trên 47.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên trong hai năm gần đây, kết quả thoái vốn chậm lại. ,Trong sáu tháng đầu năm 2019 chỉ mới thoái vốn thành công tại bốn doanh nghiệp.

Dù chất lượng và số tiền thu về vẫn hiệu quả so với giá vốn, nhưng số lượng thì chưa đạt kế hoạch vì nhiều lý do. Ngoài lý do chủ quan của doanh nghiệp, quy định thoái vốn thời gian qua, dù cơ quan chức năng đã nỗ lực, nhưng vẫn phải tiếp tục sửa đổi bổ sung, hoàn thiện.

Tháo gỡ chính sách

Ông Tiến cho biết hiện cơ quan quản lý đang cố gắng thu hẹp doanh nghiệp nhà nước rà soát, công bố rõ doanh nghiệp nhà nước sẽ bán với số lượng lớn, nhất là doanh nghiệp quy mô lớn như viễn thông, dịch vụ vận tải, hàng không cũng sẽ tiến hành bán với số lượng lớn để tỷ lệ bán ra đủ lớn để các nhà đầu tư tham gia.

Ông Tiến cũng cho biết thêm, trong thời gian tới sẽ có trao đổi với các công ty tư vấn quốc tế vào Việt Nam có rào cản gì để tìm cách tháo gỡ cho họ thâm nhập nhiều hơn vào thị trường Việt Nam. Mặt khác, tiến tới đổi mới cơ chế cổ phần hóa theo hướng các doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ phải niêm yết luôn trên thị trường chứng khoán, chứ không đợi một thời gian mới niêm yết.

Bộ Tài chính đang thí điểm để đến năm 2021 sẽ áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế cho những doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn để khi cổ phần hóa sẽ đồng nhất với các chính sách quốc tế.

Ông Lai của SCIC cho biết, hiện thoái vốn doanh nghiệp nhà nước thường thực hiện gồm đấu giá công khai, nếu không thành công thì chào giá cạnh tranh, nếu không thành công nữa thì bán thoả thuận. Với quy trình đó, nhiều trường hợp vai trò của các công ty tư vấn, nhất là thương vụ lớn là rất khó.

“Quy trình này, nhiều trường hợp không phù hợp với thông lệ quốc tế, nhất là giai đoạn rà soát đặc biệt doanh nghiệp. Vì nhà đầu tư bỏ ra số tiền lớn mà không được rà soát đặc biệt doanh nghiệp khiến trên thị trường phát triển rất khó, ngoại trừ những nhà đầu tư đã quen với quy trình này” ông Lai nói và cho rằng quy trình bán cổ phần nhà nước cần xích lại gần hơn với thông lệ quốc tế.

Hiện nay, vấn đề vướng đất đai không chỉ ở cổ phần hóa mà còn vướng luôn ở khâu xác định giá trị doanh nghiệp để thoái vốn sau cổ phần hóa.

Nhiều quỹ đất không có giấy tờ hoàn chỉnh, chỉ có hợp đồng thuê đất, thậm chí hợp đồng đã hết hạn nhưng địa phương tiếp tục đồng ý cho sử dụng đất và có thể thu hồi bất cứ lúc nào. Trường hợp này rất khó để định giá.

Ông Lai cho biết có hợp doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa đã 15 năm nhưng giấy tờ đất cũng chỉ có là hợp đồng thuê đất, biên lai thu tiền sử dụng đất... Giả định, doanh nghiệp nhà nước có đầy đủ giấy tờ pháp lý, thì giá trị thực tế sẽ cao hơn rất nhiều. Vì vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục rà soát và xử lý vấn đề này.

T.Kiều
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.