Thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2021 và trong năm 2022 bắt đầu có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng nhưng ở thế “giằng co” chứ chưa thể bùng nổ. Đặc biệt, giá bán bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao do khan hiếm quỹ đất, nguồn cung mới và chi phí xây dựng, chi phí đầu vào tăng mạnh.

Thị trường bất động sản cần thời gian để phục hồi

Tại Hội thảo "Triển vọng thị trường bất động sản sau dịch Covid-19" do báo Tiền Phong tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia dự báo thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2021 và trong năm 2022 sẽ có những bước phục hồi nhưng tốc độ không thần tốc mà từng bước một.

Đặc biệt, theo các chuyên gia giá bán bất động sản trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao chứ không chững lại hay giảm xuống do ảnh hưởng của dịch bệnh như nhiều người dự đoán.

Lãnh đạo của Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh bất động sản vẫn được nhiều người lựa chọn làm kênh đầu tư trú ẩn an toàn, tích luỹ tài sản dài hạn. Cụ thể tại các dự án của Hưng Thịnh như Moonlight Centre Point Tên Lửa, Bien Hoa Universe Complex, Lavita Thuan An… vẫn bán hàng rất tốt trong đợt dịch vừa qua.

Theo đại diện Hưng Thịnh, dù đại dịch gây nhiều tổn thất nhưng giá bất động sản trong thời gian qua vẫn tăng và xu hướng này còn tiếp diễn sắp tới. Nguyên nhân bât động sản tăng giá là bởi quỹ đất tại TP.HCM và ngay cả các tỉnh lân cận không còn nhiều. Cơ sở hạ tầng giao thông kết nối giữa các địa phương ngày càng được đầu tư rút ngắn thời gian di chuyển, chi phí đầu vào, giá vật liệu xây dựng, tiền sử dụng đất ngày càng tăng cao…

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển DKRA Vietnam cho biết, từ nửa cuối quý 2/2021 đến nay, có một số điểm đáng chú ý có thể tác động đến mặt bằng giá bất động sản. Tuy nhiên, nhìn chung giá bất động sản không có nhiều biến động.

Nguồn cung mới trong quý 4 sẽ tích cực hơn trong quý 3, không chỉ ở TP.HCM mà cả các địa phương lân cận khác. Sức mua chung trong quý 4, sẽ diễn biến tương tự hoặc tăng nhẹ so với quý 3, nhưng vẫn suy giảm so với quý 1 hoặc cùng kì năm 2020. Nguyên nhân do người mua bị ảnh hưởng về thu nhập, một số khác cũng đang thận trọng quan sát. Ngoài ra, thị trường thứ cấp chưa tích cực tác động đến sức mua của thị trường sơ cấp. Điểm sáng của quý 4 vẫn dựa vào những người có tiềm lực tài chính lựa chọn bất động sản là kênh hàng đầu để đầu tư lâu dài và đa dạng hoá/bảo toàn giá trị tài sản.

Tuy nhiên, bước sang năm 2022, áp lực tăng giá sẽ rất lớn bởi các lý do chính đã bắt đầu xuất hiện từ quý 1/2021 (lạm phát, chi phí vật liệu xây dựng tăng, chi phí đầu vào tăng). Đặc biệt, từ quý 2/2022, khi kinh tế phát triển mạnh trở lại (nhiều dự báo cho rằng GDP năm 2022 có thể lên đến 6.5 - 7.5%), Việt Nam hoàn thành mục tiêu tiêm chủng toàn dân cho cả trẻ em, thì bất động sản sẽ càng có đà tăng giá.

Giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng

Dự báo về diễn biến thị trường bất động sản sắp tới, ông Nguyễn Thanh Quyền – Tổng giám đốc Tập đoàn bất động sản Thắng Lợi lại chia thành 4 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn hiện hữu từ 1/10 đến 17/1 (15 âm lịch tháng chạp) sẽ là thời điểm tăng trưởng tở lại khoảng 5 đến 10%; Giai đoạn 2 từ 18/1 đến 15/2 là giai đoạn nghỉ ngơi khi rơi vào Tết Nguyên Đán; Giai đoạn 3 từ 16/2 đến 31/3 là giai đoạn tăng trưởng dự đoán khoảng 10 đến 15% khi nhiều khách hàng sẽ chốt chứng khoán có thể đổ vào bất động sản. Nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ dừng lại nhưng nhà đầu tư lâu năm sẽ tích cực săn hàng; Giai đoạn thứ 4 khoảng 120 ngày có tâm thế giằng co nhích nhẹ khoảng 5%. Đây là giai đoạn quyết định sự ấm lên của thị trưởng là bao nhiêu. Sự giằng co lệch về bên nào thì sự tăng trưởng sẽ nhiều hay ít.

Trong bối cảnh thị trường hiện nay, ông Quyền khuyến cáo nhà đầu tư cần lưu ý các yếu tố như không đầu tư lướt sóng, không sử dụng đòn bẩy tài chính quá nhiều, lựa chọn chủ đầu tư uy tín, thời gian di chuyển quan trọng hơn khoảng cách, chọn những dự án có nhu cầu ở thực…

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.