Thị trường M&A Việt Nam đã có sự cải thiện nhanh trong thời gian qua. Ảnh: Thuận Nguyễn
Bất động sản bật tăng
Theo số liệu thống kê, nếu như năm 2016 là năm lên ngôi của bán lẻ với các thương vụ mua bán chuỗi phân phối, thì sang năm 2017 ngành có tỷ trọng giá trị mua bán, sáp nhập (M&A) lớn nhất là sản xuất hàng tiêu dùng (57%), tiếp theo là ngành bất động sản (27%). Bước sang năm 2018, trong 6 tháng đầu năm, ngành bất động sản chiếm ưu thế với 66,75%, tài chính ngân hàng 19,6% và sản xuất công nghiệp chiếm 9%.
Ông Neil Mac Gregor, Tổng giám đốc Công ty Savills Việt Nam, cho biết cùng với sự tiến triển nhanh chóng của xu hướng M&A, tính quốc tế của thị trường bất động sản Việt Nam đang trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết.
“Hoạt động M&A xuyên biên giới đã tăng trưởng tích cực, khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu nhờ vào chính sách đổi mới của đất nước khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sự ổn định chính trị và tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ”, ông Mac Gregor nhận định.
Theo ông, việc Chính phủ ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản đã trở thành một trong những lĩnh vực hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư ngoại. Thị trường bất động sản sôi động trong năm 2017 và nửa đầu năm 2018 sẽ thúc đẩy lượng thương vụ M&A, với hàng trăm triệu USD đang chờ đầu tư vào phân khúc nhà ở, văn phòng, bán lẻ, khách sạn và công nghiệp.
“Thị trường bất động sản của Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài trong 1 thập niên vừa qua và đang đạt đến thời điểm chín muồi. Sức nặng của dòng vốn đang tìm kiếm đường vào thị trường bất động sản Việt Nam chính là một chỗ dựa vững chắc cho những thương vụ M&A có giá trị lớn trong vài năm tới”, Tổng giám đốc Savills Việt Nam lạc quan.
Tương tự, ông Fan Li, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Warburg Pincus, cho rằng có nhiều yếu tố khiến các nhà đầu tư nước ngoài quyết định rót vốn vào Việt Nam. Trong đó có tăng trường nhanh chóng tầng lớp trung lưu, sức tiêu thụ cũng tăng lên.
Yếu tố thứ hai là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam có mức độ phát triển tốt trong những năm qua. Nhiều nhà sản xuất đến đây này tìm đất, nhà xưởng, kho bãi để thuê.
Ngoài ra, nguồn lực tài nguyên trong du lịch của Việt Nam rất phong phú. Sự phát triển của các hãng hàng không, hạ tầng sân bay cải thiện cũng là yếu tố tăng lĩnh vực lưu trú, lữu hành. Do vậy, đã có những cuộc mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực khách sạn, hoặc có sự kết hợp giữa các thương hiệu quốc tế và nội địa trong lĩnh vực du lịch.
Tăng trưởng nhanh, nhưng quy mô thương vụ nhỏ
Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng dự báo, trong năm 2018 và những năm tiếp theo, các thương vụ M&A tiếp tục tập trung nhiều vào lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản. Ngoài ra các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục cũng được kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể.
Giai đoạn tới cũng được mong đợi có các thương vụ quy mô lớn hơn, nhất là các thương vụ liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước lớn cổ phần hóa và sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.
Hầu hết các chuyên gia nhận định, thị trường M&A Việt Nam đã có sự cải thiện nhanh trong thời gian qua. Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, nói rằng trong 10 năm trở lại đây, môi trường M&A đã thay đổi rõ nét.
Trả lời câu hỏi có đặt kỳ vọng thị trường chuyển quy mô lớn hơn không, vị chuyên gia này khẳng định “chắc chắn có, vì quy mô M&A tại Việt Nam bây giờ đã bằng Indonesia, Malaysia, và trong thời gian tới, thị trường M&A Việt Nam sẽ lớn hơn hai thị trường này.”
Dù tăng trưởng của thị trường M&A tại Việt Nam là đáng ghi nhận, nhưng quy mô thị trường vẫn ở mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á. Tổng giá trị M&A năm 2016 của thị trường Singapore đạt 62,3 tỉ USD, vượt xa mức 11-16 tỉ USD của các nước Indonesia, Thái Lan và Malaysia.
Thị trường Việt Nam có quy mô bằng 86,22% so với thị trường Phillippines, quốc gia có tổng giá trị M&A năm 2016 đạt 6,75 tỉ USD. Năm 2017, với thương vụ Sabeco, giá trị M&A của Việt Nam ở mức tương đương các thị trường Malaysia hay Indonesia.
Xét về quy mô thương vụ, thị trường Việt Nam vẫn chủ yếu là các giao dịch nhỏ với quy mô 5-6 triệu USD (100-120 tỉ đồng), các giao dịch quy mô nhỏ chiếm tới trên 90% về lượng thương vụ. Những thương vụ siêu lớn đã xuất hiện tại Việt Nam với 1 đến 2 thương vụ mỗi năm nhưng đóng góp tỷ trọng đáng kể vào kết quả M&A chung của thị trường.
-
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: Việt Nam vẫn là địa chỉ hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế
CafeLand - Phát biểu tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2018 được tổ chức với chủ đề "Bước ngoặt mới, kỷ nguyên mới" diễn ra tại TP.HCM chiều nay (8/8), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thông tin về việc Chính phủ sẽ tiếp tục cổ phần hoá và thoái vốn tại các ngân hàng thương mại nhà nước.